Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14:

Những dấu ấn mới của phim truyện nhựa

Cùng với sự góp mặt của phim truyện nhựa là sự hội ngộ gần như đầy đủ các thế hệ đạo diễn của bốn mươi lăm năm lịch sử phim truyện. Thế hệ đầu tiên có Trần Phương (phim Đêm Bến Tre), Bùi Đình Hạc (phim Hà Nội 12 ngày đêm), Huy Thành (phim Người học trò đất Gia Định xưa); thế hệ những năm chống Mỹ, cứu nước có Nguyễn Khắc Lợi (phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công); lớp trưởng thành sau năm 1975 có Vũ Châu (phim Một giờ làm quan), Tất Bình (phim Cái tát sau cánh gà), Việt Linh (phim Mê Thảo – thời vang bóng), Đỗ Minh Tuấn (phim Vua bãi rác và phim Ký ức Điện Biên )...; lớp xuất hiện cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ trước có Lê Hoàng (phim Gái nhảy), Vương Đức (phim Của rơi); lớp xuất hiện gần đây có Thanh Vân (phim Người đàn bà mộng du), Phi Tiến Sơn (phim Lưới trời), Trần Lực (phim Tết này ai đến xông nhà?), Lê Hữu Lương (phim Tiếng dương cầm trong mưa), Lâm Lê Dũng (phim U14 - đội bóng trong mơ), Trần Ngọc Phong (phim Biển đợi), Nguyễn Quang (phim Trò đùa của Thiên lôi), Vũ Ngọc Đàng (phim Những cô gái chân dài) ... Liên hoan phim lần này còn có sự góp mặt của các nhà làm phim là Việt kiều, đạo diễn Hồ Quang Minh với phim Thời xa vắng.

Hai mươi hai bộ phim truyện nhựa dự LHP Việt Nam 14 được trải ra trên một bình diện rất rộng về ý tưởng sáng tạo cũng như phạm vi đề tài.

Về xây dựng chân dung lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá có phim Nguyễn ái Quốc ở Hồng Công, kể về những ngày Bác Hồ hoạt động ở Hương Cảng, bị chính quyền Anh ở đây bắt giữ, phim Người học trò đất Gia Định xưa, nói về thời trai trẻ của cụ Đồ Chiểu, nhà thơ yêu nước Nam Bộ thế kỷ XIX.

Về đề tài chiến tranh cách mạng và giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc có phim Hà Nội 12 ngày đêm, phản ánh những ngày lịch sử bi hùng 12 ngày đêm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tháng chạp năm 1972; phim Ký ức Điện Biên thông qua nhân vật hàng binh người Pháp, tái hiện một phần chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ mùa xuân năm 1954.

Về đề tài hậu chiến có Người đàn bà mộng du, phần lớn các phim truyện nhựa tham dự lần này đề cập tới đề tài đương đại. Lưới trời, Trò đùa của thiên lôi, Một giờ làm quan , Hàng xóm, tập trung nhiều nỗ lực lột tả chân dung những thế lực tham nhũng, cơ hội, bè cánh cản trở xu thế đi lên, minh bạch và dân chủ của những người, những tập thể đang xây dựng cuộc sống mới, quan hệ mới hôm nay. Các phim Biển đợi, Cái tát sau cánh gà, Vua bãi rác tập trung đi sâu lột tả tâm lý nhân vật, tôn vinh nhân cách con người dù ở tầng lớp nào, ở hoàn cảnh nào. Các phim Gái nhảy, Tiếng dương cầm trong mưa, Mê Thảo – thời vang bóng, Những cô gái chân dài toát lên cái nhìn thân phận nhân vật của những nhà làm phim, qua đó mà họ đã gửi vào tác phẩm của mình những vấn đề ngổn ngang của thế sự.

Phim Tết này ai đến xông nhà là một phim hài hước, tạo được tiếng cười cho người xem từ một câu chuyện tưởng như thường nhật. Phim U14 - đội bóng trong mơ vừa là phim thiếu nhi vừa là phim về đề tài thể thao duy nhất trong LHP 14.

Hai mươi hai phim, mức độ thành công có thể chưa thật đồng đều nhưng hều hết trong số này đều đã tạo được dư luận, nhiều khi sự khen chê đối lập nhau gay gắt. Điều đó chứng tỏ “chúng” đã đụng được vào thần kinh xã hội. Nhiều phim,các tác giả đã dụng công tìm tòi cách tân ngôn ngữ điện ảnh, mang đến cho tác phẩm những dấu ấn mới lạ. Các nhà làm phim cũng đã dành tâm huyết hướng tác phẩm đến người xem, biết “bày trò”, biết tạo nên những sự bất ngờ và cao hơn là làm  nên những phút lãng mạn màn ảnh đầy hấp lực đối với người xem. Bởi thế có nhiều bộ phim đã “đánh bật” được một số phim ngoại vào loại ăn khách nhất.

Một điểm mới nữa của LHP 14 là chất lượng hình ảnh và âm thanh của các bộ phim nói chung và phim truyện nhựa nói riêng đã được hiện đại hơn rất nhiều. Gần nửa trong tổng số 22 phim được in tráng, làm âm thanh lập thể, âm thanh đa chiều ở nước ngoài. Các phim còn lại cũng được thực hiện khâu hậu kỳ trên dây chuyền công nghệ tiên tiến mới được nhập nội tại Trung tâm kỹ thuật điện ảnh Việt Nam.

Được biết tại LHP 14, ngoài những giải truyền thống : Bông sen vàng, Bông sen bạc, Bằng khen của Ban giám khảo, còn có Giải thưởng giành cho những phim được khán giả yêu thích và cũng chính do khán giả bình chọn. Đây là bước mở đầu để tạo những tiền lệ tốt cho những LHP sau. Vì nói cho cùng, khán giả bao giờ cũng là người công tâm nhất và mãi mãi không quay lưng lại với bất kỳ nghệ thuật đích thực nào trong đó có điện ảnh.