Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh đã quyết định không tổ chức Hội đua bò Bảy Núi.
Hội đua bò Bảy Núi là hoạt động văn hóa thể thao độc đáo mang nét đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Khmer tại hai huyện vùng núi Tri Tôn và Tịnh Biên. Hằng năm, Hội đua bò Bảy Núi được tổ chức trang trọng trong dịp lễ Sel Dolta của dân tộc Khmer Nam bộ, ngày hội bắt đầu từ ngày 29-8 đến ngày 1-9 âm lịch.
Vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long có đông đảo đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhưng duy nhất chỉ tại An Giang và trong cả nước mới có môn thi đấu hấp dẫn này nên vào ngày hội du khách trong và ngoài nước đến xem rất đông. Thể thức thi đấu bằng cách cho từng cặp bò đấu loại nhau, cặp bò nào về đích trước thắng cuộc và tiếp tục đấu loại để vô địch. Những người điều khiển bò đua còn gọi là “nài” hay “tài xế” sẽ đứng trên một cái bừa để điều khiển cặp bò cùng kéo tranh tài. Để thắng cuộc, ‘tài xế” phải có tay nghề khéo léo, điều khiển cho bò chạy nhanh nhưng không phạm luật như đạp lên cái bừa của đối thủ, phóng ra ngoài vòng đua…Kế thúc cuộc đấu, người điều khiển cặp bò vô địch nhận phần thưởng xứng đáng và sự tôn vinh của đối thủ. Chính vì niềm hãnh diện ấy nên trước ngày thi đấu, các chủ bò hăng say đưa bò đi tập luyện, cho bò ăn uống theo chế độ đặc biệt để tăng sức khỏe cho bò.
Hội đua bò thi đấu mang tính giải trí lành mạnh, mang đậm nét văn hóa riêng biệt vùng sông nước nên dù nhiều lần tổ chức giải đấu vẫn hấp dẫn người dân, du khách náo nức vượt đường xa kéo đến xem.
Đến An Giang du lịch vui chơi nhưng chưa lần nào xem đua bò sẽ là niềm vui chưa trọn vẹn.
Tính đến năm 2019, Hội đua bò đã trải qua 26 lần tổ chức đã trở thành nét văn hóa độc đáo của cộng đồng vùng Bảy Núi nói riêng và tỉnh An Giang nói chung.
Trước đó, tháng 3-2020, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy Hội đua bò Bảy Núi, tỉnh An Giang với mục tiêu nâng tầm Hội đua bò Bảy Núi thành Hội đua bò quốc tế.
Theo đó, kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2020-2025 có tổng kinh phí gần 5,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh An Giang gần 2,9 tỷ đồng, ngân sách các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn gần 1,2 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa hơn 1,7 tỷ đồng.