Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước

NDO -

Sáng 23/2, tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902-1/2/2022), bà Nguyễn Thị Hồng Hà, cháu nội của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có cuộc trò chuyện riêng với phóng viên Báo Nhân Dân, chia sẻ về gia đình, thân thế và sự nghiệp, đặc biệt là quyết định từ bỏ cuộc sống đầy đủ, sung túc để kiên quyết đi theo Cách mạng, kiên định với lý tưởng cao đẹp vì Đảng, vì dân, vì nước của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước
Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước -0

Sáng 23/2, tham dự Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902-1/2/2022), bà Nguyễn Thị Hồng Hà, cháu nội của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có cuộc trò chuyện riêng với phóng viên Báo Nhân Dân, chia sẻ về gia đình, thân thế và sự nghiệp, đặc biệt là quyết định từ bỏ cuộc sống đầy đủ, sung túc để kiên quyết đi theo Cách mạng, kiên định với lý tưởng cao đẹp vì Đảng, vì dân, vì nước của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội. 

Phóng viên: Là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam, bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Phong Sắc hiện lên trong mắt gia đình là một nguời chồng, người cha, người ông như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà: Là thế hệ hậu duệ của cụ Nguyễn Phong Sắc, dù chưa bao giờ gặp trực tiếp cụ, nhưng tôi được gặp cụ qua những lời kể, những câu chuyện của gia đình. Thời gian mà ông gắn bó với gia đình, với vợ con không có nhiều do những năm tháng hoạt động Cách mạng bí mật ở xa. Thế nhưng, thời gian ông gắn bó mật thiết nhất với gia đình là từ khi ông sinh ra, thời tuổi trẻ niên thiếu, những năm tháng thanh niên cho đến khi đi hoạt động cách mạng đều để lại trong ký ức gia đình những điều đẹp đẽ, ấm áp.

Là một người con sinh ra trong gia đình dòng dõi, trí thức, có điều kiện, cha của ông Nguyễn Phong Sắc - cụ Nguyễn Đình Phúc, là một nhà Nho, một trí sĩ của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông nội tôi đã tiếp thu, lĩnh hội nhiều về thế sự thông qua những cuộc nói chuyện với cha và những người bạn của cha mỗi khi đến nhà đàm đạo, trao đổi. Họ Nguyễn Đình nhà tôi có 10 số nhà liền nhau, từ số 146 đến 156, tất cả đều ở gần nhau, gắn bó khăng khít, cho nên tình cảm của ông nội Nguyễn Phong Sắc với gia đình là vô cùng ấm áp, gắn kết. Những thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh em và vợ đều rất tôn trọng ông, bởi ông là người có học, một thanh niên tri thức gốc Hà Nội với tính cách khảng khái, cương trực.

Trong gia đình có 5 người con, ông nội Nguyễn Phong Sắc là người học giỏi nhất, ông giỏi tiếng Pháp, thông thạo chữ Hán, được cha mẹ đầu tư hết mực từ nhỏ để chuyên tâm học hành, ông cũng thường dạy học cho các anh em của mình. Ông Nguyễn Phong Sắc có 3 người con: con cả Nguyễn Đình Dung, con thứ Nguyễn Đình Vinh (bí danh Nguyễn Phong Vinh), và con út Nguyễn Thanh Vân (đã mất từ nhỏ), mặc dù bận rộn nhưng đều được ông hết mực quan tâm, chăm sóc. Như trong một bài viết của cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng nói, ông Nguyễn Phong Sắc là một người “chung thủy” với gia đình.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh kỷ niệm chung với gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại số nhà 152, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phóng viên: Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ con đường "vinh thân phì gia" để lựa chọn sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy, nhưng hết sức vẻ vang, cao đẹp. Đâu là lý do mà ông chọn để từ bỏ cuộc sống sung túc và đi theo ánh sáng của cách mạng, rời Hà Nội vào Trung Kỳ để từng bước xây dựng hệ thống tổ chức của Đảng, đặt nền móng cho Cách mạng Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà: Đây là vấn đề đã từng được đặt ra trong nhiều bài tham luận về ông Nguyễn Phong Sắc. Cá nhân tôi cho rằng, ông nội được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha ông là cụ Nguyễn Đình Phúc đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, vụ Hà Thành đầu độc,… rồi bị quân Pháp bắt và đầy ra Côn Đảo 5 năm.

Ngay từ nhỏ, ông Nguyễn Phong Sắc đã được cha mình định hướng một tinh thần yêu nước, chống lại bất công mạnh mẽ, đặc biệt, khi sinh ra ở khu vực làng Bạch Mai (nay là số nhà 152 Bạch Mai) là một khu lao động nghèo, ông đã có điều kiện được gặp gỡ, tận mắt chứng kiến những mảnh đời nghèo khổ, ông Nguyễn Phong Sắc đã sớm kế thừa những truyền thống tốt đẹp, hình thành nên chí hướng cách mạng cứu nước, cứu dân.

