Đón Tết ở xưởng may của người Việt

NDO -

Sáng sớm một ngày cuối năm, trong cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Nga, chúng tôi lên đường tạm rời xa Moskva náo nhiệt, chạy xe về hướng đông thành phố, đến thăm xí nghiệp may Sarlanter, một điểm sáng trong ngành may mặc của người Việt tại Nga, nơi hiện có hơn 50 người Việt Nam, cùng công nhân Nga, Tatgikistan và Trung Quốc, sinh sống và làm việc.

Công nhân viên xí nghiệp may Sarlanter chụp ảnh nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần.
Công nhân viên xí nghiệp may Sarlanter chụp ảnh nhân dịp Xuân mới Nhâm Dần.

Thành lập năm 2008, xí nghiệp may Sarlanter của gia đình ông bà Đỗ Văn Tiếu, Lê Thị Là, người gốc Gia Lâm, Hà Nội, vẫn đang từng ngày phát triển và ăn nên làm ra. Xí nghiệp có diện tích hơn 5.000 m2, nằm trên địa phận tỉnh Vladimir, cách Moskva hơn 100 km, nổi tiếng trong giới may mặc của người Việt tại Nga là làm ăn quy củ, có lãi và tuân thủ luật pháp sở tại.

Nhờ tận dụng điều kiện thuận lợi của địa phương và quan hệ tốt đẹp hai nước Việt  Nam - Liên bang Nga, trải qua gần 14 năm tồn tại, xí nghiệp Sarlanter luôn ổn định và ngày càng phát triển, bất chấp thực tế khách quan có không ít khó khăn, khi quan hệ Nga và phương Tây xấu đi liên quan “cuộc chiến” trừng phạt-cấm vận, cũng như 2 năm gần đây Nga là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. 

Đón Tết ở xưởng may của người Việt -0
Ông Đỗ Văn Tiếu luôn sâu sát cùng công nhân làm ra những sản phẩm chất lượng.

Đón chúng tôi từ cổng xí nghiệp, ông Đỗ Văn Tiếu vừa đi vừa giới thiệu cơ ngơi của gia đình. Ông khẳng định ban lãnh đạo xí nghiệp đề ra chủ trương rõ ràng và chiến lược đầu tư cơ bản, dài hạn, bởi vậy đã dành nguồn kinh phí mua đất và xây dựng cơ sở vật chất tốt. Nhà xưởng rộng rãi, thông thoáng và an toàn, tạo môi trường làm việc sạch sẽ, bảo đảm sức khỏe của công nhân.

Ngoài ra, xí nghiệp cũng xây dựng khu ký túc xá độc lập, đủ mọi tiện ích, nằm kế bên xí nghiệp, giúp công nhân có điều kiện sinh sống và làm việc tốt nhất. Ông Tiếu nhấn mạnh, để thành công, ngoài việc cứ 3 năm lại thay mới máy móc hiện đại, xí nghiệp cũng luôn coi trọng chiến lược con người. Nói đơn giản là giữ chân công nhân bằng chính sách ưu đãi thỏa đáng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng cũng như luôn coi họ như con em mình.

Ông nói: “Với chủ trương tất cả cho sản xuất, tất cả vì sức khỏe công nhân, vì cuộc sống vui vẻ đoàn kết, xí nghiệp luôn quan tâm trang bị máy móc hiện đại, nhiều thiết bị chuyên dùng và thường xuyên đổi mới”. Nhờ vậy, năng suất lao động ngày càng tăng, người công nhân an tâm làm việc, thu nhập và đời sống vì thế cũng ổn định, từng bước được nâng cao. Hiện nay thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi anh chị em đều đạt mức tối thiểu 800 USD. Nhiều người tay nghề vững vàng, có thể đạt mức thu nhập hơn 1.000 USD một tháng. Trừ sinh hoạt phí trên dưới 100 USD, cứ mỗi 2 tháng, công nhân lại được chuyển lương về cho gia đình. Những công nhân tay nghề cao, chăm chỉ làm việc, được nhận tới 2.400 USD mỗi kỳ (2 tháng lương). Người mới vào nghề, cũng có mức thu nhập trên dưới 1.600 USD một kỳ lương.

