Cụ thể, tại thị trường châu Á, đồng euro đã giảm xuống mức 1 euro đổi được 0,9880 USD, là mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Trong khi đó, tình hình cũng không mấy khả quan đối với đồng bảng Anh, cũng chạm mức thấp nhất trong 2 năm rưỡi qua khi được giao dịch ở mức 1,14445 USD đổi 1 bảng Anh.
Ngược lại, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của "đồng bạc xanh" so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã vọt lên mức cao mới trong 20 năm là 110,25.
Theo đó, tỷ giá giữa đồng USD và đồng yen của Nhật Bản ở mức 140,38 yen đổi 1 USD.
Đồng won của Hàn Quốc cũng mất giá mạnh so với đồng USD, lần đầu tiên xuống mức thấp nhất trong hơn 13 năm qua, với tỷ giá 1.370 won đổi 1 USD.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chủ lực cũng đồng loạt giảm điểm.
Cụ thể, chỉ số DAX trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) giảm 2,9%, chỉ số CAC 40 trên sàn Paris (Pháp) giảm 2,1%, trong khi chỉ số FTSE 100 trên sàn London (Anh) giảm 0,9%.
Nhà phân tích Naeem Aslam của AvaTrade nhận định, các thị trường chứng khoán tại châu Âu đang lao dốc trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở châu Âu có thể biến thành vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều.
Từ ngày 27/7, Gazprom đã giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống mức 20% công suất, với lý do phát sinh các vấn đề trong quá trình sửa chữa các tuabin của Siemens do lệnh trừng phạt của Canada.
Ngày 30/8, Gazprom công bố quyết định ngừng hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 trong khoảng thời gian từ 4 giờ ngày 31/8 đến 4 giờ ngày 3/9 (theo giờ Moskva).
Tuy nhiên, ngày 2/9, Gazprom thông báo, trong quá trình bảo dưỡng dự kiến kéo dài 3 ngày, Gazprom đã phát hiện tuabin khí chính tại trạm Portovaya gần thành phố St. Petersburg bị rò rỉ dầu.
Theo đó, tuabin không thể vận hành an toàn cho tới khi đoạn rò rỉ được sửa chữa, và Gazprom không đưa ra bất kỳ khung thời gian nào về việc nối lại hoạt động cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1.