Cuối giờ chiều ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến để trao đổi với các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh (cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh có quy mô 1.000 giường ICU).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trên cơ sở trao đổi thống nhất với TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế áp cơ chế điều hành của Bệnh viện Chợ Rẫy cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh để phối hợp chặt chẽ với thành phố điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho Trung tâm hồi sức này.
Sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho bệnh viện này để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Song song đó, Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.
Bộ trưởng Y tế giao Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện cũng là Giám đốc của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP Hồ Chí Minh) để có thể phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức Covid-19 và các địa phương trong khu vực.
Qua cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long gửi lời động viên đến các y, bác sĩ , nhân viên y tế đang nỗ lực trong công tác phòng chống dịch thời gian qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh hiện có 1.000 giường với 2.000 nhân viên chuyên môn y tế và các nhân viên hỗ trợ làm công tác hậu cần, hành chính khác. Ghi nhận tại khu vực điều trị bệnh nhân nguy kịch, nặng ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trong ngày 17/7, các bác sĩ giỏi, và chuyên gia đầu ngành tất bật với công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân.
ThS, BSCK II Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 khẳng định: "Đây là bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng cao nhất, nặng nhất. Về quy mô có thể hỗ trợ hô hấp cho 1.000 bệnh nhân. 100 giường hồi sức cho bệnh nhân nguy kịch. Bộ Y tế và thành phố rất quan tâm, hỗ trợ tận tình để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng".
Hiện tại Bộ Y tế đã điều động đến đây lực lượng nhân sự khá đông đảo, bao gồm hơn 530 cán bộ, chuyên gia hàng đầu từ các bệnh viện tuyến Trung ương và địa phương. Bệnh viện này không chỉ điều trị bệnh nhân nặng cho TP Hồ Chí Minh mà còn cả các tỉnh phía nam. Bộ Y tế đã cam kết sẽ sát cánh với TP Hồ Chí Minh, bổ sung thêm nhân sự, thiết bị y tế phù hợp với diễn biến dịch.
Để chủ động nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư tiêu hao, trong đó có ô-xy, chiều cùng ngày Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với các nhà sản xuất, cung ứng ô-xy để nghe báo cáo và thảo luận về việc cung ứng ô-xy trong thời gian tới khi dịch bệnh gia tăng.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cùng thống nhất tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ và tăng cường phân phối đến các cơ sở y tế.
Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các địa phương trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu phải thiết lập hệ thống ô-xy trung tâm tại các bệnh viên tuyến tỉnh để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; đồng thời các bệnh viện tuyến huyện phải dự trữ ô-xy để phục vụ công tác điều trị. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, cung ứng ô-xy.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính tới ngày 17/7, đã có 24 đoàn với hơn 4.400 nhân viên y tế cả nước hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, 535 bác sĩ, 1.222 điều dưỡng, 53 kỹ thuật viên, 8 giảng viên và 2.655 sinh viên .
Bên cạnh đó, hơn 30 lãnh đạo các vụ, cục, viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế đã được điều động bổ sung cho Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh trực tiếp hỗ trợ TP Thủ Đức và tất cả các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh triển khai các hoạt động chống dịch.
Hiện Bộ Y tế đang duy trì hoạt động của 7 đoàn công tác hỗ trợ chống dịch tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam Bộ. Các tỉnh này còn nhận được sự chi viện từ các bệnh viện tuyến Trung ương và Sở Y tế các địa phương.