Đồng chí Nguyễn Văn Linh và công tác báo chí

Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm báo Nhân Dân (11-3-1991)
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm báo Nhân Dân (11-3-1991)

Là người may mắn được làm việc một số năm gần Anh Nguyễn Văn Linh, tôi thấy Anh, trong chỉ đạo mặt trận chính trị, tư tưởng - văn hóa, đặc biệt quan tâm đến công tác báo chí.

Báo chí, vũ khí sắc bén của cách mạng

Nói đến tầm quan trọng của báo chí, Anh Nguyễn Văn Linh luôn nhắc đến Bác Hồ. Anh nói: Bác là người thấm sâu quan điểm của Lê-nin, đã biết sử dụng nhạy bén báo chí, xem đó là "người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể" rất quan trọng giúp đánh thức tinh thần yêu nước, chống bất công, áp bức bóc lột trong người cùng khổ, hướng dẫn họ đứng vào đội ngũ đấu tranh để giải phóng cho bản thân, cho đất nước mình.

Trong điều kiện công tác bí mật, khó tập họp được đông đảo quần chúng để hô hào cổ động, theo ý Anh, một tờ báo phản ánh đúng nỗi khổ, tâm trạng của quần chúng, hướng dẫn được những gì cần làm một cách cụ thể, thâm nhập được quần chúng sẽ được bà con chuyền tay nhau đọc, và có sức mạnh như một quả bom đánh vào hàng ngũ địch.

Ở miền nam, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù khó khăn ác liệt và thiếu thốn mọi thứ, Anh vẫn chủ trương xuất bản báo viết: Báo Nhân Dân miền nam, báo Giải Phóng, Tạp chí lý luận Tiền Phong và báo nói, Đài Phát thanh Giải Phóng. Anh đặc biệt quan tâm đến Đài phát thanh. Do hoàn cảnh của ta, báo chí in số lượng ít, không có điều kiện lưu hành rộng rãi, sức mạnh bị hạn chế, Anh chỉ thị một mặt vẫn duy trì báo Giải Phóng và tạp chí Tiền Phong, một mặt tăng cường các phóng viên, biên tập viên của báo viết cho đài, một mặt khác sử dụng trên đài tất cả các bài báo đã đăng, hoặc chưa được đăng trên báo viết vì số trang quá ít.

Đối với báo xuất bản công khai ở thành phố Sài Gòn, Anh chủ trương phải theo thật sát, nắm tình hình tin tức đăng trên báo, khai thác sử dụng cho việc viết tin bài cho báo, đài của ta. Ngoài ra, các đồng chí hoạt động tuyên huấn hay đoàn thể ở đây cần tranh thủ viết báo công khai, khéo léo tuyên truyền cho Cách mạng, cho chính nghĩa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và phê phán những hành động, âm mưu bọn bám Mỹ bán nước, hại đồng bào.

Có thể nói, trong những năm kháng chiến, các báo công khai xuất bản ở Sài Gòn và các thành phố bị tạm chiếm khác, từ tờ báo  có khuynh hướng tiến bộ đến một số tờ báo phản động, theo sự chỉ đạo của Anh, đều được mua và chuyển về Ban Tuyên huấn và Văn phòng Trung ương Cục để khai thác sử dụng.

Báo, đài viết và nói phải thiết thực phục vụ quần chúng

Anh Nguyễn Văn Linh thường nhắc: Đài, báo của Cách mạng phải phục vụ đối tượng chính của mình là quần chúng nhân dân, trước hết là người lao động. Đồng bào ta, nói chung, do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, ít được học. Theo Cách mạng, bà con có được học mức nào, vẫn còn đọc khó, đọc chậm, ít hiểu các danh từ chính trị. Do đó, các báo phải viết dễ hiểu, theo gương Bác Hồ. Chữ in nên to. Bài viết luôn ngắn gọn, nói rõ mình muốn nói gì, để bà con hiểu được, làm được. Những điều viết trên báo nên xác thực, cụ thể, có địa chỉ hẳn hoi, không được bịa ra và cũng phải có chọn lọc. Dân đọc, thấy cụ thể đúng, sẽ tin báo ta, từ đó củng cố lòng tin ở cách mạng.

