Với hơn 250 ha đất canh tác, xã Tiền Phong có diện tích trồng rau xanh lớn của huyện Mê Linh. Trước đây, cứ đi gần đến bờ ruộng là bắt gặp la liệt những bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng thời gian gần đây, những hình ảnh phản cảm đó hầu như không còn. Nhiều người dân đã tự giác thu gom các vỏ thuốc đưa đi xử lý. Ý thức của người dân thay đổi một phần nhờ hoạt động tuyên truyền của trụ trì chùa Trung Hậu, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng. Sau mỗi buổi thuyết pháp, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng đều dành thời gian trao đổi, trích dẫn những lời kinh của Phật với phật tử về bảo vệ môi trường. Thượng tọa cùng các chư tăng nói rõ, khi vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật xuống đất, chất độc cũng sẽ tồn dư ở trong lòng đất hàng chục năm, làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Cùng với đó là tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân nhà chùa gương mẫu trồng nhiều cây xanh, lắp đặt hơn 30 thùng rác để phục vụ nhu cầu của bà con, gìn giữ cảnh quan môi trường. Chùa Trung Hậu là cơ sở tôn giáo thực hiện tốt kế hoạch phối hợp Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức tôn giáo về công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Bảo vệ cảnh quan, môi trường cần nỗ lực của cả cộng đồng. Các chức sắc tôn giáo là những người có uy tín, cho nên có nhiều thuận lợi trong tuyên truyền bảo vệ môi trường. Tháng 4-2016, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trên địa bàn xây dựng kế hoạch phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, các chức sắc tôn giáo phát huy vai trò vận động nhân dân trồng cây xanh, tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật... Ðến nay, đã có 584 xã, phường, thị trấn, 5.136 Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư tổ chức ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường đến từng hộ gia đình và các cơ sở thờ tự tôn giáo.
Thực hiện kế hoạch, Giáo hội Phật giáo Hà Nội đã đưa hoạt động bảo vệ môi trường vào chương trình Phật sự năm 2017, triển khai đến toàn thể tăng ni, phật tử thực hiện việc trồng cây, tiết kiệm nước, dọn vệ sinh... tại nơi cư trú. Ban Trị sự Phật giáo các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ðông Anh, Sóc Sơn,... vận động nhân dân giảm đốt vàng mã, tăng cường hỏa táng. Cùng với chùa Trung Hậu, một địa chỉ tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường khác là chùa Trì (phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây). Sư trụ trì chùa Trì vận động, phối hợp nhân dân lao động dọn vệ sinh tại khu dân cư hai lần/tháng, tổ chức xây dựng đoạn đường nở hoa.
Ðối với người Công giáo, ba giáo phận tại Hà Nội đã gắn việc bảo vệ môi trường với thông điệp của Giáo hoàng Phan-xi-cô: Người tín hữu Công giáo có ý thức và có hành vi tích cực để bảo vệ môi trường và giảm biến đổi khí hậu. Chức sắc ba giáo phận tại Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho các giáo xứ về cách xử lý rác thải tại gia đình, tại khuôn viên nhà thờ; vận động đồng bào Công giáo để rác đúng nơi quy định, sử dụng phương tiện công cộng làm giảm khí thải. Ðiển hình như Linh mục Giu-se Ðào Bá Thuyết vận động nhân dân giáo xứ Hoàng Nguyên (xã Tri Thủy, Phú Xuyên) xóa bỏ bãi rác tại địa bàn, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan; họ giáo Khuyến Lương (quận Hoàng Mai) chung tay cùng nhân dân dọn vệ sinh đường, ngõ phố hằng ngày... Họ Cơ giáo (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) được chọn làm mô hình thanh niên Công giáo tình nguyện làm vệ sinh môi trường hằng tuần. Toàn bộ 198 gia đình của họ Cơ giáo đăng ký trồng rau sạch, xây dựng khu chăn nuôi xa khu dân cư, thực hiện đổ rác đúng quy định, phân loại rác hữu cơ, giảm sử dụng túi ni-lông. Ðịa bàn họ Cơ giáo sinh sống là một điển hình về gìn giữ vệ sinh, môi trường tại địa phương. Các tổ chức tôn giáo đều có các hoạt động thực hiện cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đánh giá kết quả hơn một năm thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của MTTQ thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các tôn giáo, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: "Các tổ chức tôn giáo đã phối hợp ngành tài nguyên - môi trường, MTTQ các cấp thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp đặc điểm của từng tôn giáo, địa bàn dân cư, qua đó, nhận thức của người dân, các tín đồ, chức sắc, chức việc được nâng lên. Thời gian thực hiện chưa dài nhưng đã có nhiều mô hình hay xuất hiện và cần được tiếp tục nhân rộng".