Già làng Ma Luê làm thơ về Bác

Nhớ lần gặp Bác

Cho đến khi tốt nghiệp đại học, vào làm việc tại tỉnh Phú Yên, tôi mới biết tác giả phần lời bài hát Cô gái vót chông - nhà thơ Mô Lô Y choi - là người con dân tộc Ê Ðê, hiện đã về hưu tại huyện miền núi Sông Hinh (trước đây là Tây Sơn). Năm nay tròn 80, người gầy nhưng nhà thơ còn rất nhanh nhẹn. Ông bảo: "Mình chăm đi rẫy nên Giàng cho cái sức khỏe thế đấy!".

Nhà thơ Mô Lô Y Choi còn có tên là Mô Lô Y Klavi, còn bà con trong buôn gọi là Ma Luê - tức cha thằng Luê - con trai cả của ông. Sau Cách mạng Tháng Tám, Y Choi được học ở Trường Dân tộc Hòa Nguyên và Trường Thiếu sinh quân tại huyện Tây Sơn, rồi làm công tác tuyên truyền. Năm 1954, ông tập kết ra bắc, được đi học Trường Dân tộc Trung ương, Trường Sư phạm miền núi, lớp bồi dưỡng kiến thức về công tác xuất bản do Bộ Văn hóa - Thông tin mở và về công tác ở Hội Văn nghệ Việt Bắc. Trong thời gian là học sinh Trường Sư phạm miền núi, có một kỷ niệm ông không bao giờ quên, đó là năm 1961, ông được gặp Bác Hồ. Ông kể: Bác Hồ đến thăm trường, nhưng không báo trước. Khi Bác đến, có một học sinh thấy Bác, liền reo lên: "Bác Hồ", vậy là cả trường ùa ra, cùng reo thật to: "Bác Hồ, Bác Hồ!". Ông may mắn được đứng gần Bác. Một cảm giác thật khó tả: vừa hồi hộp, hạnh phúc, vừa gần gũi, thân thiết. Bác giản dị quá, như già làng buôn ông vậy thôi! Bác thăm nhà bếp, thăm khu nội trú, rồi nói chuyện với cán bộ, giáo viên và học sinh. Bác hỏi: "Các cháu ăn no không?". Tất cả đồng thanh: "Thưa Bác, no ạ!" Bác lại hỏi: "Các cháu học giỏi không?". Nhiều tiếng trả lời: "Giỏi ạ!". Bác hài lòng nói: "Các cháu học giỏi là Bác vui, nhưng cháu nào học chưa giỏi là Bác chưa vui đâu đấy!". Rồi Bác dặn: "Các cháu phải gắng học giỏi hơn nữa để mai về dạy cái chữ cho đồng bào mình, xây dựng buôn, sóc, làng bản, quê hương mình".

Ðinh ninh lời Bác dạy, ông luôn cố gắng học tập. Năm 1967, ông xung phong về lại miền nam, tại chiến trường Ðác Lắc, vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, vừa làm công tác tuyên truyền, với một niềm thôi thúc: mau giải phóng miền nam để đón Bác Hồ vô thăm.

