Năm 1935, khi mới 23 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Ðông Dương, và chỉ ít lâu sau trở thành người lãnh đạo chủ chốt của tổ chức Ðảng ở phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Được rèn luyện trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, hoạt động sôi nổi, đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Ðảng từ chi bộ, Tổng ủy, Phủ ủy đến Tỉnh ủy, là Xứ ủy viên của Xứ ủy Trung Kỳ lúc bấy giờ. Từ năm 1939 đến năm 1943, trước khi bị địch bắt đày đi Buôn Ma Thuột, là thời kỳ thực dân Pháp ra tay đánh phá, đàn áp dã man phong trào cách mạng, đồng chí vẫn kiên trì bám trụ trong lòng dân, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm bởi vòng vây của mật thám, đã lặn lội đến nhiều địa phương để khôi phục, củng cố lại tổ chức đảng, nhằm duy trì sự lãnh đạo của Ðảng trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Nhờ đó mà nhiều tổ chức đảng trong tỉnh vẫn được duy trì sau khi đồng chí bị địch bắt cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, trở về Quảng Nam, đồng chí tiếp tục củng cố và xây dựng các tổ chức đảng từ xã đến tỉnh, tích cực chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8-1945.
Ðồng chí là người lãnh đạo chủ chốt trong Ủy ban bạo động giành chính quyền của tỉnh, vạch kế hoạch chỉ đạo khởi nghĩa ở các phủ, huyện trước rồi mới đến thị xã Hội An, là nơi tập trung đông cơ quan đầu não và lực lượng bảo vệ của địch. Khi đến Hội An, nghe Ủy ban lãnh đạo khởi nghĩa của thị xã báo cáo, nhạy bén nhận định tình hình thực tế tại đây đã chín muồi, có đủ điều kiện giành thắng lợi, đồng chí quyết định và trực tiếp chỉ đạo Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền thành công ngay trong đêm 17 rạng sáng 18-8-1945. Khởi nghĩa giành chính quyền trước ở Hội An đem lại nhiều kinh nghiệm thực tế cho việc khởi nghĩa giành chính quyền ở các phủ, huyện khác trong tỉnh.
Lịch sử chín năm kháng chiến của nhân dân Nam Trung Bộ đã ghi rõ đồng chí có nhiều công lao trong việc xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng của Liên khu V.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí ra miền bắc, được gặp Bác Hồ. Bác đã thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí trở về miền nam làm Bí thư Khu ủy, lãnh đạo phong trào cách mạng của khu V, trước mắt là đấu tranh đòi đối phương thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Trải qua bốn năm, đồng bào miềm nam, đồng bào khu V đã thực hiện phương pháp đấu tranh chính trị rất anh dũng, đòi đối phương thi hành Hiệp định, còn đối phương thì ra sức phá hoại, dùng bạo lực tàn sát đẫm máu quần chúng đấu tranh, đàn áp, khủng bố những người yêu nước, trả thù những người kháng chiến, bắn giết hàng loạt đảng viên, cán bộ, gây thiệt hại hết sức to lớn cho phong trào cách mạng. Trước thực tế đó, đồng chí luôn trăn trở và suy nghĩ, đã đến lúc phải thay đổi phương pháp đấu tranh cách mạng. Năm 1959, đồng chí quyết định ra Hà Nội để xin ý kiến Trung ương và Bác Hồ. Ðồng chí báo cáo tình hình và đề nghị với Bác và Bộ Chính trị cho thay đổi phương pháp đấu tranh, vì đối phương dùng bạo lực đánh phá cách mạng thì quần chúng cách mạng phải dùng bạo lực chống lại để bảo vệ và phát triển cách mạng, cụ thể là đấu tranh vũ trang kết hợp đấu tranh chính trị.
Bác thấy đề nghị đó là đúng đắn, rất phù hợp với Ðề cương cách mạng miền nam của Trung ương Cục và đồng chí Lê Duẩn vừa mới đem ra xin ý kiến Trung ương. Bác ủng hộ nhưng vấn đề này phải được sự nhất trí cao và có Nghị quyết của Trung ương. Ðồng chí Võ Chí Công được đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết 15 của Trung ương. Nghị quyết đã mở ra bước ngoặt phát triển mới cho cách mạng miền nam.
Sau Nghị quyết này, Bộ Chính trị quyết định đồng chí làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, cùng với Trung ương Cục chỉ đạo tổ chức Ðại hội thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam.
Với cương vị là Phó Bí thư Trung ương Cục, mặc dù tình hình chiến trường vô cùng khó khăn, đồng chí đã trực tiếp nghiên cứu phong trào đấu tranh của nhân dân ở Tiền Giang, phong trào đồng khởi ở Bến Tre, kết hợp kinh nghiệm ở khu V và mở Hội nghị tổng kết toàn Miền, đề ra phương châm đấu tranh của nhân dân miền nam là "Liên tục tiến công địch bằng ba mũi giáp công: Chính trị, quân sự và binh vận", làm thất bại các kế hoạch chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.
Bị thất bại trong chiến tranh đặc biệt, tháng 6-1965, đế quốc Mỹ đã đưa quân viễn chinh Mỹ vào Ðà Nẵng tiến hành chiến tranh cục bộ, trực tiếp xâm lược miền nam Việt Nam. Ðồng chí cùng Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương xây dựng vành đai nhân dân đánh Mỹ và quyết định dùng chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang địa phương đánh phủ đầu quân Mỹ khi chúng mới lấn ra chiếm đóng ở Núi Thành (Quảng Nam).