Đặc biệt, ông vốn tính khảng khái, với tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công, khi đỗ đầu trường Bưởi, được Pháp cử đi học ở nước ngoài, ông đã nhất quyết từ chối. Khi vào làm việc và trở thành một viên chức cao cấp trong Sở Tài chính Đông Dương, với mức lương cao, một phần ông đưa cho cha mẹ để cải tạo, sửa chữa nhà ở, một phần ông dành dụm để ủng hộ cho tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Cũng trong thời gian làm việc ở Sở Tài chính Đông Dương, ông Nguyễn Phong Sắc được đọc những báo cáo tài chính, tài liệu thể hiện sự bóc lột, bòn rút về kinh tế của thực dân Pháp đối với Việt Nam và các nước Đông Dương. Từ đó, lòng bất bình và căm hận đối với thực dân Pháp bắt đầu sục sôi trong ông, ông cùng với những người bạn học của mình trước đây ở trường Bưởi và trong quá trình làm việc, những người thanh niên đồng trang lứa là con của bạn cụ Nguyễn Đình Phúc, được giác ngộ, cùng tập hợp và liên kết lại, chuyển hóa tinh thần yêu nước trở thành lý tưởng cách mạng, chống lại chính quyền thực dân.

Từ một cuộc sống đầy đủ bên cạnh gia đình, người thân, ông đã từ bỏ “vinh hoa phú quý” để đi vào vô sản hóa, đi vào cùng với phong trào công nhân, đi về Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ninh,… gắn đời sống của mình với cách mạng, với người dân, đã từng trở thành công nhân, đi kéo xe tay, sống cùng những người lao khổ để hiểu về cuộc sống của họ, tìm ra con đường để đấu tranh chống lại thực dân Pháp.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chụp ảnh kỷ niệm chung với gia đình đồng chí Nguyễn Phong Sắc tại số nhà 152, phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Phóng viên: Trong đời sống thường nhật bên ngoài công việc, qua những câu chuyện được gia đình kể lại về đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đâu là câu chuyện gây ấn tượng xúc động và đáng nhớ nhất của cô về người ông của mình?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà: Với tôi, câu chuyện gây xúc động nhất về người ông của mình mà đồng thời hôm nay, khi dự Lễ Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông, vẫn dấy lên trong lòng tôi những nỗi niềm đau đáu, xúc cảm mạnh mẽ và tâm đắc. Đó là quyết định từ bỏ cuộc sống đầy đủ, sung túc để kiên quyết đi theo Cách mạng, kiên định với lý tưởng cao đẹp vì Đảng, vì dân, vì nước. Như trong chính cuộc sống của tôi bây giờ, tôi vẫn luôn tâm niệm và cố gắng học hỏi từ ông, từ những thế hệ đi trước để sống, làm việc, ứng xử với người thân, bạn bè, đồng nghiệp chan hòa, đúng với lương tâm, đạo đức của mình.

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc: Tấm gương sáng tiêu biểu vì dân, vì nước -0
Bà Nguyễn Thị Hồng Hà.

Phóng viên: Ngày nay, trong bối cảnh xã hội hiện đại, các giá trị truyền thống cổ xưa của gia đình có những thay đổi, là một người con xuất thân trong gia đình có bề dày truyền thống đáng ngưỡng mộ và trân trọng, cô có chia sẻ gì về những giá trị truyền thống cốt lõi của gia đình cần được lưu giữ trong thời buổi hiện đại ngày nay?

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà: Dòng họ Nguyễn Đình chúng tôi luôn cố gắng lưu giữ nề nếp truyền thống của gia đình, vào mỗi ngày mùng 3 Tết đều tổ chức buổi họp họ ở Bạch Mai, nơi trước đây là chỗ ở của ông nội Nguyễn Phong Sắc và cụ Nguyễn Đình Phúc và nay cũng là nơi đặt bàn thờ của ông và cụ, mỗi gia đình đều cử đến ít nhất một đại diện vào dịp họp họ, tổng kết và báo cáo những thành quả của năm cũ, cùng hướng đến một năm mới tốt đẹp, an khang.

Bên cạnh đó, đại gia đình chúng tôi cũng cùng nhau thành lập 1 quỹ khuyến học của dòng họ, nhằm khích lệ con cháu trong gia đình khi có thành tích học tập tốt, tiếp tục phát huy và bảo tồn truyền thống của gia đình. Đại gia đình cũng thường xuyên cùng nhau quây quần ôn lại những sự kiện, kỷ niệm về ông Nguyễn Phong Sắc, như một sự biết ơn, tri ân thành kính, khắc ghi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hậu duệ đối với cha ông mình.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà với những chia sẻ vừa rồi!

HÀ NGỌC MAI ghi

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc