Ðồng chí Nguyễn Văn Linh - một nhân cách lớn

NDO - ND - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, tôi có vinh dự lớn là được phục vụ đồng chí Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí thư của Ðảng, khoảng mười năm, từ sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đến Ðại hội VI của Ðảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Xin được ghi lại một số suy nghĩ của mình về một vài nét đặc sắc nhất trong tính cách của Anh Mười (Anh Út) mà sinh thời chúng tôi thường gọi, để tưởng nhớ Anh, một nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Ðảng ta, một người thủ trưởng chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng bào, với cấp dưới, một người chồng, người cha, người ông hết sức mẫu mực, thủy chung, đằm thắm.

Những năm được phục vụ Anh theo sự phân công của Ðảng, càng gần gũi với Anh, tôi càng nhận ra ở Anh con người tình nghĩa, thủy chung, sâu sắc, vẹn toàn. Có thể khẳng định rằng, Anh Mười, Anh Út, đồng chí Nguyễn Văn Linh của chúng ta đã sống bằng chữ tâm với đầy đủ ý nghĩa của từ đó. Anh sống với bạn bè, đồng chí, với đồng bào bằng tất cả gan ruột của mình. Mồ côi cha từ rất sớm.

Anh đã sống trong tình yêu thương của người mẹ hiền tần tảo; nhưng từ khi dấn thân trên con đường cách mạng, lại bị tù đày và chiến đấu trên các địa bàn xa, chịu thiệt thòi tình cảm gia đình. Nhưng Anh được bù đắp bằng tình đồng chí, nghĩa đồng bào luôn chở che, nuôi dưỡng để Anh có điều kiện cống hiến tài năng và sức lực cho cách mạng.

Theo quan sát của tôi, tình cảm của Anh đối với bạn bè, đồng chí, với đồng bào là ý thức và hành động ân nghĩa, chân thật tận đáy lòng, đầy yêu thương và nhân ái. Xin được kể đôi chút về tình nghĩa vợ chồng của Anh với chị Bảy Huệ (đồng chí Ngô Thị Huệ). Những đồng chí lão thành cách mạng, trong đó có những bạn tù của Anh kể rằng, hồi còn ở tù Côn Ðảo, Anh Mười đã có nghe tiếng chị Bảy hoạt động cách mạng ra sao và khí tiết cách mạng thế nào, nên đã có cảm tình rồi, nhưng chưa biết mặt.

Cách mạng Tháng Tám thành công, trong chuyến đón tù Côn Ðảo về, họ mới gặp nhau. Và rồi duyên số khéo sắp đặt, nên tình yêu bùng lên trong quá trình hoạt động cách mạng cùng nhau trong chiến khu bưng biền đầy gian lao mà cũng rất lãng mạn. Ðám cưới của họ được tổ chức trong đêm trăng thoang thoảng, dìu dịu hương hoa chanh đang vào mùa nở rộ. Chủ hôn là một bạn tù Côn Ðảo, với món quà cưới hết sức đặc biệt là một trăm trái bông gòn (hoa gạo) khô chở từ Ðồng Tháp mười vào ven đô Sài Gòn mừng đôi tân hôn.

Lúc đó ở nông thôn rất hiếm vải, đến nỗi nhiều gia đình phải mặc bằng bao cà ròn (bao được đan bằng cọng bàng - một loại cây giống cói, dùng để đan tấm đệm, đan bao), hoặc bao bố (bao tải) cắt ra, nên không có vải để may áo gối cho cô dâu, chú rể được. Khi chị sinh cháu gái đầu, để giữ bí mật, Anh về thăm phải mang danh ông bác. Hàng xóm cứ ngạo rằng "Cháu sao nó giống bác trai nó quá"! Sau này, trong những ngày hòa bình, ngoài giờ làm việc, Anh thường dành thì giờ vui đùa với con cháu. Ông ngoại thường hướng dẫn các cháu chơi những trò chơi bổ ích.

ÐỐI với nhân dân, từ trong kháng chiến cho đến lúc hòa bình, Anh Út luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ. Bởi vì, như Anh thường nói: Muốn chỉ đạo được phong trào cách mạng dù với quy mô nào, người đảng viên phải hiểu cho được những điều mà nhân dân quan tâm thực sự, phải đề xuất được những chính sách phù hợp nguyện vọng chính đáng của họ. Không được quan liêu, xa rời quần chúng, mà phải gắn bó và chăm lo những lợi ích thiết thân của họ, như vậy nhân dân mới tin Ðảng, đi theo Ðảng.

Là người lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Anh Mười quan tâm đến hoàn cảnh của từng cán bộ dưới quyền, chia sẻ niềm vui và nỗi băn khoăn của của họ; không quan cách, mà đối xử với tinh thần thương yêu và vị tha cao thượng. Anh Mười Cúc là người thấm nhuần và vận dụng sắc sảo đường lối đại đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, rất trân trọng các vị trí thức, nhân sĩ đã đứng về phía nhân dân trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thời kháng chiến, nhiều vị nhân sĩ, trí thức rời bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ chốn thị thành để tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam - Liên minh các lực lượng dân chủ và hòa bình. Lúc đầu họ chưa quen với cuộc sống kham khổ ở "R", Anh dặn dò cán bộ cấp dưới phải thông cảm, chăm lo bảo vệ an toàn và chăm sóc chu đáo cuộc sống cho các vị.

Ðối với đồng bào các dân tộc, tôn giáo, khi còn công tác tại thành phố Hồ Chí Minh hay về sau, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đều để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng họ. Anh Nghị Ðoàn, nguyên Chủ tịch UBND quận V, là địa bàn có đông người Hoa nhất thành phố, từng nói: Ðồng chí Nguyễn Văn Linh rất hiểu người Hoa, vì anh ấy đã từng sống, hoạt động với người Hoa trong nhiều lúc khó khăn, gian khổ...

Trên thực tế, Anh Mười đã tin và cử nhiều người Hoa giữ những vị trí quan trọng, như Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Direcximco, Giám đốc Công ty Cholimex giữa lúc tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn... Vâng, tình yêu thương con người bao la, nhân hậu có sức lôi cuốn và cảm hóa lớn cũng là một nét đặc sắc ở con người đồng chí Mười Cúc.

Trải qua gần bảy mươi năm hoạt động cách mạng ở nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước, trong đó hơn một nửa thời gian gắn bó máu thịt với miền nam; được Ðảng tin cậy giao nhiều trọng trách ở địa phương hay các cơ quan Trung ương, dù ở đâu, dù giữ cương vị gì, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đem hết sức lực, trí tuệ cống hiến cho Ðảng, cho nhân dân; lúc nào cũng đặt lợi ích cách mạng lên trên lợi ích cá nhân.

Là một nhà cách mạng kiên định, nhưng đồng chí luôn luôn soi rọi những vấn đề về lý luận với thực tiễn của đời sống chính trị xã hội diễn biến mau lẹ và phức tạp để không bị rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm hoặc giáo điều. Thấm nhuần sâu sắc tinh thần sáng tạo của học thuyết Mác - Lê-nin, đồng chí có ý thức rõ ràng về việc nghiên cứu và vận dụng nhiều mô hình xây dựng xã hội mới ở các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sao cho phù hợp hoàn cảnh cụ thể của nước ta, vừa tránh rập khuôn máy móc, vừa không xa rời những nguyên tắc về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và những nguyên tắc về xây dựng Ðảng...

Ðồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn ưu tư, trăn trở trước những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; chịu khó và biết lắng nghe ý kiến của nhiều người, kể cả những điều ngược với suy nghĩ của chính mình; chắt lọc những ý hay, những giải pháp hợp lý, nghiền ngẫm thận trọng, chín chắn đề xuất với Trung ương những chính sách thuận lòng người, nhằm tháo gỡ những trói buộc do cơ chế quản lý kinh tế không còn phù hợp với đòi hỏi của cuộc sống, hoặc do việc tổ chức thực hiện thiếu linh hoạt. Thói quen này đã giúp Anh nắm chắc tình hình, hình thành những chủ trương đúng, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho Ðảng.

Nhớ lại, lúc làm Trưởng ban Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh Trung ương, có lần Anh Mười nói với chúng tôi: Muốn cải tạo tốt phải xác định mục tiêu, phải có chương trình, bước đi thích hợp; cải tạo phải vì mục tiêu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống người lao động chứ không vì mục đích tự thân. Sẽ hết sức tai hại nếu áp dụng máy móc một công thức sẵn có nào đó ở những nơi có hoàn cảnh khác nhau.

