Giữa năm 1965, đế quốc Mỹ cho quân đổ bộ vào miền nam, trực tiếp xâm lược nước ta, chuyển chiến lược từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Lúc cao nhất trong cuộc chiến tranh cục bộ này, quân Mỹ lên tới 500 nghìn lính, đó là chưa kể quân của các nước chư hầu đồng minh của Mỹ và gần một triệu quân ngụy Sài Gòn. Cùng với tiến công quân sự, cách mạng miền nam đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận và ngoại giao để đề cao vai trò của Mặt trận DTGP miền nam Việt Nam. Ðể cô lập, phân hóa địch đến mức cao nhất, tập hợp thêm các lực lượng, cá nhân có tinh thần chống Mỹ và Thiệu - Kỳ, tranh thủ các tầng lớp trung gian ở các thành thị, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn nữa ở nước ngoài, Bộ Chính trị đã chủ trương lập thêm ở miền nam một mặt trận mới - Mặt trận 2. Tháng 10 và 11-1966, Bộ Chính trị họp liên tục bàn về cách mạng miền nam, ngày 27-1-1967 đã ban hành Nghị quyết số 154-NQ/TW về đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền nam. Trong nghị quyết này, lần đầu tiên Bộ Chính trị bàn tới Mặt trận 2: "Trong khi đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, cần xúc tiến việc thành lập một mặt trận liên hiệp hành động rộng rãi ở các đô thị và những vùng nông thôn do địch kiểm soát, đấu tranh cho độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập. Mặt trận này được hình thành dần dần từ trong phong trào đấu tranh của quần chúng, cho nên nó có tính chất rộng rãi, nhưng vẫn phải dựa trên cơ sở liên minh công nông"(1).
Một năm sau nghị quyết này, tháng 1-1968, Hội nghị 14 Ban Chấp hành Trung ương đã họp thảo luận và thông qua Nghị quyết về tổng công kích và tổng khởi nghĩa trên toàn chiến trường miền nam. Trong cao trào cách mạng này, Trung ương quyết định: "Cần thành lập một Mặt trận thứ hai bên cạnh Mặt trận Dân tộc giải phóng, lấy một tên thích hợp với cương lĩnh rộng rãi hơn Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc giải phóng"(2). Về thành phần của Mặt trận 2 thì có thay đổi so với nghị quyết Bộ Chính trị, không lấy liên minh công nông làm nòng cốt, mà chỉ là "tập hợp thêm những lực lượng, những cá nhân có tinh thần chống Mỹ và Thiệu - Kỳ và tranh thủ các tầng lớp trung gian ở các thành thị, đồng thời tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi hơn ở nước ngoài", nghị quyết này cũng chưa xác định tên gọi của Mặt trận 2.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ T.Ư Cục giao cho Khu Trọng điểm tổ chức thành lập Mặt trận 2. Ngày 28-1-1968, trước khi diễn ra cuộc tổng công kích hai ngày, Thường vụ T.Ư Cục điện cho E12 (có thể là mật danh của Khu ủy Trọng điểm) truyền đạt ý kiến góp ý của Bộ Chính trị và Thường vụ T.Ư Cục về "nội dung Tuyên ngôn cứu nước và Ðại cáo của Mặt trận 2 Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình và tên của Mặt trận 2"(3).
Khi diễn ra cuộc tổng tiến công chiến lược, ngày 31-1-1968, Thường vụ T.Ư Cục tiếp tục điện cho E12 truyền đạt ý kiến của Bộ Chính trị và Thường vụ Năm Trường(4) về chủ trương, chính sách, tên một số cơ quan của Mặt trận 2, một số nhiệm vụ cần triển khai gấp để E12 chỉ đạo Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thực hiện.
Cùng với tiếng súng Tổng tiến công và nổi dậy, ở Huế, Trung Trung Bộ và Sài Gòn đã thành lập Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình của địa phương. Bộ Chính trị trực tiếp hướng dẫn các địa phương nêu trên phát huy tuyên ngôn của mình, chưa vội tuyên bố gia nhập vào Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình ở Sài Gòn. Khi cần sẽ thống nhất cũng chưa muộn.
Ngày 3-2-1968, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư T.Ư Cục điện báo cáo Bộ Chính trị về việc thành lập Mặt trận 2 ở Sài Gòn, ra Tuyên ngôn chính thức của Mặt trận 2 và quyết định của T.Ư Cục cho thành lập Mặt trận Liên minh ở Ðà Lạt và Mỹ Tho.
