Động đất tại Nhật Bản: Toàn bộ thực tập sinh Việt Nam do IM Japan tiếp nhận đều an toàn

Ngày 2/1, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết chưa có thông tin thương vong người Việt trong trận động đất xảy ra trước đó 1 ngày. Những nhóm người Việt mà Đại sứ quán kết nối được đều an toàn, trong đó hầu hết đã trở về nhà sau khi trải qua 1 đêm tại các địa điểm lánh nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân sơ tán lên khu vực cao hơn sau khi cảnh báo sóng thần được ban bố sau trận động đất tại Nhật Bản, ngày 1/1/2024. Ảnh: Kyodo
Người dân sơ tán lên khu vực cao hơn sau khi cảnh báo sóng thần được ban bố sau trận động đất tại Nhật Bản, ngày 1/1/2024. Ảnh: Kyodo

Tính đến 17 giờ ngày 2/1 (theo giờ địa phương, tức 15 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam), Đại sứ quán chưa nhận được thông tin nào về thương vong người Việt do động đất.

Theo thông tin mới nhất do Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) cung cấp, toàn bộ thực tập sinh Việt Nam do tổ chức này tiếp nhận làm việc tại các tỉnh Toyama, Fukui và Ishikawa đều an toàn. Nhóm công tác tiếp tục theo dõi thông tin từ các địa phương bị ảnh hưởng nặng trong trận động đất, đặc biệt là tỉnh Ishikawa với Bán đảo Noto - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất.

Bán đảo Noto là khu du lịch với hai thành phố lớn nhất là Wajima và Wakura Onsen, có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà dưỡng lão. Đây là 2 nơi bị thiệt hại nặng trong động đất và cũng là 2 địa phương có lao động Việt Nam được tuyển dụng làm việc theo tư cách kỹ năng đặc định và tư cách thực tập sinh.

Theo ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý lao động Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam, ngay sau khi xảy ra động đất, các tình nguyện viên đã kêu gọi, hỗ trợ mọi người, trong đó có lao động Việt Nam, đến nơi lánh nạn để đề phòng sóng thần.

Tối 1/1, Ban quản lý lao động đã cung cấp địa chỉ lánh nạn cho người Việt ở các tỉnh Niigata, Ishikawa và Toyama. Toàn bộ người Việt ở gần tâm chấn đã được đưa đi lánh nạn an toàn. Những người Việt tại nơi lánh nạn đã giúp nhau vượt qua khó khăn trong đêm lánh nạn. Ban quản lý lao động đã đề nghị người Việt tại đó cho biết những khó khăn trước mắt để có biện pháp giúp đỡ.

Tại nơi lánh nạn, mọi người được cấp phát đầy đủ các vật dụng cần thiết và đã trở về nhà vào sáng 2/1. Tuy nhiên, vào trưa 2/1, do có dư chấn mạnh gây ra cảnh báo sóng thần nên chính quyền tại một số khu vực đã yêu cầu mọi người trở lại khu lánh nạn. Hiện nay, Ban quản lý lao động đã liên hệ với nghiệp đoàn và các doanh nghiệp có tuyển dụng lao động Việt Nam để xác nhận thông tin an toàn của lao động Việt Nam cũng như hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Hiện tại, tuyến đường nối tỉnh Toyama với Bán đảo Noto bị hỏng nặng nên chỉ duy nhất có lực lượng cứu hộ tiếp cận được Bán đảo Noto từ hướng này. Các tình nguyện viên người Việt Nam ở tỉnh Fukui chưa tiếp cận được Bán đảo Noto nên đã nỗ lực hỗ trợ cộng đồng bằng hình thức trực tuyến.

Anh Nguyễn Tuấn Ngọc, một người Việt Nam sinh sống ở tỉnh Fukui, cho biết anh đã liên hệ với một số lao động Việt Nam ở tỉnh Ishikawa và chưa có thông tin gì về người Việt Nam thương vong do động đất. Anh cho biết thành phố đang nỗ lực hỗ trợ các nạn nhân động đất, trong đó có lao động Việt Nam. Khi vừa xảy ra động đất tình hình khá hỗn loạn, vì vậy anh đã cung cấp các địa chỉ lánh nạn, hướng dẫn mọi người tập trung vào một chỗ để hỗ trợ nhau và các biện pháp cần thiết khác. Cho đến sáng 2/1, hầu hết mọi người đã rời địa điểm lánh nạn trở về nhà.

Chị Thanh Hậu, lao động Việt Nam đang làm việc tại khách sạn Noto Kaishyu, thành phố Wakura Onsen. Đây là khách sạn nằm sát biển nên ngay khi có còi báo động cảnh báo nguy cơ sóng thần, tất cả mọi người đều được hỗ trợ khẩn cấp chạy đến khu vực lánh nạn.

Tại nơi lánh nạn, các lao động Việt Nam cùng với người Nhật được hỗ trợ chăn đệm, lò sưởi... Đến rạng sáng 2/1, mọi người trở về nhà. Mặc dù vậy, vẫn còn xảy ra dư chấn rung lắc. Mặc dù không bị mất điện và gas nhưng đường cấp nước vẫn chưa được khôi phục. Có 5 lao động Việt Nam làm việc tại khách sạn và đang được khách sạn hỗ trợ nước để uống và nấu ăn.

Hiện tại, các lao động Việt Nam cũng như người Nhật vẫn được khuyến cáo sẵn sàng đồ dùng cần thiết để sơ tán trong trường hợp có báo động sóng thần vì vẫn còn xuất hiện các rung lắc nhẹ tại khu vực này.

Chị Nguyễn Thị Hằng, một lao động Việt Nam làm việc tại viện dưỡng lão Attohomu ở thành phố Nanao, cho biết trưa 2/1 chị đã quay trở lại nơi lánh nạn tại tòa nhà Sanzaifu. Trước đó, chiều 1/1, khi động đất xảy ra, chị Hằng cùng bạn chạy vào nơi lánh nạn gần nhất. Chị cho biết toàn bộ 6 người Việt làm tại viện dưỡng lão Attohomu đều an toàn. Chị Hằng thừa nhận cảm giác sợ hãi vì lần đầu tiên chứng kiến động đất và cho đến trưa 2/1 thỉnh thoảng vẫn có dư chấn nhỏ.

Chị Lê Thị Dậu, làm công việc điều dưỡng tại bệnh viện của Tập đoàn Aisei Kai ở thành phố Nanao cũng cho biết khu vực chị sống nằm sát biển và cho đến chiều tối 2/1 thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những rung lắc nhẹ. Chị cho biết động đất làm hư hại nhiều tòa nhà và đồ đạc. Tình trạng mất nước xảy ra không chỉ ở nhà dân mà cả khu vực bệnh viện nơi chị làm việc. Hiện tại, chị đã trở về nhà và sẵn sàng đi lánh nạn trong trường hợp có cảnh báo sóng thần. Lãnh đạo bệnh viện cho biết sẽ điều ô tô đến đón chị cùng một lao động Việt Nam nữa vào viện lánh nạn trong trường hợp có báo động.

Tại tỉnh Toyoma, một số người Việt cho biết họ đã được tình nguyện viên cấp phát các vật dụng cần thiết và đã trở về nhà. Trước mắt, chưa có khó khăn nào lớn, vấn đề hiện nay là nhà cửa, đồ đạc đổ vỡ ngổn ngang khắp nơi.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết vẫn đang duy trì liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các đầu mối cộng đồng người Việt tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng của động đất, sẵn sàng thực hiện công tác bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.