Đòn bẩy kinh tế nhà nước ở Phú Yên

Chương trình đã giúp phát huy công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo,…
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên.
Người lao động được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên đã có nhiều giải pháp, đưa nhanh đồng vốn đến tận tay các đối tượng, kịp thời đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, học tập,… góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Cuối tháng 4, trời nắng như đổ lửa, nông dân các huyện miền núi Phú Yên đang vào vụ thu hoạch sắn, mía và vụ lúa hè thu. Năm nay, các loại nông sản được mùa, được giá nên người dân rất phấn khởi. Chị H’Diêm, dân tộc Chăm H’Roi ở thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa) càng vui hơn khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã thông báo, gia đình chị vừa được xét duyệt hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà mới thay cho nhà ở tạm.

Chị H’Diêm tâm sự, cuối năm 2022, gia đình chị được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa thông qua tổ vay vốn địa phương giải ngân cho vay 60 triệu đồng. Nguồn vốn này giúp gia đình mua 6 con bò sinh sản để nuôi, đến nay, bò đã lớn, trị giá hơn 100 triệu đồng. “Ngoài nuôi bò, gia đình còn trồng mấy sào mía, cũng đủ trả lãi cho ngân hàng, cho con cái ăn học,…”- chị H’Diêm chia sẻ.

Giúp hộ nghèo vươn lên

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa Lê Trọng Khoan cho biết, địa bàn hiện có 16.754 hộ dân, trong đó 2.427 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 14,5% và 1.557 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,3%. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 43 của Quốc hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa đã khẩn trương làm thủ tục cho vay hơn 600 hộ, với tổng số tiền hơn 35,5 tỷ đồng.

Ðơn vị đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 250 khách hàng, tổng nguồn vốn 17,5 tỷ đồng; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NÐ-CP và Nghị định số 49/2021/NÐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100) hơn 5 tỷ đồng; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến 1,72 tỷ đồng (133 khách hàng vay vốn); cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập 225 triệu đồng; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NÐ-CP 11 tỷ đồng, đến tay 208 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa Nay Y Blung, nhờ sự kịp thời giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; mua máy tính cho học sinh, sinh viên; cải tạo, sửa chữa nâng cấp các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; xây dựng nhà ở… và các đối tượng chính sách trên toàn tỉnh. Tại Sơn Hòa, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, nguồn vốn cho vay ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững,…

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục cho biết, sau đại dịch Covid-19, tỷ lệ công nhân, người lao động mất việc làm khá lớn, đặc biệt là lao động từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam về lại địa phương không tìm được việc làm. Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đã tháo gỡ cơ bản khó khăn cho công nhân lao động các tỉnh về lại quê nhà, người dân địa phương, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác.

Các đối tượng này kịp thời được vay vốn để khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm... Trong năm 2022, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện thống kê rà soát đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng chính sách,… Ðơn vị đã chỉ đạo các phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai cho vay kịp thời đến các đối tượng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Ban Dân tộc tỉnh và các cấp chính quyền địa phương cơ sở phối hợp rà soát xây dựng kế hoạch nhu cầu vốn và triển khai cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cụ thể, chi nhánh đã thực hiện cho vay với dư nợ đạt hơn 291 tỷ đồng/7.336 khách hàng, hoàn thành 100% kế hoạch vốn của năm chương trình.

Như các đơn vị khác, giữa tháng 5/2021, Trường mầm non tư thục Hoa Sen ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh phải tạm ngưng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Ðến giữa tháng 11/2021, trường mới hoạt động trở lại. Tuy nhiên thời điểm đó, tâm lý phụ huynh còn e ngại dịch bệnh, học sinh đi học thưa thớt nên nguồn thu học phí không đủ bù chi. Lúc này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh đã kịp thời hỗ trợ cho cơ sở này vay hơn 100 triệu đồng với lãi suất 0%. Nhờ vậy, trường có tiền trả lương cho giáo viên.

Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Sen Phạm Thị Hiếu tâm sự, khi bỏ vốn đầu tư cơ sở, đến lúc vừa khai trương đúng một tháng thì xảy ra đợt dịch, phải dừng hoạt động nên không có nguồn thu, tưởng chừng phá sản. “Nhờ nguồn vốn nhà nước, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh tiếp sức từ chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cơ sở đã vực lại được, đang có bước phát triển ổn định…”, cô Hiếu nói.

Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Ðầu tư quốc tế Phong Phú-Phú Yên do ảnh hưởng Covid-19, gặp khó khăn cũng được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 22 tỷ đồng để trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%, kịp thời giải quyết lương cho gần 6.500 lượt lao động. Giám đốc điều hành Công ty Nguyễn Thị Mỹ An cho biết, từ giữa năm 2021, khi dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ; công nhân tạm nghỉ. Lúc này, công ty tiếp cận được chính sách cho vay trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0% từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Nhờ đó, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất, chăm lo cho người lao động.

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên Hồ Văn Thục chia sẻ, trước tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, chi nhánh đã kịp thời triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong hai năm 2021-2022, đơn vị đã giải ngân cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với dư nợ gần 31,2 tỷ đồng để trả lương cho 9.100 lượt người lao động, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.