Luận cương chính trị đã đề ra những nguyên tắc chiến lược và sách lược xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất với nội dung cơ bản là: Đảng của giai cấp vô sản phải lãnh đạo nhân dân làm cách mạng; cuộc cách mạng đó phải dựa vào dân cày nghèo, lôi kéo về phía mình các tầng lớp tiểu tư sản, trí thức, trung nông; đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa ra mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra là làm cho họ trung lập; bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.
Như vậy, ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã chủ trương tập hợp đoàn kết các giai cấp, các tổ chức chính trị kể cả các cá nhân, nhằm phát huy tinh thần yêu nước truyền thống; huy động mọi lực lượng dân tộc có thể huy động được, tập trung mũi nhọn vào kẻ thù chung là đế quốc và phong kiến để giành độc lập dân tộc.
Để cụ thể hóa những điều nêu trong Luận cương chính trị, Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị nhận định: Ở Đông Dương có nhiều lực lượng phản đế mà hiện nay cần phải liên hiệp lại thành một phong trào cách mạng thống nhất để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu giải phóng cho xứ Đông Dương. Phê phán những nhận thức sai trái xem nhẹ các “đoàn thể phản đế".
Về tổ chức và tính chất, Mặt trận thống nhất phản đế, Án nghị quyết nêu rõ: Phải chiêu tập các hội công nông, học sanh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và các đảng phái c.m. khác (như Quốc dân Đảng, v.v…) lại mà tổ chức ra cho thành một hội phản đế ở Đông Dương. Khi hội phản đế đã thành lập rồi thì có thể cho từng người vào, nhưng phải chú ý đừng để cho số người này thành một bộ phận trọng yếu trong hội.
Về hoạt động: Án nghị quyết yêu cầu Hội phải hoạt động công khai trong quần chúng, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh hàng ngày của công nông.
Về mục đích của Mặt trận thống nhất phản đế, Điều lệ Hội đồng minh phản đế Đông Dương nêu rõ: Đoàn kết lực lượng cách mạng phản đế lại để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mưu việc hoàn toàn độc lập cho xứ Đông Dương và bênh vực phong trào giải phóng ở các thuộc địa và bán thuộc địa.
Có thể khẳng định: Nghị quyết về vấn đề phản đế là bước phác họa đầu tiên về nguyên tắc xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Song cũng do là nghị quyết đầu tiên nên không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót như: chưa đề cập mạnh mẽ yếu tố yêu nước của cả dân tộc, chưa đặt vấn đề tranh thủ và phân hóa tầng lớp trên; lực lượng của Mặt trận mới chỉ bó hẹp trong các hội công nông, học sinh, binh lính, thanh niên, phụ nữ và một số đảng phái cách mạng, mà chưa mở rộng đến những người thuộc tầng lớp hữu sản, giàu có nhưng có tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm.
Tuy những nội dung, quan điểm về Mặt trận dân tộc thống nhất còn sơ khai, nhiều hạn chế, song phải khẳng định: Đây là những “viên gạch” đầu tiên mà Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng họp tháng 10-1930 do Tổng Bí thư Trần Phú chủ trì đã đặt nền móng để tiến tới xây dựng và tổ chức Mặt trận trong các giai đoạn tiếp theo.
Chỉ hơn một tháng sau Án nghị quyết về vấn đề phản đế của Trung ương toàn thể Hội nghị ra đời, ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ T.Ư Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh. Bản chỉ thị ra đời đánh dấu sự phát triển về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng trong quá trình xây dựng và tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất.
Trải qua 85 năm tồn tại và phát triển với nhiều hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, song Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đều nhằm mục đích chung là mở rộng hàng ngũ những người yêu nước và cách mạng, tạo sự phối hợp và thống nhất hành động giữa các lực lượng của dân tộc để hoàn thành những mục tiêu cách mạng do Đảng lãnh đạo đề ra cho từng giai đoạn.
Vai trò quan trọng, sức mạnh vĩ đại cùng những chiến công hiển hách của khối đại đoàn kết dân tộc và vai trò của Mặt trận dân tộc thống nhất được bắt đầu bằng Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh ngày 18-11-1930 của Ban Thường vụ T.Ư do Tổng Bí thư Trần Phú ký và ban hành sẽ mãi mãi được ghi đậm bằng những trang vàng chói lọi trong lịch sử vinh quang của dân tộc ta ở thời đại Hồ Chí Minh.
Những chiến công hiển hách mà nhân dân ta đạt được dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc thống nhất trong suốt 85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã chứng minh điều sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính sách Mặt trận là chính sách quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng.
Kế thừa và phát triển Luận cương chính trị năm 1930 trong điều kiện hiện nay, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chăm lo lợi ích của các đoàn viên, hội viên; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, giáo dục lý tưởng và đạo đức cách mạng, quyền và nghĩa vụ công dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Kế tục vai trò lịch sử của các hình thức tổ chức Mặt trận trước đây, thực hiện Cương lĩnh của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương: Phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam, xóa bỏ mặc cảm, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc ở trong nước hay ở nước ngoài, miễn là tán thành mục tiêu: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN TÚC
Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam