Đối thoại với dân, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cơ sở

Một trong những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ ra, đó là “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Thành ủy TP Hồ Chí Minh chủ trương tăng cường đối thoại, để giải quyết những nguyện vọng của người dân thấu lý, đạt tình.

Ngày 27-11-2016, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 3. Tại đây, ông Nguyễn Xuân Minh (ngụ phường 7, quận 3) bức xúc phản ánh vụ việc chính quyền quận 3 chậm giải quyết những kiến nghị của ông trong việc mua căn nhà số 116/12A Trần Quốc Toản (quận 3). Sau khi mua nhà, năm 2008, ông Minh được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nhưng trong đó không có phần diện tích sàn cầu thang, ban công. Ông Minh đã khiếu nại, song đến nay các cơ quan vẫn chưa giải quyết thỏa đáng.

Mặc dù đại diện lãnh đạo quận 3 đã trả lời ông Minh, nhưng nhận thấy người dân vẫn chưa đồng thuận, lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức ngay cuộc đối thoại “nóng” giữa người dân và lãnh đạo quận tại hội trường. Kết quả cuộc đối thoại dù mới dừng lại việc rà soát hồ sơ, giao một đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố trực tiếp phụ trách giải quyết, nhưng ông Minh rất phấn khởi khi được Thành ủy cho phép đối thoại và quan tâm tới nguyện vọng của ông.

Câu chuyện nêu trên chỉ là một thí dụ nhỏ trong việc cấp ủy, chính quyền TP Hồ Chí Minh trực tiếp đối thoại với nhân dân. Cũng cuối năm 2016, khi tiếp xúc cử tri tại hai huyện: Hóc Môn và Củ Chi, lãnh đạo thành phố đã phát hiện và xử lý ngay những bức xúc đã tồn tại nhiều năm. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác Đông Thạnh gây ra; hay những nhà máy sản xuất nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm. Sau hơn một tháng đối thoại, những kiến nghị của người dân đã được giải quyết.

Đối thoại với người dân không chỉ là cơ hội để lắng nghe trực tiếp những tâm tư, nguyện vọng của bà con, mà đây còn là cách tốt nhất để giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo; là cách tạo đồng thuận giữa chính quyền cơ sở với nhân dân trong giải quyết các vụ việc phức tạp.

Theo lãnh đạo UBND quận 2, trong những năm gần đây, quận 2 luôn là điểm nóng về khiếu nại đông người. Là một quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho nên trên địa bàn quận phát sinh nhiều khiếu nại về đền bù giải tỏa. Do vậy, quận 2 luôn coi trọng việc đối thoại với công dân.

Ông Nguyễn Văn Kiên, Trưởng ban Tiếp công dân quận 2 cho biết, để công tác tiếp công dân đạt hiệu quả cao thì ngoài sự gương mẫu của lãnh đạo quận, còn có sự chuẩn bị công phu của các phòng, ban và cán bộ phường, có cán bộ cùng dự các buổi lãnh đạo quận tiếp công dân. Nhờ vậy, các nội dung khiếu nại của người dân đều được đưa ra phân tích thấu đáo. Trong buổi tiếp dân, sau khi nghe người dân trình bày nguyện vọng của mình, chính quyền quận, các phòng, ban tham mưu cùng chính quyền cơ sở đưa ra những cơ sở pháp lý, giải thích cho người dân hiểu. Lãnh đạo quận sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trên cơ sở đối chiếu pháp lý và nội dung trình bày của hai bên. Chính nhờ sự phối hợp này mà nhiều vụ việc tưởng chừng không thể giải quyết đã được hóa giải.

Tương tự, Bình Thạnh cũng là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong quá trình xây dựng, các dự án tại một số phường phát sinh nhiều việc về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an sinh xã hội, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Để giải quyết những bức xúc đó, lãnh đạo các cấp đã trực tiếp tiếp xúc, đối thoại để tuyên truyền, vận động quần chúng, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền các cấp. Định kỳ mỗi quý, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ quận xây dựng kế hoạch tổ chức đối thoại với nhân dân và chỉ đạo MTTQ các phường chọn lựa những vấn đề nhân dân phản ánh để tổ chức đối thoại.

Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định, trong công tác chỉ đạo điều hành, lãnh đạo thành phố luôn tăng cường đi cơ sở, lấy sự chuyển động của cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giải quyết bức xúc của người dân… là thước đo năng lực của các tổ chức cơ sở Đảng, của cá nhân đồng chí cấp ủy phụ trách địa bàn. Người đứng đầu tiếp công dân theo đúng quy định, giải quyết thấu đáo các kiến nghị của người dân. Đối với những vụ việc lớn, lãnh đạo thành phố tập trung lắng nghe dân để chỉ đạo điều hành; các vấn đề nổi cộm khác trong các lĩnh vực, địa phương thì thành phố sẽ chỉ đạo người đứng đầu lĩnh vực, địa phương đó chịu trách nhiệm đối thoại với dân để tìm phương án giải quyết.

Triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp ủy, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu, nghiêm túc kiểm điểm nhận rõ những yếu kém trong phong cách làm việc, khắc phục tình trạng quan liêu xa dân. Theo đó, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Xác định rõ việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là chỉ tiêu đánh giá thi đua hằng năm của đơn vị, cơ quan và của cán bộ, công chức, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.