Trước đó, tàu nghiên cứu khoa học Liên bang Nga mang tên “Viện sĩ Oparin” đã cập cảng Nha Trang ngày 16/5. Đây là chuyến khảo sát thứ tư nhằm triển khai “Lộ trình hợp tác trong nghiên cứu biển giai đoạn 2018-2025” giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS), đồng thời là chuyến khảo sát thứ tám bằng tàu “Viện sĩ Oparin” giữa hai bên tại vùng biển Việt Nam.
Từ trụ sở của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội, sau khi nhiệt liệt chào mừng tàu “Viện sĩ Oparin” cập cảng an toàn, Giáo sư, Viện sĩ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã điểm lại những kết quả nổi bật của 7 chuyến khảo sát chung trước đây; đặc biệt trong công tác đào tạo cán bộ khoa học trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các cán bộ đã trưởng thành dần qua những chuyến khảo sát cũng như hoạt động hợp tác khoa học.
Chuyến khảo sát lần thứ tám này mang ý nghĩa quan trọng vì đây hoạt động đầu tiên thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai viện hàn lâm vừa được thông qua tại Khóa họp lần thứ 24 Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Nga vào tháng 4/2023 vừa qua cũng như góp phần triển khai hiệu quả Biên bản Khóa họp 24 giữa Chính phủ hai nước.
Cùng quan điểm với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Thủ đô Moscow và từ Phân Viện Viễn Đông (FEB RAS) tại Vladivostok, Giáo sư, Viện sĩ Panchenko Vladislav Yakovlevich, Phó Chủ tịch phụ trách hợp tác quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Giáo sư, Viện sĩ Yury Kulchin, Chủ tịch Phân Viện Viễn Đông nhấn mạnh vai trò hợp tác khảo sát biển trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo của hai viện hàn lâm; đồng thời đánh giá nỗ lực và sự hợp tác tích cực từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để chuyến khảo sát lần thứ tám tiến hành theo dự kiến.
Là thành viên chủ chốt của Chính phủ Nga trong Tiểu ban hợp tác khoa học, giáo dục đào tạo của Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Nga, ông Konstatin Mogilevsky, Thứ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Nga đánh giá cao quá trình hợp tác dài lâu giữa hai viện hàn lâm, đặc biệt nội dung hợp tác về khoa học biển đã được hai viện hàn lâm thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, và bày tỏ sự ủng hộ hai viện hàn lâm tiếp tục triển khai Lộ trình hợp tác đã ký tới năm 2025 và phát triển hợp tác trong tương lai; góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai đất nước.
Tại cảng Nha Trang, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa khẳng định quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường sự hiện diện của lực lượng nghiên khoa học của chúng ta và cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học quốc tế tham gia khảo sát nghiên cứu trên Biển Đông và quảng bá khoa học biển Việt Nam trên trường quốc tế.
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vinh dự được lựa chọn là điểm cập bến của tàu “Viện sĩ Oparin” lần này, và gửi lời chào nồng nhiệt tới toàn thể các nhà khoa học và thủy thủ đoàn Nga đã vượt biển Thái Bình dương cập cảng Nha Trang để bắt đầu chuyến khảo sát trên vùng biển Việt Nam lần thứ 8 trong lộ trình hợp tác giữa hai Viện.
PGS, TS Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học, đại diện đơn vị chủ trì phía Việt Nam phát biểu, từ năm 2005 tới nay, Viện Hải dương học đã vinh dự 4 lần đón tàu “Viện sĩ Oparin” cập cảng, khởi đầu cho những chuyến khảo sát giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, và cũng là lần thứ 4 Viện Hải dương học được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tin tưởng giao trọng trách chủ trì phía Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ khảo sát.
Viện Hải dương học nhận thức rất rõ đây là nhiệm vụ hợp tác quốc tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu về khoa học biển của Viện Hải dương học nói riêng và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói chung; đặc biệt các lãnh đạo Viện Hải dương học trong những năm gần đây đều đã trưởng thành từ những chuyến khảo sát Oparin chung này.
Chuyến khảo sát lần này một lần nữa thắt chặt những hoạt động nghiên cứu chung và tình hữu nghị giữa các nhà khoa học Việt-Nga, các nhà khoa học hai viện hàn lâm.
Sau khi kết thúc buổi lễ và hoàn thiện công tác hậu cần, tàu “Viện sĩ Oparin” sẽ nhổ neo ra khơi cùng gần 40 nhà khoa học thuộc các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành của hai viện hàn lâm trong khoảng 1 tháng với nhiều kết quả hứa hẹn được tổng hợp tại Hội thảo sắp tới.
Tàu nghiên cứu “Viện sĩ Oparin” (Akademik Oparin) được đóng năm 1985 tại Phần Lan, mang quốc tịch Liên bang Nga (số đăng ký: 8412376-MMSI: 273438800). Chủ sở hữu là Viện Hải dương học P. P Shirshov, Viện Hàn lâm Khoa học Nga; đơn vị điều hành là Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
Các thông số kỹ thuật của tàu: chiều dài 75,5m, ngang 15m; hạ thủy tối đa 4,7m; tổng trọng tải 2.600 tấn; động cơ 3500BHP; tốc độ 15,2 hải lý/giờ.
Tàu có ba tầng, được thiết kế đặc biệt chuyên dụng với hệ thống phòng thí nghiệm cho các nghiên cứu về hóa sinh, sinh học, hóa học, vi sinh vật biển... nên được gọi là “viện nghiên cứu biển lưu động”.
Trên tàu “Viện sĩ Oparin” có các thiết bị nghiên cứu bao gồm: Lưới mẫu sinh vật phù du, cào đáy chuyên dụng được lắp đặt trên tàu; thiết bị lặn SCUBA; các thiết bị định vị; ca nô chuyên dụng,… để dành riêng cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu biển của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Tàu có các phòng với đầy đủ tiện nghi phục vụ thủy thủ đoàn 32 người và 40 nhà khoa học nghiên cứu trên tàu.
Chuyến khảo sát khoa học biển đầu tiên tại khu vực Biển Đông trên con tàu “Viện sĩ Oparin” được tiến hành năm 1987, tiếp theo là các năm 1988 và 1989 với sự tham gia của một số nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển và Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trên cơ sở các thỏa thuận đã được ký kết giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Phân viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đã có 7 chuyến khảo được thực hiện bằng tàu “Viện sĩ Oparin” trên toàn vùng biển Việt Nam vào các năm 2005, 2007, 2010, 2013, 2016, 2018, 2021 và chuyến khảo sát lần thứ tám năm 2023 này.