Đón một mùa cà-phê tăng giá

Giá cà-phê nhân xô tiến sát mốc 66.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây khiến người trồng cà-phê tại Tây Nguyên rất phấn khởi. Theo thông tin từ các địa phương, tại tỉnh Lâm Đồng, giá cà-phê trong mấy ngày qua được thu mua ở mức 65.200 đồng/kg. Tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai cũng ở mức tương tự. Báo Lâm Đồng dẫn báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, lũy kế từ đầu năm đến đầu tháng 12, kim ngạch xuất khẩu cà-phê đạt 173,81 triệu USD, là mặt hàng nông sản xuất khẩu cao nhất của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00

Cũng theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, giá cà-phê niên vụ 2023-2024 sẽ tiếp tục neo ở mức cao. Hầu hết người trồng cà-phê Tây Nguyên đang được đón một mùa màng bội thu. Tuy nhiên, không ít người thất thu vì đã bán cà-phê non, không đầu tư cho vườn hoặc khâu thu hoạch và chế biến sau thu hoạch không bảo đảm chất lượng.

Khi giá cà-phê đang lên thì một vấn đề quan trọng cần quan tâm là nâng cao chất lượng. Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng và giá nhân cà-phê, các ngành chức năng đã và đang tập trung hướng dẫn, động viên người dân thu hoạch, bảo quản cà-phê đúng kỹ thuật. Với quan niệm “xanh nhà hơn già đồng”, thực tế còn nhiều hộ dân tổ chức thu hoạch đại trà khi cà-phê đạt tỷ lệ chín chỉ trên dưới 70%. Nhiều thương lái khi thu mua sản phẩm từ người dân ngoài việc đo độ ẩm còn đánh giá nhân cà-phê chế biến từ việc thu hái xanh thường bị thâm, đen, hạt nhỏ, mẫu mã không đều, đẹp bằng nhân cà-phê có quả chín đều, nhân đẹp.

Do đó, giá thu mua cũng có sự chênh lệch giữa cà-phê chín đều và cà-phê thu có tỷ lệ trái xanh lớn. Chính điều này làm giảm cả chất lẫn lượng của cà-phê nhân, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu cà-phê liên tục ban hành thông báo đến các hộ nông dân liên kết về việc phải thực hiện quy trình thu hái chọn lọc, thu hái chín 100%. Cà-phê thu đúng độ chín sẽ cho ra sản phẩm chất lượng, có hương vị thơm ngon. Thành phần vị chua và vị chát trong sản phẩm được giảm xuống mức thấp nhất. Cùng với đó, người sản xuất được hưởng lợi khi trọng lượng cà-phê tươi cao hơn, giá cũng tốt hơn so với cà-phê chưa đủ độ chín.

Các ngành chức năng đã và đang tập trung xây dựng các mô hình bền vững đối với cây cà-phê. Trước niên vụ thu hoạch, ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đều khuyến cáo người dân thu hoạch cà-phê chín, không thu hái quả xanh, quả non. Việc thu hái phải thực hiện đúng kỹ thuật, không tuốt, vặn, làm gãy cành. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân vận chuyển cà-phê về nơi sơ chế, chế biến ngay sau khi thu hoạch. Không lưu giữ quả tươi cà-phê để chế biến ướt quá 12 giờ, quả để chế biến khô không quá 24 giờ. Đồng thời, áp dụng các phương pháp sơ chế, chế biến phù hợp đối với từng chủng loại cà-phê và phải bảo đảm yêu cầu chất lượng của sản phẩm...