Tạo điều kiện cho các trường đại học nghiên cứu khoa học

Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực khoa học-công nghệ trình độ cao ở các trường đại học là vấn đề cấp bách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực khoa học-công nghệ.

Khoa học-công nghệ được xem là công cụ nhằm gia tăng sức cạnh tranh của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Trong đó, các trường đại học chính là nơi chủ yếu tạo ra công nghệ và tài sản trí tuệ giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Với gần 400 giáo sư và phó giáo sư, hơn 1.000 tiến sĩ, trong chiến lược phát triển giai đoạn mới, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sứ mạng tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng, là nơi đi đầu trong đổi mới, đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển đất nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển trung tâm xuất sắc và các nhóm nghiên cứu mạnh, sẵn sàng dẫn dắt quá trình đổi mới sáng tạo. Nền tảng quan trọng này góp phần triển khai các nhiệm vụ khoa học-công nghệ liên ngành tạo ra các sản phẩm khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo có giá trị gia tăng và có khả năng thương mại hóa. Trong những năm qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn được xem là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, đặc biệt là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science (của Clarivate), Scopus (của Elsevier) với điểm số về danh tiếng học thuật và tỷ lệ trích dẫn tiệm cận top 100 trường đại học hàng đầu châu Á.

Thống kê giai đoạn 2016-2021, đơn vị này đã công bố hơn 6.710 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc cơ sở dữ liệu Scopus. Đến nay, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 65 bằng phát minh sáng chế (IP), trong đó đã có bốn bằng phát minh sáng chế quốc tế được cấp bằng sáng chế tại Mỹ và đã có hơn 90 giải pháp hữu ích...

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng với thành phố hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, đào tạo đội ngũ khoa học-công nghệ để phục vụ cho đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh”; xây dựng thành phố Thủ Đức thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố gồm các trung tâm: Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm sản xuất tự động, trung tâm công nghệ giáo dục và công nghệ thông tin, trung tâm công nghệ sinh thái, khu đô thị tương lai, trung tâm khởi nghiệp...

Các đề án này hứa hẹn sẽ mang lại những điều kiện, cơ hội phát triển vượt bậc cho thành phố, nhưng cũng đồng thời đặt ra một bài toán đầy thách thức về việc chuẩn bị nguồn nhân lực tương thích để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra. Ngoài ra, đơn vị này cũng tham gia các hoạt động phát triển kinh tế số của thành phố nhằm đóng góp khoảng 25% đến năm 2025; 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố...

Là trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa cho biết: Trường đại học Bách khoa thể hiện được vai trò nòng cốt trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và tại khu vực phía nam.

Nhà trường đã xây dựng được nhiều mối quan hệ hợp tác khoa học-công nghệ với các địa phương, doanh nghiệp và quốc tế, chủ động tham gia thực hiện các chương trình khoa học-công nghệ trọng điểm của quốc gia và Thành phố Hồ Chí Minh; thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu, nhất là các nhóm nghiên cứu liên ngành, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp...

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng Trường đại học Bách khoa thừa nhận vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của đội ngũ trí thức khoa học, tỷ lệ tham gia nghiên cứu khoa học đạt khoảng 75% nhân lực làm nghiên cứu và giảng dạy. Cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu của nhà trường chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Phần lớn sản phẩm chỉ mới được phát triển đến mức độ phòng thí nghiệm dẫn đến các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được. Kinh phí đề tài không đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt đối với đề tài phát triển công nghệ dẫn đến chưa nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Để nghiên cứu khoa học-công nghệ đạt được như kỳ vọng, là động lực phát triển đổi mới mô hình tăng trưởng, Trường đại học Bách khoa kiến nghị cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính cho nghiên cứu khoa học. Đổi mới quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực, có cơ chế chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ khoa học; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong phát triển khoa học-công nghệ, cũng như mở rộng phạm vi và khuôn khổ tài trợ của mô hình quỹ khoa học và công nghệ với cơ chế thông thoáng hơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, qua phân tích số liệu mười năm gần đây cho thấy, tỷ lệ công bố quốc tế về khoa học của các cơ sở giáo dục đại học tăng nhanh về số lượng. Trong ba năm từ năm 2019-2021, số công bố quốc tế của các cơ sở giáo dục đại học chiếm hơn 90% trong tổng số của cả nước.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, số công bố của nước ta còn thấp, số sáng chế, giải pháp hữu ích của các trường đại học có tăng nhưng còn ít. Qua đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy kiến nghị các đơn vị liên quan cần rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định tài trợ nghiên cứu khoa học-công nghệ cho các trường đại học tham gia đào tạo, nghiên cứu các ngành phục vụ phát triển công nghệ cao, cũng như để các trường hợp tác nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học, tổ chức nước ngoài.

Đồng thời, có chính sách miễn thuế cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phòng thí nghiệm trong cơ sở giáo dục đại học để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao. Sửa đổi, bổ sung mô hình/quy định về ưu tiên phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc...