Phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao
Quốc lộ 32 đi qua địa bàn các huyện khu vực phía tây thành phố mới được cải tạo, đưa vào sử dụng một vài năm nay, đã làm đổi thay sâu sắc trên mọi lĩnh vực vùng ngoại thành rộng lớn. Những ngày cuối tháng 8, những nẻo đường ở Ðan Phượng càng rực rỡ hơn với sắc thắm cờ đỏ sao vàng. Ở trung tâm thị trấn Phùng, tượng đài Phụ nữ ba đảm đang kiêu hãnh vươn cao, thể hiện niềm tự hào của người dân Ðan Phượng.
Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng Ðan Phượng luôn coi phát triển nông nghiệp là chiến lược lâu dài. Diện tích đất canh tác của Ðan Phượng không lớn, chỉ khoảng 7.700 ha, phát triển nông nghiệp theo hướng nào để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất không phải là điều đơn giản. Nếu chỉ trông chờ vào cây lúa, sẽ không thể bảo đảm đời sống cho bà con. Giải "bài toán" này, huyện đã chỉ đạo các ngành, các cấp hướng dẫn bà con chuyển diện tích trồng lúa sang trồng các loại cây đặc sản, trong đó cây bưởi Diễn được coi là cây trồng thế mạnh. Cây bưởi Diễn có gốc gác ở địa phương khác, nhưng lại nhanh chóng bén rễ trên đất Ðan Phượng. Xã Thượng Mỗ là địa phương đi đầu trong phát triển cây bưởi. Cách đây hơn chục năm, đã có nhiều hộ gia đình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những khu ruộng cao cấy lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi. Kết quả rất khả quan, cây bưởi đem lại giá trị kinh tế cao gấp năm lần cây lúa. Trên cơ sở này, huyện đã rà soát những chân ruộng có khả năng trồng bưởi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ðến nay, đã có hàng trăm ha bưởi Diễn trồng ở nhiều xã của huyện. Trong đó, "lá cờ đầu" Thượng Mỗ có hơn 100 ha, mỗi ha cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm, có gia đình còn có thu nhập đến gần 300 triệu đồng. Rút kinh nghiệm ở một vài địa phương có hiện tượng cây bưởi không ra hoa, huyện điều chỉnh lại chiến lược phát triển cây bưởi, xây dựng thương hiệu "bưởi tép vàng Ðan Phượng" cho sản phẩm bưởi ở địa phương.
Với lợi thế gần nội thành, giao thông thuận lợi, Ðan Phượng đẩy mạnh triển khai vùng sản xuất nông nghiệp lớn, chất lượng cao, trở thành một vành đai thực phẩm, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân nội đô. Trên địa bàn huyện bắt đầu hình thành những vùng sản xuất tập trung như vùng lúa, rau chất lượng cao ở Ðan Phượng, Song Phượng, Phương Ðình... giá trị thu nhập đạt khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha. Hiện toàn huyện có 67 trang trại, 243 vườn trại, góp phần đưa giá trị canh tác đạt trung bình 80 triệu đồng/ha.
Xây dựng nông thôn mới
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, chính từ mảnh đất Ðan Phượng, phong trào Phụ nữ ba đảm đang đã được khởi nguồn, rồi lan rộng khắp miền bắc. Phong trào là cuộc vận động chính trị toàn diện, một nét son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, từ đó làm nên thành tích vẻ vang của hàng chục triệu phụ nữ miền bắc, góp phần xứng đáng vào chiến công vĩ đại của dân tộc. Phát huy truyền thống đó, trong thời kỳ đổi mới, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Ðan Phượng đã có nhiều nỗ lực, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo thế vững chắc để toàn huyện thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới. Ðồng chí Nguyễn Xuân Cửu, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi quan tâm công tác đào tạo cán bộ và vận động quần chúng. Khi quần chúng hiểu ý nghĩa, mục đích của phong trào, đội ngũ cán bộ tâm huyết, có bản lĩnh thì mọi việc sẽ thuận lợi. Sau khi thành phố có Quy hoạch xây dựng chung, Ðan Phượng đang tích cực triển khai quy hoạch về xây dựng, về sử dụng đất, tiếp tục chú trọng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh xây dựng cơ bản, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, nâng cao đời sống văn hóa, cải tạo môi trường".
Từ đầu năm đến nay, huyện hoàn thành cải tạo, mở rộng nút giao thông từ quốc lộ 32 đi cụm công nghiệp Phùng và nút giao từ quốc lộ 32 đi bệnh viện huyện; hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Hoàng Quốc Việt kéo dài; khởi công xây dựng nhiều dự án trọng điểm như: đường N4 (từ tỉnh lộ 417 đi đê hữu Hồng), đường N6 (từ quốc lộ 32 đi đê Ðáy thôn Thống Nhất, xã Song Phượng), đường N12 (từ cầu Trúng Ðích, xã Hạ Mỗ đi quốc lộ 32)... Từ nay đến hết năm 2015, 100% số đường liên xã, 100% số đường trục thôn, xóm trên địa bàn huyện sẽ được thảm nhựa hoặc đổ bê-tông, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho nhân dân, cải thiện cảnh quan môi trường, thúc đẩy địa phương phát triển kinh tế - xã hội...
Xã Song Phượng là một trong 15 xã của Ðan Phượng được thành phố chọn triển khai thí điểm mô hình xây dựng nông thôn mới. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phần lớn người dân đều hiểu những hiệu quả to lớn từ xây dựng nông thôn mới, đồng thuận triển khai chương trình. Trước đây, các tuyến đường trục chính vào các thôn chỉ rộng khoảng 3 m, khiến các xe ô-tô hầu như không thể vào làng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa. Triển khai xây dựng nông thôn mới, chính quyền đã vận động nhân dân mở đường. Mặc dù giá đất đền bù thấp hơn giá thị trường hàng chục lần, nhưng người dân vui vẻ giao đất. Ðến nay, tất cả các trục đường chính của toàn xã được mở rộng lên thành 6 m, nhiều đoạn rộng tới 9 m. Xã đã hoàn thành cải tạo bốn ao làng, cải thiện môi trường sinh thái cho các làng quê. Xã từng bước triển khai dự án rau an toàn trên diện tích hơn 30 ha. Cho đến nay, Song Phượng đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Thành công bước đầu của Song Phượng là cơ sở để huyện triển khai xây dựng nông thôn mới ở các xã còn lại. Công tác quy hoạch được thực hiện trong năm nay, phấn đấu đến năm 2015 có 7/16 số xã trong huyện đạt tiêu chí nông thôn mới và đến năm 2020, 100% số xã trong huyện hoàn thành. Một diện mạo nông thôn mới, đầy khởi sắc, đang hình thành trên quê hương của phong trào Phụ nữ ba đảm đang.