Bài thơ Cô gái vót chông

Nhà thơ Mô Lô Y Choi cho biết: Dù đã làm ở Hội Văn nghệ Việt Bắc mấy năm nhưng chưa bao giờ ông làm thơ. Hằng ngày, đọc báo, nghe đài, hay tin giặc Mỹ sát hại đồng bào miền nam, lòng ông như muối xát. Rồi lại nghe tin đồng bào Tây Nguyên rào làng đánh Mỹ, giết được nhiều giặc, bụng ông như có chim phí, chim chuông hót. Rất nhiều đêm không ngủ. Những lúc đó hình ảnh sông Ba - con sông Mẹ thân thương của cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn - cứ hiện về, ám ảnh. Ông nhớ những cô gái Ê Ðê dáng cao, mắt sáng, cười trong như tiếng suối. Nhớ những chiều cùng đoàn em gái đi rẫy về, chiếc gùi nặng những rau măng, dáng in vào hoàng hôn, hòa vào bóng núi. Nhớ nhất là Ksor H'Ðô, người con gái có đôi mắt thật sáng, giọng nói thật hiền, đã chọn Y Choi để "bắt chồng", vì Y Choi nói chuyện rất duyên, cái gì cũng biết. Nhớ ngày ông đi tập kết, Ksor H'Ðô đưa tiễn, cầm tay Y Choi không muốn rời. Hẹn hai năm sẽ về, vậy mà đã hơn 10 năm... và ông rạo rực hình dung không khí buôn ông, Tây Sơn và cả Tây Nguyên cùng sục sôi đánh Mỹ. Một đêm không ngủ như thế - ông nhớ là vào năm 1965 - giữa Việt Bắc, ông ngồi dậy, viết những vần thơ đầu tiên trong đời. Ông nói: viết nhanh lắm, như nước suối có sẵn, cứ vậy tuôn trào. 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, ngồi cùng tôi trước ngôi nhà sàn, ông say sưa đọc bài thơ Cô gái vót chông, như lần đầu tiên ông đọc cho anh em trong Hội Văn nghệ Việt Bắc nghe: Ai nhanh tay vót bằng tay em / Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon/ Tay vót chông miệng hát không nghỉ / Như bao cô gái ở trên non... Ông nói, nghe xong bài thơ, ai cũng khen và đề nghị in ngay vào Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, số sớm nhất. Rồi bài thơ lại được đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, được giải thưởng, được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc, được ca sĩ Tường Vy và nhiều giọng hát khác thể hiện. Ông không ngờ bài hát có sức sống mạnh mẽ đến thế. Ông thú thật là cho đến giờ vẫn chưa gặp nghệ sĩ Tường Vy và nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Ông nói: "Muốn gặp lắm chớ, nhưng làm sao mà gặp được! Trừ một lần được về thăm quê Bác, còn từ ngày giải phóng đến giờ, mình chưa đi đâu xa".

Những vần thơ về Bác

Ông làm thơ không nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn có thơ đăng. Ông nói: "Mình làm thơ chủ yếu là về Ðảng, Bác Hồ và em gái Ê Ðê. Không hiểu sao cứ cầm bút là những hình ảnh đó lại hiện về". Từ khi về hưu năm 1989, ông làm được nhiều thơ hơn. Tiếng là về hưu, nhưng ông vẫn liên tục công tác: Bí thư Ðảng ủy xã Eatrol, rồi Bí thư chi bộ buôn Thinh.., ở cương vị nào ông cũng rất nhiệt tình. Nhiều cán bộ chủ chốt của huyện Sông Hinh và Eatrol bây giờ là do ông dìu dắt. Ở buôn Thinh, không ai gọi ông là nhà thơ, mọi người gọi là già làng Ma Luê. Cái gì cũng hỏi ý kiến Ma Luê: từ chuyện tổ chức lễ hội, cưới xin, đến trồng rừng, làm lúa nước... Ông nói: Bận, nhưng vui, vì bà con tin tưởng ở già làng.

Từ khi triển khai Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", với vai trò bí thư chi bộ, ngoài phổ biến nội dung  cuộc vận động, ông càng sáng tác nhiều thơ về Ðảng, về Bác, cả bằng tiếng Kinh và tiếng Ê Ðê. Có đến hơn  10 bài thơ về Ðảng, về Bác ông mới sáng tác như: Biết ơn Ðảng, Bác Hồ; Thăm mộ Hoàng Thị Loan; Có Ðảng hôm nay; Ơn Bác mùa xuân... Ông đọc tôi nghe bài Ai Rai mừng Ðảng, mừng Xuân: Ai Rai nữa em/ Cùng nhịp đinh năm/ Ngợi ca quê hương/ Ngợi ca Tổ quốc/ Ðất nước đẹp giàu/ Buôn làng ấm no/ Lũ làng ơn Ðảng/ Biết ơn Bác Hồ... Ông đọc những bài thơ đó cho lũ làng nghe, ai cũng khen hay. Ma Blóc nói: "Thơ của Ma Luê nói trúng cái bụng của lũ làng. Nghe thơ Ma Luê, lũ làng càng yêu kính Bác, làm theo lời Bác dạy, đoàn kết, xây dựng buôn làng no ấm". Còn Ma Bong thì nói: "Mình thuộc hết những bài thơ của Ma Luê về Ðảng, Bác Hồ. Mình vẫn thường đọc cho bọn trẻ nghe. Chúng rất thích và cũng thuộc luôn".