Tin trên đài phát thanh cũng thế. Ngoài ra, chú ý chọn người đọc rõ ràng, chậm rãi để bà con dễ nghe. Đừng vì sợ tốn giấy hay vì sợ không phát hết tin trong thời lượng quy định mà in chữ nhỏ, dày đặc hay phát thanh quá nhanh, bà con khó đọc và khó nghe. Để khắc phục khó khăn về số chữ cho các trang báo hay thời lượng cho mỗi bài phát thanh, ban biên tập báo, đài nên cố gắng giúp các nhà báo viết bài ngắn gọn, đừng cà kê, lòng vòng, lặp đi lặp lại chỉ một ý.

Sức mạnh của đội ngũ cộng tác viên 

Gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo báo, đài, Anh Nguyễn Văn Linh thường bảo: Số phóng viên, biên tập viên, lực lượng trụ cột của báo, dù nhiều mấy vẫn có hạn và không thể có mặt kịp thời ở các nơi.

Để báo, đài phản ánh kịp thời tình hình tin tức sốt dẻo của địa phương này, ban, ngành nọ, ở xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, công ty, đơn vị, phố phường... tòa báo nên tổ chức và sử dụng mạnh các cộng tác viên, các "nhà báo" không chuyên. Bởi họ có mặt mạnh là sát cơ sở, kịp thời có mặt ở nơi xảy ra sự việc. Trong việc sử dụng các cộng tác viên, chú ý tạo điều kiện cho họ viết, cung cấp tin, bài cho tòa soạn, đồng thời cố gắng sử dụng bài, tin của họ. Nhận được bài, dù không sử dụng được cũng phải có hồi âm, vì người viết khi gửi bài đi luôn thấp thỏm, lo không biết tới ban biên tập không? Có được dùng không? Dùng ra sao? Cắt bỏ nhiều hay ít, hay bỏ không dùng?

Cộng tác viên nhận được bài báo biếu, biết bài mình được đăng, rất mừng. Họ sẽ trân trọng giữ tờ báo đó và đem giới thiệu cho người khác đọc, cho gia đình, cho bạn bè, và cho những người thân quen. Như vậy, vô hình trung, Tòa soạn ta sẽ có thêm một đội ngũ tuyên truyền viên tích cực, đáng tin cậy, và một số lượng người đọc mới, không ít. Đây là một cách biến không thành có, biến ít thành nhiều, tăng tính quần chúng, với lực lượng đông đảo không nằm trong biên chế mà phục vụ tích cực cho báo, đài.

Báo chí với hoa thơm và cỏ dại

Có người, khi thấy Anh Nguyễn Văn Linh viết bài "Những việc cần làm ngay" phê phán các tiêu cực, đã nói với Anh là làm như thế, địch sẽ lợi dụng, cán bộ ta sẽ nhụt ý chí trong công tác. Anh đã giải thích: Muốn lúa phát triển tốt, phải nhổ cỏ cho sạch. Trồng lúa mà không nhổ cỏ, để cho nó phát triển chụp lên cây lúa thì lúa sẽ lép, ta sẽ thất mùa. Đấu tranh chống tiêu cực rất cần. Có đấu tranh chống tiêu cực, dân đồng tình, hăng hái sản xuất, tiết kiệm, tham gia các mặt công tác xã hội, thì địch không làm gì được ta. Chính những việc phê phán chống tiêu cực này sẽ diệt xóa những cơ sở chúng dùng để làm chỗ đứng chống lại Cách mạng.

Phát triển thêm ý này, Anh nói: Đài, báo là công cụ đấu tranh Cách mạng của Đảng ta. Do đó, nói phải có hai nhiệm vụ lớn là đấu tranh, phê phán những gì xấu xa, đen tối và xây dựng, phổ biến điều hay, lẽ phải.

Trong kháng chiến, đài, báo ta đấu tranh, vạch mặt, đả kích những âm mưu, hành động tàn bạo, phản dân, hại nước của bọn cướp nước và tay sai. Đồng thời, ta tuyên truyền chính nghĩa cách mạng, tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân ta đoàn kết đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc.

Khi kháng chiến thắng lợi, trong xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân, đài, báo ta cũng phải có trách nhiệm: phê phán, vạch trần những tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, ức hiếp, cửa quyền với dân... đồng thời phổ biến, động viên người tốt, việc tốt. Phải diệt cỏ dại, chăm sóc và nhân các giống hoa thơm.

Tuyệt đối không được "tô hồng" cho cái gì của đảng bộ, của nhân dân đều là tốt đẹp, không tì vết. Cũng không được "bôi đen", chê bai cho tất cả là xấu xa, tệ hại.

TÔ BỬU GIÁM (TP Hồ Chí Minh)