Đồng bào Công giáo Thủ đô hiện nay có 491 xứ, họ đạo với 406 nhà thờ và hơn 190 nghìn giáo dân (chiếm 3% dân số của thành phố), sinh sống ở 337 xã, phường, thị trấn. Hưởng ứng các hoạt động giữ gìn Thủ đô xanh, sạch, đẹp, đồng bào Công giáo đã triển khai phong trào xây dựng “Xứ họ đạo bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ban Đoàn kết Công giáo ở các quận, huyện đã tổ chức ký cam kết tại 100% các giáo xứ, giáo họ. Trong đó, tập trung vận động giáo dân thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất, tiến tới không sử dụng than tổ ong, các sản phẩm có hóa chất, độc hại, không sử dụng sản phẩm nhựa một lần; tổ chức các hoạt động ra quân dọn vệ sinh, thu gom rác thải và trồng hoa trên các tuyến đường được duy trì thường xuyên, thực hiện hỏa táng… Phong trào được triển khai từ năm 2018 và nhanh chóng lan tỏa tới các xứ đạo, họ đạo trên địa bàn thành phố và xuất hiện nhiều mô hình tích cực.
Những ngày cuối năm 2020, cùng với trang trí nhà thờ để đón mừng ngày Thiên Chúa Giáng sinh, đồng bào Công giáo ở các xứ đạo, họ đạo trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, môi trường đường, ngõ phố; chăm sóc hoa, cây cảnh. Trong số đó, giáo họ Đình Quán (phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm) bây giờ nổi tiếng là một “giáo họ xanh”. Giáo họ Đình Quán vận động bà con giáo dân trồng cây xanh tại nhà và nơi công cộng. Nhờ thế, không chỉ có những tuyến đường xanh, nhiều gia đình cũng trang trí cổng, tường bằng cây xanh. Ở quận Tây Hồ, các giáo xứ, giáo họ cũng rất quan tâm giữ gìn vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp. Tại giáo xứ An Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ), các giáo dân đã xóa hết những điểm đen về rác thải, thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông và thực hiện đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, tổ chức dọn vệ sinh khu dân cư mỗi tuần một lần.
Quận Đống Đa có ba nhà thờ gồm: nhà thờ xứ Thái Hà, nhà thờ giáo xứ Hàng Bột, nhà thờ giáo họ Hồng Vinh thuộc giáo xứ Hàng Bột, giáo dân thường trú ở 12 phường. Việc vận động đồng bào Công giáo chung tay xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp được thực hiện bài bản. Hằng năm, Ban Đoàn kết Công giáo quận Đống Đa tổ chức ký cam kết với các hộ gia đình giáo dân về thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa. 95% hộ gia đình giáo dân ký cam kết hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường; 100% các đám tang thực hiện hỏa táng; hằng tuần giáo dân tổ chức dọn vệ sinh vườn hoa, vệ sinh môi trường tại khu dân cư, tích cực phân loại rác thải, thực hiện tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; tiết kiệm năng lượng điện; không còn gia đình giáo dân đun than tổ ong; hạn chế sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm độc hại cho sức khỏe và môi trường; tăng cường hoạt động tiêu dùng xanh - trồng cây xanh… Trong đó, Tổ đoàn kết giáo xứ Thái Hà (phường Quang Trung, quận Đống Đa) nhận trách nhiệm chăm sóc Vườn hoa Trần Quang Diệu, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Phong trào thi đua xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp cũng lan tỏa mạnh mẽ tại khu vực ngoại thành. Điển hình trong số đó là giáo họ Đồng Trì (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì). Bà con giáo dân trồng hơn 200 cây xanh và đường hoa với tổng chiều dài hơn 1 km. Ngoài ra, bà con lương - giáo nơi đây còn tự nguyện đóng góp mỗi hộ 30 nghìn đồng/năm để có kinh phí chăm sóc hoa và cây. Địa bàn huyện Phú Xuyên là nơi tập trung nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Tại đây, Linh mục Đào Bá Thuyết đã vận động nhân dân giáo xứ Hoàng Nguyên (huyện Phú Xuyên) xóa bỏ bãi rác tại địa bàn, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan. Toàn bộ 198 gia đình của giáo họ Cơ Giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) đăng ký trồng rau sạch, xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư, thực hiện đổ rác đúng quy định, phân loại rác hữu cơ, hạn chế sử dụng túi ni-lông. Địa bàn họ Cơ Giáo sinh sống là một điển hình về gìn giữ vệ sinh môi trường tại địa phương.
Đánh giá về hoạt động của đồng bào Công giáo trong giữ gìn cảnh quan, môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: “Với sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền và MTTQ các cấp, bà con giáo dân, các tín đồ và nhân dân tại các khu dân cư đã ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Người dân đã có những việc làm cụ thể, thể hiện trách nhiệm chung trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng đến việc tạo ra môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp trên địa bàn thành phố”.