Theo đó, trên cơ sở đề xuất của UBND quận 7 và sự chấp thuận của UBND Thành phố, Hepza đã chấp thuận cho 29 doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất do có ca nhiễm để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời, các doanh nghiệp này phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch, chỉ được sản xuất trở lại khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng, chống dịch theo quy định tại Quyết định 2787 của Bộ Y tế.
Ghi nhận thực tế sau khi Hepza truyền đạt thông báo này, sáng 12-7, toàn bộ 29 doanh nghiệp này đã đóng cửa, tạm ngưng sản xuất và cho công nhân nghỉ việc.
Cũng theo thông báo này, Hepza yêu cầu đối với các doanh nghiệp đã đăng ký tiếp tục làm việc thì phải khẩn trương triển khai thực hiện nội dung “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ), đáp ứng yêu cầu an toàn bên trong nhà máy tại Khu chế xuất Tân Thuận, hoặc thuê chỗ ở tập trung (khách sạn, ký túc xá) bên ngoài Khu chế xuất, nhưng doanh nghiệp phải quản lý chặt chẽ người lao động, quản lý bằng phương tiện đưa đón không để người lao động tự di chuyển bẳng phương tiện cá nhân (áp dụng từ 0 giờ ngày 13/7).
Ngoài ra, các hoạt động xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải tạm ngưng hoạt động khi có ca nhiễm Covid-19 theo yêu cầu của Ban Chỉ huy thống nhất quận 7 được phép thực hiện nhưng số lượng nhân sự thực hiện không quá 5 người và phải bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch.
Khu chế xuất Tân Thuận có 250 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với khoảng 60 nghìn công nhân lao động. Gần đây, một số doanh nghiệp trong Khu xuất hiện các ca nghi nhiễm, trong đó có F0 nên việc Hepza yêu cầu các doanh nghiệp không bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 tạm đóng cửa nhằm khắc phục những hạn chế về phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Thống kê, có khoảng 70% công nhân làm việc trong Khu chế xuất Tân Thuận đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 lần 1.