Đổi thay ở vùng đất trũng Cà Ninh

Gần đây, nhiều hộ dân ở xóm Cà Ninh, thôn Phú Long 3, xã Bình Phước, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bắt tay vào làm du lịch cộng đồng bằng việc khơi dòng, tạo luống rừng dừa nước trở thành điểm trải nghiệm xanh mướt.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng dừa Cà Ninh thu hút du khách.
Rừng dừa Cà Ninh thu hút du khách.

Cà Ninh, một địa điểm mà thời gian trước đây, người dân sinh sống chủ yếu với các nghề như đi câu mực, làm nông. Tuy nhiên, nguồn thu nhập của bà con qua các năm không được ổn định do điều kiện tự nhiên phức tạp gây khó khăn cho nghề nông.

Dọc con đường đi ngang qua rừng dừa nước hiện nay, xe cộ nườm nượp nối đuôi nhau. Quay về những năm 2009, mưa lũ tràn về dâng cao gây ngập úng gần 2m. Xóm Cà Ninh những tháng cuối năm, việc đi lại của người dân chỉ dựa vào từng chiếc ghe nhỏ bơi quanh xóm, nhà này qua nhà khác phải đi bằng ghe... Cà Ninh nay đã đổi thay.

Khoảng 11 giờ trưa, vẻ đẹp cánh rừng dừa nước càng lấp lánh nhờ ánh mặt trời chiếu chéo mặt nước, hắt lên sắc xanh của tán lá. Thời điểm này, lối đi xuống bến thuyền chật ních người. Những hộ dân làm du lịch trong xóm đã quen với sự tấp nập của các đoàn khách. Cùng nhau kinh doanh du lịch, trong thời điểm lượng khách dồn về nhiều, các chủ hộ có ghe, thuyền chia khách ra từng nhóm nhỏ để cùng phục vụ bơi vòng quanh rừng dừa.

Ông Nguyễn Ba, 72 tuổi cùng tham gia phục vụ du khách bằng năm chiếc thuyền đạp vịt trị giá hơn 100 triệu đồng gia đình ông đầu tư từ dịp lễ 30/4/2022, khi Cà Ninh bắt đầu có du khách đến tham quan. "Khách du lịch tới đây thích trải nghiệm đạp vịt thì có ngay đội thuyền của nhà tôi. Ăn uống gì thì mọi người tùy ý chọn lựa các hàng quán trên bờ. Du khách đi thuyền nhà mình không nhất thiết phải ghé quán ăn của mình, anh em trong xóm đã quy ước trước như vậy rồi", ông Ba cho hay.

Giữa khu vực rừng dừa, hàng chục chiếc thuyền chia ra nhiều hướng. Theo quy định chung, mỗi chuyến chỉ được đưa ba khách có trang bị áo phao đầy đủ để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đội ngũ chèo thuyền không ai khác chính là những người vốn chỉ quen với cây lúa, nghề nông cả đời thì nay họ đã tiếp xúc với mái chèo, tập trở thành một hướng dẫn viên của quê hương. Sự vui nhộn, hứng khởi trong cả xóm là tâm lý chung của người dân ở Cà Ninh hiện nay.

"Mình làm du lịch cộng đồng ở quê thì giá cả phải dân dã, có món đặc sản chi là đem ra giới thiệu cho khách trải nghiệm, thưởng thức, ông Nguyễn Ba hứng khởi nói.

Cà Ninh thuộc vùng hạ lưu sông Trà Khúc và bước đầu có tên trong bản đồ du lịch vùng huyện Bình Sơn. Hấp dẫn, mang nét chân quê, nhiệt tình là cảm nhận của chị Đoàn Thu Hậu, du khách từ Quảng Nam khi đến rừng dừa Cà Ninh.

Mặt ửng đỏ sau một vòng đi thuyền khám phá rừng dừa, chị Hậu hứng khởi nói: "Mình đi chơi ở rừng dừa Bảy Mẫu rồi, nay được biết thêm rừng dừa Cà Ninh của Quảng Ngãi. Vô tới đây, đi qua những con lạch chen giữa hai hàng dừa rất thú vị. Lá dừa có chỗ ngang tầm vai mình, cúi xuống mới qua được. Trời nắng mà các bác chèo thuyền vẫn đi hết một vòng quanh rừng, đủ thời gian đã thông báo trước khi mình xuống thuyền". Nói rồi, chị Hậu xin số điện thoại bác chèo thuyền và mấy hộ kinh doanh ăn uống để dịp sau gọi đặt lịch trước khi quay lại.

Trải nghiệm đi thuyền, ngắm cảnh sinh hoạt, đánh bắt thủy sản quanh rừng dừa Cà Ninh của bà con càng hiểu được vì sao khu vực này thu hút được du khách. Mặt nước tĩnh lặng, thoáng chốc vài đàn cá xé mặt nước băng qua cùng với tán lá dừa đung đưa theo gió.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Phước cho biết, một năm qua, tình hình du lịch ở Cà Ninh đã có sự thay đổi rõ rệt. Bà con rất hứng thú với câu chuyện du lịch cộng đồng: "Hiện tại, tuần nào cũng có du khách đến đây tham quan, những dịp cuối tuần rất đông. Đây là tín hiệu đáng mừng cho địa phương. Tuy nhiên để phát triển bền vững được rừng dừa Cà Ninh, những luồng lạch tự nhiên cần được thông lối, mở rộng. Vừa qua, địa phương cũng đã khảo sát lại những tuyến cần mở rộng thêm để tăng thời gian tham quan cho du khách. Việc này cần sự đồng thuận từ người dân".

Theo ông Sơn, hiện nay, vấn đề kết nối từ rừng dừa Cà Ninh với các điểm tham quan, du lịch cộng đồng lân cận trong huyện cần được đẩy mạnh. Ngoài ra, việc cam kết gìn giữ nguồn lợi thủy sản, hệ thống rừng dừa nước được lâu dài cần có sự hợp tác từ chính những hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng.

Với khu vực đang triển khai chèo thuyền ở rừng dừa Cà Ninh rộng gần 20ha, một vòng chèo thuyền hoặc đạp vịt mất khoảng 30 phút, chi phí du khách bỏ ra chỉ ở mức 100 nghìn đồng, không phân biệt ngày lễ hay ngày thường. Xóm Cà Ninh có rừng dừa nước độc đáo, các sản vật địa phương như dộp dộp nướng, tôm đất nướng, ốc dừa hấp đã và đang trở thành nguồn tạo sinh kế bền vững cho người dân. Theo những hộ chèo thuyền, khi vòng quanh khu rừng dừa, du khách thường tò mò với trái dừa nước bé tí, nằm sát mặt nước. Để khách thưởng thức ngay hương vị dừa tươi, người chèo thuyền chọn lựa rồi dùng rựa chẻ liền vài trái bởi có những trái dừa quá già, du khách chưa có kinh nghiệm khó phân biệt được.