Hy vọng mới cho nhạc phim Việt Nam

Nhạc sĩ Đức Trí đang viết nhạc cho phim Áo lụa Hà Đông.
Nhạc sĩ Đức Trí đang viết nhạc cho phim Áo lụa Hà Đông.

Kéo khán giả yêu nhạc đến với phim

Ngoài thành công vang dội của nhạc phim Thời xa vắng , nhiều ca khúc nhạc phim trong những bộ phim Việt Nam gần đây được khán giả quan tâm yêu thích.

Trong bộ phim “Nữ tướng cướp”, hai ca khúc “Ước mơ trong đời” “Tựa như ánh sao” của nhạc sĩ Đức Trí khá thành công qua hai giọng ca Hồ Quỳnh Hương và Phan Đinh Tùng.

Ca khúc “Tôi là ai? Em là ai?” (Lê Quang) trong bộ phim “Khi đàn ông có bầu” được ca sĩ Kasim Hoàng Vũ chọn là ca khúc chính trong một thời gian dài mỗi khi xuất hiện. Sau thành công của Nguyễn Quang Dũng, không chỉ có nhạc sĩ mà ngay cả những nhà đầu tư, sản xuất phim cũng chú ý đến một việc kinh doanh loại hình âm nhạc mới: phát hành soundtrack nhạc phim. Thắng lớn với bộ phim đậm màu giải trí “Khi đàn ông có bầu”, giám đốc Phước Sang dự tính sẽ phát hành soundtrack nhạc phim vì ông cho rằng nhạc phim cộng hưởng vào thành công của bộ phim.

Sắp tới, nhạc phim của bộ phim “Đẻ mướn” do các nhạc sĩ Duy Mạnh, Hồ Văn Thành... cũng được phát hành.

Hãng phim Việt còn hướng tới một công nghệ viết nhạc phim chuyên nghiệp hơn bằng việc mời các nhạc sĩ Huy Tuấn, Quốc Bảo, Anh Quân và Nguyễn Quang Dũng viết 16 ca khúc cho 16 tập phim của “39 độ yêu”.

Dùng âm nhạc để quảng bá cho bộ phim, Hãng phim Việt đã sẵn sàng cho kế hoạch tung ra thị trường 20.000 album soundtrack nhạc phim “39 độ yêu” gồm 16 ca khúc, trong đó nổi bật với “Thật thà cho một tình yêu” do Hồ Ngọc Hà và Viết Thanh (người thể hiện thành công ca khúc chính trong Những cô gái chân dài) trình bày.

Ca khúc chính trong bộ phim “Vòng xoáy tình yêu” (được chọn chiếu trong chương trình Phim Việt giờ vàng của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) do ca sĩ Khánh Linh thể hiện chiếm được nhiều cảm tình của khán giả truyền hình.

Soundtrack (ca khúc và nhạc nền trong phim) phim Những cô gái chân dài của nhạc sĩ Nguyễn Quang Dũng tiêu thụ hơn 5.000 bản là một sự kiện chưa từng có trước đây của nhạc phim. Không chỉ có vậy, nhiều ca khúc chủ đề phim được lùng sục và trở thành ca khúc “ăn khách” trên thị trường âm nhạc.

Nhạc phim gắn liền với số phận phim

Thật ra, trường hợp ca khúc nhạc phim tạo được một cuộc sống riêng sau khi thoát khỏi bộ phim là không hiếm như “Hồ trên núi” (Phó Đức Phương), “Biển hát chiều na” (Hồng Đăng), “Cô Tấm ngày nay” (Ngọc Châu)... Tuy nhiên, với những gì mà nhạc Trung Quốc, Hàn Quốc làm được trong thời gian qua, rõ ràng điện ảnh và nhạc phim có mối liên hệ mật thiết. Không chỉ có khán giả điện ảnh, truyền hình bị cuốn hút bởi nội dung, cách diễn xuất của những diễn viên phim mà ngay cả khán giả  âm nhạc cũng bị lôi cuốn bởi những ca khúc chủ đề trong phim. Điển hình cụ thể là ca khúc chủ đề bộ phim “Chuyện tình Paris” (Hàn Quốc) được cài làm nhạc chuông điện thoại, chép vào MP3 và single ca khúc này được lùng sục khắp nơi. Khi làm được điều này, điện ảnh Hàn Quốc đã thành công ngoài mong đợi bởi kéo thêm được lượng khán giả của âm nhạc sang với điện ảnh.

Nhạc sĩ Đức Trí cho biết: “Khi điện ảnh bắt đầu được đầu tư để có những sản phẩm có giá trị thì nhạc phim cũng sẽ được thực hiện chuyên nghiệp hơn. Nhạc phim của “Thời xa vắng” thành công cũng vì vậy. Trong khi khán giả của điện ảnh luôn thiếu thì khán giả âm nhạc luôn dư thừa. Để kéo khán giả, những nhà đầu tư cần có sự đầu tư nhiều hơn, không chỉ cho điện ảnh mà cả những yếu tố cộng hưởng khác, trong đó có âm nhạc”.