Ngày 7-2-1968, T.Ư Cục cho đài B (Ðài Phát thanh giải phóng) phát đi bản Tuyên ngôn cứu nước khẩn cấp của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình miền nam.
Trong suốt thời gian này, đặc biệt là trong tháng 4-1968, Thường vụ T.Ư Cục và Bộ Chính trị liên tục trao đổi mật điện về việc thành lập Mặt trận 2. Sau khi nhận được những chỉ thị một cách có hệ thống và bàn bạc cụ thể của Bộ Chính trị, T.Ư Cục đã khẩn trương bắt tay vào chuẩn bị một cách rất tỉ mỉ, bài bản cho sự ra đời của Mặt trận 2, đặc biệt là vấn đề nhân sự, vì tất cả những vị nhân sĩ, trí thức, đại diện các tôn giáo, tầng lớp trên, ta dự kiến mời tham gia vào Ủy ban T.Ư Liên minh đều sống ở đô thành Sài Gòn.
Trung tuần tháng 2-1968, khi tiếng súng của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân mặc dù đã giảm dần nhịp điệu, nhưng vẫn còn ác liệt, theo chỉ đạo của Khu ủy Trọng điểm, các cơ sở mật, các đường dây giao liên đã bí mật lần lượt đón các vị Liên minh từ Sài Gòn ra vùng căn cứ. Riêng luật sư Trịnh Ðình Thảo được tổ chức đưa ra căn cứ bằng con đường hợp pháp, còn chủ yếu các vị Liên minh theo đường giao liên từ nội thành bí mật được đưa tới Bộ Tư lệnh Tiền phương nam đóng ở xã Tân Kiên, ngay cửa ngõ Sài Gòn. Từ Bộ Tư lệnh Tiền phương nam, các đồng chí: Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Ðằng, Trần Hải Phụng tổ chức đường dây giao liên bán vũ trang đưa đoàn các vị Liên minh theo sông Bến Lức đến vùng Ðức Hòa (Long An), từ sông Vàm Cỏ Ðông sang sông Vàm Cỏ Tây về kênh Ba Ren, từ Ba Ren về Ba Thu trên vùng Mỏ Vẹt trên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia. Tại vùng Ba Thu này, luật sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Mặt trận DTGP tổ chức đón tiếp các vị trong Liên minh và đưa về căn cứ.
Sau khi tề tựu đông đủ về căn cứ T.Ư Cục, qua hai tháng tìm hiểu, trao đổi thảo luận về đường lối cứu nước dưới ngọn cờ của Ðảng, vị trí của Liên minh trong hành trình cùng dân tộc, ngày 20 và 21-4-1968, tại bắc Tây Ninh đã chính thức diễn ra Ðại hội thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình miền nam Việt Nam. Ðại hội đã ra Tuyên ngôn cứu nước và Cương lĩnh hành động của Liên minh. Ðại hội sau nhiều lần hiệp thương, đã chính thức bầu luật sư Trịnh Ðình Thảo làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch: Kỹ sư Lâm Văn Tết, Hòa thượng Thích Ðôn Hậu; Tổng Thư ký: Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ.
Về sự ra đời của Liên minh, sau này trong cuốn sách Chung một bóng cờ, những người trong cuộc đã có những nhận xét, đánh giá vô cùng thú vị. Ông Nguyễn Hữu Châu, con trai của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống Ðoàn Thanh niên cơ quan T.Ư Cục miền nam cho rằng: "Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam là ngọn cờ hiệu triệu mới đối với các tầng lớp, giai cấp khác nhau ở miền Nam, nhất là giới trí thức. Mặt trận Dân tộc thống nhất chống Mỹ ở miền Nam đã được mở rộng"(5). Mặt trận DTGP miền nam Việt Nam; Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam ra đời trong chiến tranh cách mạng, là hệ quả trực tiếp, là con đẻ của phong trào Ðồng Khởi năm 1960 và Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với vai trò và vị trí của mình đã đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc.
-------------------------------
(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Sđd, t.28, tr.165 - 166.
(2) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Sđd, t.29, tr.60.
(3) Bản thảo sắp xuất bản, lưu tại Nxb Chính trị quốc gia Sự thật.
(4) Năm Trường: Mật danh của Trung ương Cục.
(5) Chung một bóng cờ, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 538, tr. 638.