Chấp hành Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đội gồm 34 chiến sĩ, chia thành 03 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị vên.
Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước, thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), đến năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, 17 giờ ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo bất ngờ tập kích diệt đồn Phai Khắt thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Tiếp đó, ngày 26-12, Đội diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15 km về phía Đông Bắc).
Tháng 8 năm 1945, Trung ương Đảng quyết định: Phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Việt Nam giải phóng quân cùng các lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước, triệu người như một tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã giành thắng lợi trong cả nước, chính quyền cách mạng của nhân dân được thành lập từ Trung ương đến địa phương.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, một chi đội Giải phóng quân, hàng ngũ chỉnh tề cùng nhân dân Hà Nội mít tinh chào mừng Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập của dân tộc Việt Nam.
(còn nữa)