Đến nay, kết cấu hạ tầng quan trọng điện đường, trường trạm được xây dựng kiên cố, tạo đà cho bước phát triển kinh tế-xã hội các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ đóm lửa hồng chói lọi
Những ngày đầu tháng 10, phố núi thị trấn La Hai rợp cờ hoa, cán bộ và nhân dân huyện Đồng Xuân nói riêng và cả tỉnh Phú Yên hân hoan hướng về di tích lịch sử quốc gia - nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Phú Yên.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Hồ Văn Mười, Bí thư huyện ủy Đồng Xuân cho biết, cách đây 94 năm, chỉ 8 tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 5/10/1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên đã ra đời tại xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (nay thuộc khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân).
Chi bộ có 9 đồng chí, do đồng chí Phan Lưu Thanh làm Bí thư. Đây là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự hình thành và phát triển của phong trào cách mạng tại tỉnh nhà, mở ra trang sử hào hùng của Đảng bộ và Nhân dân Phú Yên trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Ngôi nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh (Bí thư chi bộ đầu tiên) đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, là điểm đến tham quan của du khách gần xa khi đặt chân đến vùng đất Đồng Xuân anh hùng. Hằng năm, cũng vào dịp này Tỉnh ủy Phú Yên long trọng tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trao giải cho các tác giả đạt giải A Giải báo chí về xây dựng Đảng năm 2024. |
Đặc biệt, Lễ dâng hương kỷ niệm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên năm nay vừa diễn ra vào ngày 3/10, Tỉnh ủy Phú Yên cũng tổ chức tổng kết, trao Giải báo chí về xây dựng Đảng năm 2024. Nhà báo Dương Thu Thủy, đang công tác tại báo Phú Yên là người con của La Hai vừa được nhận giải A viết về xây dựng Đảng phấn khởi nói: “Tôi rất tự hào là người con của quê hương cách mạng, mỗi lần về Đồng Xuân tôi rất vui mừng khi quê hương đang đổi thay từng ngày”.
Đến bước đi lên hiện đại, ngời sáng.
Con đường cửa ngõ từ cầu La Hai vào trung tâm huyện Đồng Xuân đã được mở rộng, bê-tông phẳng lỳ, hai hàng cây rợp mát xen lẫn những bồn hoa đủ sắc màu tạo nên nét rất riêng của của phố núi La Hai đầy thơ mộng đã đi vào thơ ca:
"...Đến La Hai nghe thơm mật ngọt
Nước giếng trong hơn trên nguồn xa
Rẫy nương bao la đẹp lòng ta
Hòa tiếng ca ai kia bên cầu
Em qua cầu qua thăm phố núi
Sương tan rồi phố núi nhìn em
Ừ em yêu, yêu nơi này, em ở lại đây..."
Cầu đường sắt bắc-nam và cầu đường bộ dẫn vào thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, Phú Yên đã được nâng cấp an toàn. |
Theo đồng chí Hồ Văn Mười, Bí thư huyện ủy Đồng Xuân, trong điều kiện khó khăn chung của một huyện miền núi, thường xuyên bị thiên tai, đời sống của đồng bào các dân tộc còn khó khăn... Nhưng với truyền thống cách mạng vẻ vang, cán bộ đảng viên và nhân dân toàn huyện đã và đang ra sức vượt khó, thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Cụ thể như: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 17% (Nghị quyết 15-20%/năm). Công nghiệp bước đầu hình thành và phát triển, đã thành lập được cụm công nghiệp Phước Hòa, nhà máy sản xuất gạch Tuynen (Công ty Việt Tân Lợi) đi vào hoạt động có hiệu quả. Hoạt động ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng như: cơ khí, mộc, hàn, sản xuất các công cụ cầm tay, sản xuất vật liệu xây dựng (gạch taplo) hoạt động ổn định; dịch vụ vận tải hàng hóa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nhân dân.
