Dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Phan Đăng Lưu; các nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng điểm lại quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang và công lao to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí nhấn mạnh: Đồng chí Phan Đăng Lưu, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Các thế hệ hôm nay bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước. Đồng chí sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công… Với những đóng góp to lớn trong phong trào cách mạng, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí Phan Đăng Lưu đã được bầu vào Trung ương Đảng; được cử vào Nam Kỳ hoạt động để tăng cường cho bộ máy lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí đã cùng các đồng chí trong Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, quyết định thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Năm 1940, đồng chí lên đường ra Bắc, tham gia tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1940.
Hội nghị đã thành lập Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư và quyết định hoãn Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là những hoạt động thể hiện vai trò, cống hiến và tài năng lãnh đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Trở về Nam sau Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 để truyền đạt ý kiến của Trung ương về hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí bị thực dân bắt và kết án tử hình. Trước tòa án thực dân, đồng chí hiên ngang, giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, vững tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng cho đến lúc anh dũng hy sinh. Trọn cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng của người chiến sĩ cộng sản.
Với 30 tham luận tham gia, Hội thảo tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau đây: Đồng chí Phan Đăng Lưu - một trí thức yêu nước nhiệt thành, người cộng sản kiên trung, bất khuất; Người cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; Người cộng sản kiên trung, bất khuất; Người con ưu tú của quê hương Nghệ An.
Hội thảo cũng khẳng định đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An mãi mãi tự hào về đồng chí Phan Đăng Lưu, nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn; quyết tâm phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang của quê hương Xô-viết anh hùng, luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, giành nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh của các bậc tiền bối cách mạng trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu.
Sáng cùng ngày, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cùng đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí đánh giá cao cách thức tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện của tỉnh Nghệ An, rất có trọng tâm, trọng điểm, xác thực, cụ thể và đi vào giải pháp, đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện “mục tiêu kép”…. Tỉnh Nghệ An cũng đã bám rất sát tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là chú trọng phát triển bền vững, dựa trên đổi mới, sáng tạo và sự đồng thuận của người dân; dân là gốc, dân tham gia, dân hưởng lợi; xây dựng Đảng phải dựa vào nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục nghiên cứu kỹ, quán triệt sâu sắc Văn kiện Đại hội XIII; trong đó chú ý định hướng phát triển bền vững nhưng cũng phải nhanh, chú trọng chuyển đổi số, lựa chọn những ngành có thể hiện đại hóa bằng công nghệ, kể cả các ngành truyền thống. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh cần chú trọng phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy và các tổ chức; phải có kế hoạch đào tạo cụ thể cho từng đối tượng, đồng thời xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An sớm đạt trường chính trị chuẩn.
Cũng trong buổi sáng, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cùng đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm đồng chí Phan Đăng Lưu tại Nhà tưởng niệm ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.