Anh Phùng Đức Long, quê ở Ba Vì, vừa làm, vừa chia sẻ, với mỗi kỳ lương, sau khi trừ tiền ăn, anh cũng gửi được cho vợ con ở quê nhà số tiền 1.600 USD. So với mặt bằng chung ở xí nghiệp, mức lương này tuy không cao, song anh Long rất hài lòng và yên tâm làm việc. Dù đã xa gia đình 9 cái Tết, anh Long vẫn vui vẻ và khoe cô con gái lớn xinh đẹp 18 tuổi đang học Trường nghệ thuật xiếc, còn trai út học phổ thông. Anh Long cho biết tuy nhớ nhà nhưng vợ chồng đều phải cố gắng vì tương lai con cái.

Ở Sarlanter, phần lớn công nhân đều có nhiều năm gắn bó xí nghiệp. Người nhiều đã làm việc tới 9, 10 năm. Chúng tôi chú ý tới một cô gái "bụng chửa vượt mặt" đang ngồi túc tắc bên máy may. Tới gần bên, cô gái tên là Nga ấy cho biết chồng cô tên Thắng, cả hai đều là người Hải Phòng và làm việc tại xí nghiệp đã 6 năm. Thấy chúng tôi ái ngại về điều kiện sinh nở, chăm sóc bé sơ sinh, Nga mau mắn cho biết cô chú Là - Tiếu rất quan tâm đến cô: “Hiện chúng em được ở cùng căn hộ của cô chú, vì dù sao ở ký túc xá, gần xưởng sản xuất, bụi vải có thể ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và bé”. Nữ công nhân đặc biệt này chia sẻ: “Chúng em sống ở đây cũng thoải mái như ở nhà. Tết có bánh chưng, cành đào. Chúng em chỉ thiếu mỗi món bánh đa cua Hải Phòng thôi”. Tất cả cùng cười ồ, dù vậy những đôi tay vẫn như đang múa bên những chiếc máy may hiện đại. 

Ở một góc khác, anh công nhân người Tagikistan cũng đang thoăn thoắt đôi tay. Hỏi ra mới biết tuy anh làm nghề tại xí nghiệp được 3 tháng, song thu nhập mỗi tháng cũng tầm 800-900 USD. Công việc ổn định, lại được xí nghiệp lo nơi ăn chốn ở, anh cảm thấy rất hài lòng và biết ơn ông bà chủ xí nghiệp người Việt.

Ở Sarlater hôm ấy còn có đôi vợ chồng người Nga. Họ cần mẫn bên máy may trong chiều Chủ nhật. Ông Tiếu cho biết, hiện xí nghiệp có 4 công nhân Nga và vẫn đang tích cực tuyển thêm. Ưu điểm của công nhân Nga là cẩn thận, dù có thể làm chậm hơn công nhân Việt, song họ rất tiết kiệm, tận dụng nguyên vật liệu may, không lãng phí. “Đó là nét đẹp của những người công nhân này”, ông Tiếu cho biết thêm.

Đón Tết ở xưởng may của người Việt -0
Anh Phúc Thắng, quê Nghệ An, đã gắn bó 5 năm với xí nghiệp, biểu diễn văn nghệ mừng Xuân mới.

Cùng với việc nâng cao thu nhập cho công nhân, lãnh đạo xí nghiệp còn luôn chăm lo đời sống tinh thần và văn hóa của anh chị em. Nếu như tại phân xưởng sản xuất chúng tôi không tránh khỏi ngạc nhiên về quy mô nhà xưởng, về trang thiết bị máy móc hiện đại và sản phẩm may mặc chất lượng, thì khi bước chân tới khu ký túc xá, chúng tôi càng hiểu vì sao người công nhân ở Sarlanter gắn bó với xí nghiệp. Khu nhà ở của công nhân được bố trí liền kề với nhiều phòng chức năng khác, có nhà ăn rộng rãi, phòng thể thao với nhiều thiết bị tập luyện, phòng chơi bóng bàn, nơi cắt tóc, phòng trang điểm, phòng hát karaoke… Mấy cô gái chia sẻ cuộc sống ở đây rất vui. Dịp lễ Tết, ngày nghỉ cuối tuần có thể nghỉ ngơi, hoặc ra phố, đi mua sắm… 