Chiến thắng oanh liệt ở Núi Thành đã mở ra một tư tưởng chiến lược rất quan trọng, chứng minh thực tế là quân dân ta biết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ. Trên toàn chiến trường miền nam lúc bấy giờ đã dấy lên phong trào "Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt". Tỉnh Quảng Nam đã được tặng thưởng tám chữ vàng "Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ".
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, quân dân toàn khu V đã thực hiện tiến công đồng đều trên toàn chiến trường. Sau khi giành thắng lợi và đạt được mục đích, đồng chí quyết định rút quân đúng lúc, cho nên đã tránh được thiệt hại nặng nề khi địch phản công đánh chiếm lại.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mở màn bằng trận tiến công của quân dân ta giải phóng Buôn Ma Thuột. Lúc này, đồng chí là Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, ở địa bàn Tây Nguyên lãnh đạo quân dân toàn khu tiến công địch ở nhiều nơi, phối hợp chặt chẽ với sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, góp phần giành thắng lợi oanh liệt giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Ðồng thời đồng chí luôn theo dõi sự chuyển biến các trận đánh của quân ta trên toàn miền nam. Nhạy bén nhận định thời cơ có một không hai, đồng chí quyết định táo bạo điện xin Bộ Chính trị cho phép Khu V dùng chủ lực quân khu và lực lượng vũ trang địa phương Quảng Ðà tiến công giải phóng Ðà Nẵng. Ðược đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị trả lời đồng ý, đồng chí cùng Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu V, Bộ Chỉ huy tiền phương Quảng Ðà lập tức thay đổi kế hoạch tiến công ban đầu ở phía nam, chuyển hướng tiến công của chủ lực Quân khu V (Sư đoàn II) ra cùng với quân dân Quảng Ðà tiến công và nổi dậy, phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực từ Huế tiến vào tiếp sức nhanh chóng giải phóng Ðà Nẵng ngày 29-3-1975.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công ra bắc nhận nhiệm vụ ở Trung ương, giữ cương vị Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thủy sản. Giai đoạn này với sự chỉ đạo của đồng chí, ngành thủy sản đã vượt qua khó khăn, từng bước phát triển, dần trở thành ngành mũi nhọn của nền kinh tế.
Những năm 1980 - 1981, đồng chí lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách nông nghiệp. Ðồng chí đã trực tiếp đến tận các hợp tác xã nghiên cứu, so sánh kết quả của hai cách khoán để có quyết sách. Từ thực tế chứng minh cách khoán mới đạt hiệu quả kinh tế cao hơn do có động lực của lao động, đồng chí tích cực ủng hộ sáng kiến mới, cách làm mới này. Lãnh đạo Ðảng và Nhà nước lúc đó có quyết định ban hành Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng. Sau đó, Chỉ thị 100 ra đời được hàng triệu nông dân, xã viên hoan nghênh và tích cực thực hiện có hiệu quả, đã trở thành phong trào "tháo khoán" trong các hợp tác xã cả nước. Tiếp đó, đồng chí tham gia xây dựng cơ chế quản lý mới trong nông nghiệp bằng Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị.
Thực hiện Chỉ thị 100 và Nghị quyết 10 đã đưa nông nghiệp nước ta phát triển đột phá, năng suất và sản lượng lương thực miền bắc tăng nhanh, Nhà nước giảm được nhập khẩu, giải quyết đời sống cán bộ và nhân dân trong những năm kinh tế đất nước bị khủng hoảng.
Từ thành quả kinh tế nông nghiệp, Bộ Chính trị giao cho đồng chí làm Trưởng Tiểu ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của nước ta. Ðồng chí đề xuất dùng danh từ "Ðổi mới" làm chủ đề để dễ hiểu, dễ làm, ai cũng làm được, triệt để xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng nội dung cơ bản đổi mới cơ chế quản lý, phát triển các thành phần kinh tế, vận dụng đúng đắn quy luật kinh tế thị trường phù hợp thực tiễn kinh tế nước ta, được Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa V thông qua, trở thành cốt lõi cho việc xây dựng đường lối đổi mới toàn diện, đồng bộ, quản lý đất nước tại Ðại hội toàn quốc lần thứ VI của Ðảng, tháng 12-1986.
Sau Ðại hội VI, đồng chí giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đồng thời là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi hiến pháp. Ðồng chí chỉ đạo thực hiện đổi mới thành công hoạt động của cơ quan lập pháp, chủ yếu mở rộng dân chủ, nâng cao vai trò trách nhiệm của đại biểu nhân dân trong sinh hoạt Quốc hội để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Ðồng chí chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp năm 1980 phù hợp đường lối đổi mới thành Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới ở nước ta.
Tại Ðại hội toàn quốc lần thứ VII của Ðảng, đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Ðồng được tôn vinh làm Cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Ðảng.
Với hơn 80 năm hoạt động, cống hiến liên tục của đồng chí Võ Chí Công cho Ðảng, cho cách mạng, đầy hy sinh gian khổ, nhưng vô cùng vẻ vang, đồng chí đã để lại cho Ðảng và nhân dân ta tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tấm gương của người cộng sản mẫu mực, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Ðảng. Ðồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường; một nhà lãnh đạo tài năng, luôn suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả của hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý; gắn bó mật thiết với nhân dân.
ÐINH VĂN NIỆM
Nguyên trợ lý đồng chí Võ Chí Công