Tiên phong thành phố Thủ Đức
Từ mẫu thiết kế sơ bộ của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức đã cụ thể hóa mẫu nhà trên địa bàn cho người dân tham khảo. Theo đó, đối tượng áp dụng là những trường hợp nhà ở riêng lẻ của cá nhân, hộ gia đình có tổng diện tích sàn nhỏ hơn 250 m2 hoặc dưới ba tầng (không kể tầng lửng diện tích dưới 65% diện tích sàn xây dựng của tầng và tầng tum có diện tích dưới 30% diện tích của sàn mái). Những công trình này yêu cầu phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thành phố và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thiết kế, tác động của công trình xây dựng đến môi trường và an toàn của các công trình lân cận theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức giao 34 Ủy ban nhân dân phường tổ chức công bố, công khai mẫu bản vẽ thiết kế cho hộ gia đình, cá nhân tham khảo khi tự lập thiết kế xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường, khu phố và trên các trang thông tin điện tử của phường để cá nhân, hộ gia đình thực hiện khi có nhu cầu cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ.
Một số nội dung khi tiến hành lập bản vẽ thiết kế phải có là: địa chỉ, cấp (hạng) nhà ở, chiều cao công trình, kết cấu nhà, diện tích sàn từng tầng, diện tích sàn xây dựng, ranh lộ giới, chỉ giới xây dựng, cao độ sàn tầng 1...
Bên cạnh đó, khi lập bản vẽ mặt bằng các tầng lầu, tầng lửng (nếu có) phải thể hiện ranh xây dựng nhà ở, ô thông tầng (nếu có), kết cấu sàn, độ vươn ban-công (nếu có), cao độ sàn của từng tầng.
Hơn nữa bản vẽ cũng phải thể hiện rõ mặt đứng và mặt cắt có thể hiện chiều cao từng tầng, chiều cao toàn công trình, chiều cao lan-can của ban-công, độ vươn ban-công (nếu có), kích thước khoảng lùi công trình, cao độ của từng tầng.
Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức sẽ tiến hành phê duyệt và cấp phép xây dựng kèm bản vẽ thiết kế theo mẫu: hộ gia đình, cá nhân được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình, hoặc thuê tổ chức tư vấn thiết kế hoặc nhà thầu xây dựng lập, triển khai thiết kế bản vẽ thi công xây dựng công trình theo đúng quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng.
Có dễ áp dụng trên thực tế?
Theo ông Tống Ðức Tiến, Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh), mẫu thiết kế nhà sẽ giúp người dân không cần lập bản vẽ xây dựng khi xin cấp phép xây dựng, bởi trên bản vẽ xây dựng mẫu đã thể hiện những chỉ tiêu xây dựng (chỉ giới đường đỏ xây dựng, mật độ xây dựng, chiều cao công trình, số tầng...). Bản vẽ xây dựng mẫu không đi sâu vào nội dung bên trong, cơ quan chức năng chỉ quản lý khung bên ngoài theo các chỉ tiêu đã được cấp phép và thể hiện rõ trên sơ đồ. Sau đó, người dân sử dụng sơ đồ này để nộp hồ sơ hoàn công, xin cấp sổ hồng. Hộ gia đình, cá nhân tiến hành lập bản vẽ thiết kế thể hiện các nội dung: địa chỉ, cấp (hạng) nhà ở, kết cấu nhà, chiều cao công trình, tổng diện tích sàn xây dựng, diện tích sàn xây dựng của từng tầng; mặt bằng tầng 1; mặt bằng các tầng lầu (tầng lửng - nếu có); mặt đứng và mặt cắt. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng kèm bản vẽ thiết kế theo mẫu, người dân được tự tổ chức thực hiện thiết kế xây dựng công trình, hoặc thuê tổ chức tư vấn thiết kế, hoặc nhà thầu xây dựng lập. Trong đó, việc bố cục các hạng mục nội thất bên trong căn nhà sẽ do chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng tự quyết định và phải chịu trách nhiệm về an toàn cho bản thân công trình và các công trình kế cận.
Cũng theo ông Tiến, mẫu thiết kế nhà không chỉ rút ngắn thời gian, thủ tục cho người dân khi làm thủ tục cấp phép xây dựng mà còn rút ngắn thời gian hoàn công để cấp sổ hồng. Nếu được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận, người dân chỉ cần sử dụng một bản vẽ cấp phép cho hai thủ tục hành chính là cấp phép và cấp chủ quyền.
Ðánh giá về mẫu thiết kế nhà của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thành phố Thủ Ðức, kiến trúc sư Võ Kim Cương cho rằng, mẫu thiết kế nhà thuận lợi cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý. Người dân không bị gò bó khi xây nhà, các đơn vị thiết kế sẽ làm sáng tạo cho không gian bên trong căn nhà đẹp hơn, công năng sử dụng hợp lý hơn. Tuy nhiên, cũng cần phải lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân xem đã hợp lý chưa. Sau đó cân nhắc xem thủ tục hành chính đơn giản hơn được bao nhiêu, khâu nào cần điều chỉnh, cách triển khai như thế nào để thuận tiện và phù hợp cho người dân hơn nữa.
Theo ghi nhận, mẫu thiết kế nhà do Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Ðức ban hành nhận được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, để dễ áp dụng hơn trong thực tế thì thành phố Thủ Ðức cần hướng dẫn cụ thể hơn nữa, nhất là về khoảng lùi công trình. Bởi theo quy định của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, khoảng lùi công trình khi xây dựng nhà ở riêng lẻ liền kề phải lùi 2,4 m so với ranh đất. Trong khi Bộ Xây dựng lại quy định đối với những công trình nhà ở riêng lẻ có diện tích dưới 90 m² đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng sẽ được xây dựng với mật độ tối đa là 100%. Ðiều này gây khó và lúng túng cho cả người dân lẫn cơ quan quản lý khi cấp phép xây dựng. Ðó là chưa kể tại Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch hạ tầng cơ sở không đồng bộ. Mặt tiền và chiều rộng mỗi căn nhà khác nhau, cho nên không có một mẫu nhà nào phù hợp, ngoại trừ các khu nhà trong các dự án 1/500 phải xây nhà theo các mẫu nhà tương đồng nhau. Do vậy, để thuận lợi áp dụng trên thực tế, các cơ quan quản lý nên linh động xử lý dựa trên đặc thù pháp lý miếng đất xây dựng, miễn là đúng quy định của pháp luật.