Ông Vladimir Stepanov, Giám đốc nhân sự của xí nghiệp cho biết: “Chúng tôi gắn bó với xí nghiệp ngay từ khi mới thành lập. Mối quan hệ giữa chủ xí nghiệp và công nhân rất tốt. Xí nghiệp còn tổ chức cho công nhân tham quan thủ đô Moskva, thăm Quảng trường Đỏ”. Ông Stepanov vui vẻ chúc mừng công nhân và bạn bè Việt Nam năm mới thật nhiều sức khoẻ, có sức khỏe là sẽ làm việc tốt và sẽ có thu nhập cao. Là Giám đốc nhân sự, ông Stepanov cho biết: “Hơn một nửa số công nhân đã làm việc ở đây hơn 5 năm, nhiều công nhân hết hạn hợp đồng về nước, rồi lại nhanh chóng xin quay trở lại, tiếp tục làm việc trong xí nghiệp”.

Trong khi đó, đề cập tình hình dịch bệnh, ông Tiếu cho biết 2 năm qua, xí nghiệp đặt mục tiêu bảo vệ sức khoẻ công nhân lên hàng đầu. Đến nay toàn bộ công nhân viên xí nghiệp đã được tiêm mũi ba. Trong khi nhiều xưởng may thiếu người do công nhân nghỉ việc vì mắc bệnh, thì Sarlanter vẫn giữ được hơn 50 công nhân, vừa phòng chống dịch bệnh tốt, vừa duy trì sản xuất. Hàng hóa của xí nghiệp chuyên đồ thể thao nam giới, có chất lượng tốt và thường không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Gần 2 năm biên giới đóng cửa, nước Nga không cấp giấp phép tạm thời cho người lao động vào Nga, số công nhân nhìn chung giảm dần. Khắc phục khó khăn, xí nghiệp Sarlanter tăng cường tuyển người dân địa phương. Nhờ thế tiến độ sản suất vẫn bảo đảm, trong khi đời sống tinh thần lại thú vị hơn. Sống và làm việc cùng người bản địa, nhiều anh chị em Việt Nam coi đây như cơ hội để học hỏi ngôn ngữ và văn hóa sở tại. 

Đón Tết ở xưởng may của người Việt -0
Liên hoan mừng Xuân mới Nhâm Dần 2022 tại xí nghiệp may Sarlanter. 

Câu chuyện một vòng quanh xí nghiệp, những điều mắt thấy tai nghe thật đáng mừng. Bước chân tới phòng ăn của xí nghiệp, chúng tôi thấy những món ăn đặc trưng Tết cổ truyền Việt Nam cũng đã được bày biện sẵn. “Cành đào” xuân giữa miền lạnh giá nước Nga đua nhau “kheo sắc”, dù chỉ là những cánh hoa đào giấy, đào nhựa, do các anh chị khéo tay cắt dán lên cành táo, nhưng đem lại không khí xuân thật ấm áp, đủ đầy. 

Bên mâm cỗ ngày Tết, ông Tiếu, vui mừng sẻ chia: “Dù hiện nay, do nhiều nguyên nhân, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ, ngành dệt may ở Nga nói chung, trong đó có nhiều xí nghiệp may của người Việt nói riêng, lại có nhiều điều kiện để mở rộng thị trường và tăng thu nhập, nâng cao đời sống công nhân”. Ông cảm ơn người công nhân cần cù, gắn bó và cùng xí nghiệp, làm nên thành công này.

Sau lời tổng kết năm của ông, những tiếng vỗ tay, tiếng reo mừng và những ly rượu mừng xuân cùng nhất loạt được giơ lên. Và tôi thấy mùa xuân đang lấp lánh trong ánh mắt, trong nụ cười của những chàng trai cô gái người Việt, những người dù xuân này không được về quê mẹ, song không khí Tết đoàn viên, Tết ấm áp đang tràn ngập ở nơi đây - Xí nghiệp may Sarlanter của một người con đất Việt.

Tết sẻ chia