Nhiều lần Anh tổ chức gặp chung hoặc với từng nhà tư sản dân tộc để giúp họ hiểu đường lối cải tạo của Ðảng ta, lắng nghe ý kiến của họ, khuyên họ yên tâm sản xuất, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế và quan tâm cải thiện đời sống công nhân... Về cải tạo nông nghiệp, Anh nhiều lần xuống tận các hợp tác xã (như hợp tác xã Tân Hội ở Cai Lậy, Tiền Giang...) để tìm hiểu thực chất kết quả của chủ trương rất quan trọng này của Ðảng.

Trong nhiều dịp, Anh Mười nhắc đi nhắc lại rằng, hợp tác hóa nông nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Không được ép bà con nông dân, mà phải giáo dục và tổ chức họ vào làm ăn tập thể với hình thức và bước đi thích hợp. Báo Nhân Dân và một số báo khác đã tích cực ủng hộ cách làm mới này...

Ðồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo quan tâm sâu sắc đến sản xuất công nghiệp ở nước ta, nhất là thời kỳ cực kỳ khó khăn sau giải phóng. Có một xí nghiệp dệt lúc ấy sản xuất đình đốn do nguyên liệu cạn kiệt, máy móc hư hỏng không có phụ tùng thay thế, nhiều công nhân phải nghỉ việc, hoặc tạm xoay xở bằng nghề phụ, đi kinh tế mới hoặc về quê... năng lực dệt của xí nghiệp là 30 triệu mét vải/năm, nhưng chỉ sản xuất được khoảng 5 triệu mét.

Trước tình cảnh ấy, xí nghiệp tự tháo gỡ khó khăn bằng cách tận dụng xưởng làm gạch của xí nghiệp đã bỏ hoang để sản xuất lại; đồng thời tận dụng sợi phế thải mà chủ cũ đã bỏ, đem giặt sạch, sấy khô, làm ra các sản phẩm như thú nhồi bông, nệm xe, chổi... để bù đắp phần nào cho sản xuất đang sút kém. Anh Mười đến thăm xí nghiệp này, ủng hộ sáng kiến nói trên và gợi ra một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như liên kết sản xuất phụ tùng trong nước thay vì phải nhập khẩu; chú ý giải quyết tốt hơn đời sống công nhân; lo thêm bữa ăn ca ba; tổ chức nhà trẻ tại chỗ...

Phải tổ chức điều tra nắm nhu cầu và sức mua của thị trường để làm ra những mặt hàng thích hợp. Từ những gợi ý ấy, cùng những nỗ lực vượt bậc của tập thể công nhân, sản xuất của xí nghiệp này từng bước được phục hồi và phát triển. Câu lạc bộ giám đốc ra đời cũng từ sáng kiến của Anh Mười. Anh còn mạnh dạn cử một số giám đốc có nhiều sáng kiến đi báo cáo với các đồng chí Bộ Chính trị về những thử nghiệm tháo gỡ khó khăn.

Tôi nghĩ, những việc làm như vậy của đồng chí đã góp phần hình thành đường lối đổi mới của Ðảng về cơ chế quản lý trong sản xuất công nghiệp, cũng như cơ chế quản lý toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Như trình bày trên đây, có thể nói việc tìm hiểu, lắng nghe mọi chuyển động ở cơ sở, cổ vũ từng sáng kiến, từng nhân tố tích cực, chú trọng tổng kết thực tiễn từ cơ sở là một nét đặc sắc trong tác phong lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh quý mến của chúng ta.

NĂM tháng rồi sẽ qua đi, nhưng những phẩm chất đạo đức ngời sáng cùng với nếp sống giản dị, cần kiệm, không thích phô trương trong đời sống hằng ngày của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã để lại trong chúng tôi những dấu ấn tốt đẹp khó phai mờ. Nhân dịp Ðảng ta tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và nhân Ngày sinh lần thứ 93 của đồng chí Nguyễn Văn Linh, người học trò xuất sắc của Bác Hồ, bằng bài báo nhỏ này xin bày tỏ lòng tưởng nhớ Anh - người Anh, người Thầy kính mến của chúng tôi.

CAO VĂN QUỚI
(TP Hồ Chí Minh)