Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam lần đầu “thử lửa”

Đây là lần đầu Kun Bokator - võ cổ truyền Campuchia, được đưa vào chương trình thi đấu chính thức ở một kỳ SEA Games. Vì thế, đội tuyển Kun Bokator Việt Nam được thành lập từ tháng 3 vừa qua, đang tích cực chuẩn bị cho các nội dung thi đấu.
0:00 / 0:00
0:00
Huấn luyện viên Lê Công Bút theo dõi buổi tập của các thành viên đội tuyển Kun Bokator. (Ảnh MỸ HÀ)
Huấn luyện viên Lê Công Bút theo dõi buổi tập của các thành viên đội tuyển Kun Bokator. (Ảnh MỸ HÀ)

Môn võ Kun Bokator được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2002. Đây là môn võ truyền thống có từ lâu đời của người Campuchia, trở thành biểu tượng của văn hóa Khmer cho đến tận ngày nay.

Chính vì vậy tại SEA Games 32, chủ nhà Campuchia quyết định đưa môn này vào nội dung thi đấu của đại hội, bao gồm 16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, bảy nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và chín nội dung thi đấu đối kháng cá nhân. Có sáu quốc gia đăng ký tranh tài ở môn Kun Bokator, gồm chủ nhà Campuchia, Lào, Myanmar, Philippines, Indonesia và Việt Nam.

Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam thành lập với ba huấn luyện viên, một chuyên gia Campuchia và 15 vận động viên đến từ đội tuyển võ thuật cổ truyền Việt Nam.

Theo huấn luyện viên trưởng Lê Công Bút, đây là những gương mặt tốt nhất trong làng võ cổ truyền nước ta, được tuyển chọn bởi sự tương đồng giữa hai môn võ. Các vận động viên sẽ tham dự tranh tài ở nội dung đối kháng với chín hạng cân khác nhau, gồm 50kg, 55kg, 60kg, 65kg và 70kg dành cho nam và hạng cân 45kg, 50kg, 55kg và 60kg dành cho nữ.

Tại giải vô địch Kun Bokator Đông Nam Á 2023 diễn ra đầu tháng 4 vừa qua, đội tuyển Kun Bokator Việt Nam giành được ba Huy chương vàng, ba Huy chương bạc và ba Huy chương đồng, xếp thứ nhì ở nội dung đối kháng. Ngôi đầu toàn đoàn thuộc về chủ nhà Campuchia.

Các tấm Huy chương vàng của đội tuyển Việt Nam lần lượt thuộc về Nguyễn Thị Hoài Nhi hạng cân 45kg nữ; Nguyễn Thị Tuyết Mai hạng cân 55kg nữ và Ngô Đức Mạnh hạng cân 70kg nam. Thành tích nêu trên của đội là rất khả quan, đồng thời, mang đến những hy vọng về khả năng tranh chấp Huy chương vàng của đội tuyển Kun Bokator Việt Nam tại SEA Games 32.

Môn Kun Bokator sở hữu luật thi đấu mang đặc trưng riêng không giống bất kỳ môn võ nào từng xuất hiện tại SEA Games. Khi lên sàn đấu, vận động viên Kun Bokator sẽ đeo găng hở ngón tay, đội mũ, mặc giáp, mang bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Mỗi trận đấu sẽ diễn ra trong ba hiệp, mỗi hiệp 3 phút và nghỉ 1 phút giữa các hiệp.

Về phương thức tính điểm, vận động viên được công nhận điểm dựa vào bốn cách tấn công: Đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng gọi là Chorn Tnouk. Có thể thấy ngoài đòn đặc trưng, luật thi đấu Kun Bokator khá giống với luật thi đấu võ thuật cổ truyền Việt Nam được áp dụng từ năm 2022 với những bộ kỹ thuật đấm, đá, chỏ, gối và bốc vật.

Để chuẩn bị cho SEA Games 32, Ban huấn luyện đội tuyển đang tập trung hoàn thiện kỹ năng, đan xen tăng cường tổ chức thi đấu nội bộ, tạo điều kiện cho các vận động viên được thi đấu cọ xát nhiều hơn để rèn bản lĩnh thi đấu cũng như nâng cao trình độ, tính toán điểm rơi phong độ để đạt kết quả tốt nhất khi thi đấu.

Cùng với đó, chuyên gia môn Kun Bokator đến từ Campuchia cũng hướng dẫn các vận động viên tập luyện với những bài tập nâng cao. Đội cũng đang nhận được sự hỗ trợ cao nhất của Tổng cục Thể dục thể thao về chế độ dinh dưỡng và trang thiết bị tập luyện.

Niềm hy vọng lớn nhất của đội là vận động viên kỳ cựu Nguyễn Thị Tuyết Mai. Gương mặt quen thuộc tại các Giải vô địch Võ thuật cổ truyền và Kickboxing quốc gia, với hai tấm Huy chương vàng Đại hội Võ thuật châu Á năm 2009, Huy chương vàng Asian Indoor Games 3.

Cũng trong năm 2009, tại SEA Games 25 trên đất Lào, Tuyết Mai đã trở thành võ sĩ Việt Nam đầu tiên vô địch môn Muay ở hạng cân 51kg. Tại giải đấu tiền SEA Games 32 vừa qua, Tuyết Mai cũng giành Huy chương vàng nội dung 55kg của nữ.

Tuyết Mai cho biết, năm 2018, cô đã tuyên bố giải nghệ và chuyển sang công tác huấn luyện tại Trung tâm đào tạo huấn luyện của Sở Thể dục thể thao tỉnh An Giang. Được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của Ban giám đốc Trung tâm, cô đã quay trở lại thi đấu môn võ cổ truyền tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Sau đó, cô được gọi tập trung vào đội tuyển Kun Bokator tham dự SEA Games 32.

Còn vận động viên Huỳnh Văn Cường (Đà Nẵng) chia sẻ: “So với võ cổ truyền thì môn Kun Bokator phải mang thêm nhiều đồ hơn, luật thi đấu khá giống võ cổ truyền cho nên chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để làm quen và bắt nhịp. Chúng tôi sẽ nỗ lực tập luyện hết sức mình, cố gắng để giành kết quả cao nhất, đem vinh quang về cho Tổ quốc tại SEA Games 32”.

“Đội tuyển Kun Bokator Việt Nam là sự kết hợp của những vận động viên kỳ cựu và lứa vận động viên trẻ. Tất cả đều là những cá nhân giỏi, từng đoạt Huy chương vàng tại các kỳ đại hội trong nước nên ban huấn luyện đặt mục tiêu phấn đấu lọt vào chung kết ở toàn bộ hạng cân tham dự và đoạt từ hai đến ba Huy chương vàng”, huấn luyện viên Lê Công Bút tâm sự.