Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam

Ngày 21-4, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam", nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí.

Đề dẫn Hội thảo do PGS, TS Phạm Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng trình bày, nêu rõ: Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902, ở thôn Đông, xã Hoa Thành (Tràng Thành trước đây), huyện Yên Thành (Nghệ An). Được giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình và quê hương, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm có chí hướng cứu dân, cứu nước.

Từ một đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tân Việt cách mạng Đảng, đồng chí Phan Đăng Lưu trở thành đảng viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương; là Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ; Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1940, gần như toàn bộ Ban Chấp hành T.Ư Đảng bị bắt và bị giết hại, chỉ còn một mình nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị tái lập Ban Chấp hành T.Ư Đảng (tháng 11-1940). Đồng chí bị bắt ngày 22-11-1940 đến ngày 26-8-1941, bị thực dân xử bắn tại trường bắn Ngã Ba Giồng, Hóc Môn, Gia Định.

Các tham luận và ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ hơn: những cống hiến to lớn của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam; những nhân tố ảnh hưởng đến phẩm chất, nhân cách của đồng chí; đồng chí với cuộc đấu tranh trong lao tù thực dân (1929 - 1936); và tấm gương đạo đức sáng ngời của đồng chí.