Đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động

Dù đã thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết, nhưng vẫn còn một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội chậm đóng, trốn nộp các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp ký nhận Quyết định thanh tra về việc chậm đóng, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đại diện các đơn vị, doanh nghiệp ký nhận Quyết định thanh tra về việc chậm đóng, nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm xã hội thành phố cho biết, hiện nay, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, ảnh hưởng tới quyền lợi của 600.000 người lao động.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 96.400 đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với hơn hai triệu người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, hơn 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh các đơn vị đóng nộp bảo hiểm đầy đủ, vẫn còn nhiều đơn vị chây ỳ, chậm nộp.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội đã công bố danh sách 24.710 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đang chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp từ một tháng trở lên (số liệu tính đến hết ngày 31/12/2023). Trong đó, nhiều đơn vị chậm nộp tới hàng chục tỷ đồng như Công ty cổ phần Anh ngữ APAX (phố Hoàng Đạo Thúy, quận Cầu Giấy) chậm nộp hơn 56 tỷ đồng, Công ty cổ phần LILAMA 3 (Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chậm hơn 44 tỷ đồng, Công ty TNHH May mặc Xuất khẩu VIT Garment (Khu Công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) chậm hơn 36 tỷ đồng... Tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội hiện lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 600.000 người lao động.

Theo BHXH thành phố, nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức chấp hành pháp luật của một số đơn vị sử dụng lao động chưa cao, cố tình dây dưa để chậm đóng BHXH tồn đọng, kéo dài. Đáng chú ý, trong danh sách chậm đóng, trốn đóng BHXH có hơn 15.500 đơn vị, doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động.

Cơ quan chức năng rất khó thu hồi số tiền chậm đóng của các đơn vị này. “Dù với nguyên nhân nào thì việc chậm đóng BHXH vừa là hành vi vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Đó cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô” - Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Vũ Đức Thuật nhận định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai tới các cấp, các ngành nhằm đôn đốc thu, giảm thiểu số tiền chậm đóng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế. Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với các đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài.

Đối với những doanh nghiệp nợ kéo dài hơn sáu tháng, cơ quan BHXH tiến hành thanh tra đột xuất; đối với các doanh nghiệp trốn đóng, nợ kéo dài, sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính; nếu doanh nghiệp tiếp tục chây ỳ, vi phạm quyền lợi bảo hiểm của người lao động thì củng cố hồ sơ, theo dõi quá trình khắc phục để chuyển hồ sơ những đơn vị có dấu hiệu hình sự qua công an xử lý theo đúng chức trách…

Bằng những biện pháp quyết liệt, công tác thu hồi nợ đọng các loại bảo hiểm cho người lao động đã có kết quả tích cực. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp khi được cơ quan chức năng nhắc nhở đã nghiêm túc thực hiện, khắc phục hàng trăm tỷ đồng tiền chậm nộp. Đơn cử, qua thanh tra (đột xuất) Công ty TNHH Tập đoàn Hồ Phú Gia (quận Hoàn Kiếm), BHXH thành phố Hà Nội nhận thấy, doanh nghiệp có trích bảo hiểm từ tiền lương của người lao động hằng tháng, nhưng chưa chuyển tiền đóng ngay trong tháng theo quy định, còn nhiều tháng chậm nộp (gồm các tháng 1, 5, 6, 8 năm 2022 và các tháng 1, 5, 8, 9 năm 2023). Trước sự đôn đốc của cơ quan chức năng, đến ngày 20/11/2023, công ty đã khắc phục, nộp gần 781 triệu đồng tiền chậm nộp bảo hiểm cho người lao động.

Năm 2024, BHXH thành phố và các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng nghìn đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, các cơ sở khám, chữa bệnh, các tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả bảo hiểm. Bên cạnh đó, sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm…

Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động, nhất là với các đơn vị, doanh nghiệp đã giải thể, không còn hoạt động. Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH thành phố kiến nghị Chính phủ sớm có nghị định về xử lý đối với các đơn vị sử dụng lao động mất tích, giải thể, phá sản, ngừng, dừng giao dịch, người sử dụng lao động bỏ trốn, không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế; có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với các đơn vị trốn đóng; đồng thời, đề xuất các cơ quan chức năng không cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp trước đây đã hoạt động mà trốn tránh trách nhiệm tham gia bảo hiểm cho người lao động và phải yêu cầu các đơn vị khắc phục ngay tình trạng chậm đóng.