Nhờ tinh thần đoàn kết và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, thôn 11 có cuộc sống thuận hòa, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển kinh tế. Hiện nay, người dân mong muốn có đường giao thông đến xã, đầu tư thêm hạ tầng để phát triển kinh tế-xã hội.
Để đến thôn 11, chúng tôi được một người dân xã Đa Kai chở bằng xe máy từ thôn 9, đi theo con đường bê-tông rộng khoảng 3m đến địa phận thôn 10. Con đường này nằm ven núi, khá ngoằn ngoèo. Men theo con đường, chúng tôi đến địa phận của xã Phú Sơn (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) để dẫn ra Quốc lộ 20 và tiếp tục đến thị trấn Mađagui (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng).
Từ Quốc lộ 20, chúng tôi rẽ vào một đường nhánh vào thôn 12 của thị trấn Mađagui, đi khoảng hơn 1 km thì đến cổng chào của thôn 11 thuộc tỉnh Bình Thuận, đây cũng là con đường duy nhất để các phương tiện giao thông từ các thôn khác trong xã Đa Kai đi đến thôn 11, ngoài con đường này thì chỉ còn đường băng qua rừng.
Là người từ địa phương khác đến đây lập nghiệp từ hơn 30 năm trước, Trưởng thôn Mai Thành Lâm (68 tuổi) nhớ lại: “Năm 1992, thôn rất ít người dân sinh sống, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân từ các tỉnh khác đến lập nghiệp chủ yếu sản xuất nông nghiệp như trồng cây điều, cây lúa, thu hoạch lâm sản phụ. Thời điểm đó, đường vào thôn chỉ là lối mòn. Sau này, người dân chuyển đổi sang trồng cà-phê, mít, chôm chôm. Khi người dân chuyển sang trồng sầu riêng, kinh tế mới khấm khá hơn”…
Ông Mai Thành Lâm cho hay, thuở đó, khu vực này chưa có tên thôn mà chủ yếu gọi là khu xóm do người dân tự quản lý. Nhờ có phương tiện đi lại, năm 2010, ông qua làm việc với Ủy ban nhân dân xã Đa Kai xin thành lập tổ tự quản, đội dân phòng để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Thế là một ban điều hành được lập ra để kết nối với người dân.
Cùng với đó, đầu đường vào thôn là trạm của Ban quản lý rừng. Nhờ nhân viên kiểm lâm, ban điều hành mà người dân được hỗ trợ tư vấn pháp luật, hỗ trợ giấy tờ, thủ tục; thậm chí còn hỗ trợ để trẻ em trong thôn được đi học bên tỉnh Lâm Đồng hoặc tỉnh Đồng Nai. Để cung cấp thực phẩm cho gia đình, người dân ở đây chủ yếu là vào rừng hái rau, lâm sản phụ. Còn nếu muốn đi chợ phải ra xã Phú Sơn cách xa khoảng 4-5 km. Do đường đi khó khăn, người dân từ thôn ra chợ phải mất từ 4-5 giờ, cho nên mỗi lần đi chợ là mua thực phẩm dùng cho cả tuần.
Nhiều người dân cũng mang những thực phẩm từ rừng ra chợ để đổi lấy gạo. Ông Mai Thành Lâm kể, chỉ cần cơn mưa là đường sạt lở, rất trơn trượt. Thấy vậy, ông đã ủng hộ một phần tiền để làm đường sỏi và kêu gọi người dân đóng góp thêm.
Bà Nguyễn Thị Cúc (quê ở Quảng Nam) kể, trước đây khu vực này chỉ toàn là rừng. Mặc dù nằm sát các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, nhưng khu vực này thiếu thốn đủ thứ. Năm 2017, khi thôn được thành lập, các hộ dân có điện sinh hoạt; đến năm 2019, có internet. Từ đó, người dân xem được tin tức thời sự trong và ngoài nước, cũng như tin tức pháp luật, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thôn 11 có diện tích khoảng 430 ha, diện tích trồng sầu riêng, cây ăn trái là 380 ha, diện tích trồng cây điều là 45 ha, cây cao su là 5 ha. Sau khi thành lập, thôn có trường mầm non hiện dạy 15 bé đủ mọi lứa tuổi. Hiện tại, thôn có chính thức hơn 50 hộ, ngoài ra có hơn 100 người tạm trú chủ yếu là lao động chăm sóc vườn sầu riêng. Từ một thôn khó khăn nhưng vài năm gần đây, nhờ trồng cây sầu riêng cho nên kinh tế ổn định hơn nhiều.
Theo Ủy ban nhân dân xã Đa Kai, qua khảo sát, nếu làm đường từ thôn 10 qua thôn 11 thì con đường đi ven bìa rừng rất thuận tiện, nhưng phải xin ý kiến từ Nhà nước do có liên quan đến đất rừng cho nên phương án này rất khó thực hiện. Còn nếu làm đường qua rẫy của dân thì đồi dốc quá cao. Nhớ lại, thời điểm xảy ra dịch Covid-19, người dân trong thôn khó khăn đủ thứ, khi các tỉnh phong tỏa thì người dân không thể đi ra ngoài, việc mua nhu yếu phẩm gặp khó khăn. Huyện cũng gặp khó khăn khi cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân của thôn.
Ông Hà Văn Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đa Kai cho biết: Sau khi thành lập thôn, người dân hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với đề án xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng và thực hiện quy hoạch trên địa bàn như vận động hiến đất, hiến cây để mở rộng đường giao thông trong khu vực dân cư. Nhờ công tác tuyên truyền thời gian dài theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” cho nên người dân trong thôn có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.