Phú Yên kỷ niệm 94 năm ngày thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên và trao Giải báo chí về xây dựng Đảng năm 2024
Các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục được bảo đảm ổn định. Các mặt hàng hóa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo tinh thần Kế hoạch 91-KH/ĐU, ngày 30/5/2022 của Đảng ủy về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Cùng với phát triển kinh tế, huyện Đồng Xuân không ngừng nâng cao các tiêu chí về đời sống văn hóa của người dân. Đặc biệt các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn, gìn giữ. Người dân các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn như Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Đa Lộc không chỉ được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, mà còn gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Nổi bật là nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào các dân tộc Chăm H'roi, Bahnar ở huyện Đồng Xuân đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào, điểm nhấn thu hút nhiều lượt khách du lịch đến với huyện Đồng Xuân…
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cũng đã có Quyết định công nhận Làng nghề Dệt thổ cẩm của người Ba Na thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh là làng nghề truyền thống của tỉnh.
Dệt thổ cẩm của người dân tộc Ba Na, thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân được công nhận là làng nghề truyền thống. |
“Với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh, trong đó xác định phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Đến nay, 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt theo Nghị quyết đề ra. Kinh tế huyện phát triển ổn định, đời sống Nhân dân được đảm bảo; quốc phòng-an ninh được củng cố, tăng cường,... Tình hình chính trị tư tưởng của cán bộ và Nhân dân ổn định. Công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên được chỉ đạo quyết liệt; chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, tinh thần trách nhiệm từng cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị của toàn huyện được nâng lên rõ rệt, kết quả phát triển đảng viên mới, đã kết nạp được 555 đảng viên, bảo đảm tăng từ 3-4%/năm so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ”, đồng chí Hồ Văn Mười cho biết.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng cho biết, thời gian qua huyện đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, kêu gọi sự đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, diện mạo Đồng Xuân hôm nay đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận.
Đến nay, toàn huyện Đồng Xuân có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới và Xuân Sơn Nam là xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thời gian này, huyện đang tập trung mọi nguồn lực để đưa xã Xuân Phước về đích nông thôn mới nâng cao, trở thành xã thứ 2 của huyện Đồng Xuân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Nhàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xã Xuân Phước cho biết, xã có 5 thôn Phú Xuân A, Phú Xuân B, Phước Hòa, Phú Hội và thôn Suối Mây. Toàn xã có 2.424 hộ, 7.343 khẩu; trong đó, có 119 hộ, 415 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Suối Mây. Cách đây 10 năm, xã còn nghèo, đời sống của đại bộ phận người dân còn khó khăn, số hộ nghèo, cận nghèo còn cao.
Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới Đảng bộ và nhân dân xã đã cùng đồng sức, đồng lòng xây dựng đạt các mục tiêu như mong đợi. Quá trình thực hiện, nhiều công trình dự án phúc lợi công cộng được triển khai xây dựng với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng như: sửa chữa nâng cấp chợ Xuân Phước, nâng cấp, bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường nối từ trung tâm xã về các thôn xóm; kiên cố hóa hệ thống kênh mương; Công nghiệp bước đầu hình thành và phát triển, đã thành lập được cụm công nghiệp Phước Hòa, nhà máy sản xuất gạch Tuynen đi vào hoạt động có hiệu quả.
Đến cuối 2023 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,82% (44 hộ). Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 52,8 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Theo ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân, trong xây dựng nông thôn mới, việc phát huy lợi thế để triển khai các mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập cho người dân được các địa phương triển khai có hiệu quả. Cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi người dân đã xác định được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để đầu tư phát triển mang lại thu nhập khá, bình quân thu nhập đầu người năm sau cao hơn năm trước, kinh tế địa phương ngày phát triển.
Ngôi trường mang tên đồng chí Bí thư chi bộ, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Phú Yên - Trường trung học cơ sở Phan Lưu Thanh, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đạt chuẩn quốc gia từ 2015. |
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật từng bước được hoàn thiện đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cảnh quan môi trường được quan tâm đúng mức, góp phần làm khởi sắc bộ mặt nông thôn. Hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh được ổn định và giữ vững; niềm tin và sự hài lòng của người dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng được củng cố.
Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang trên quê hương hạt giống đỏ, Bí thư huyện ủy Đồng Xuân Hồ Văn Mười cho biết: "Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra, Đảng bộ huyện đã tiếp tục tập trung lãnh đạo, rà soát, đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được; đồng thời phân tích, làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các chỉ tiêu chưa đạt, từ đó xác định các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XII đã đề ra…"