Gặp chúng tôi, đồng chí Võ Thanh An, Bí thư Huyện ủy Ba Tơ trân trọng giới thiệu: Trước năm 1945, Pháp chọn Ba Tơ - vùng rừng thiêng nước độc để lập căng an trí Ba Tơ giam lỏng các tù chính trị, nhưng chúng không hề biết những người tù đã bí mật chuẩn bị một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp thì đêm 10-3-1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã họp bất thường, chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ngày 11-3-1945, đồng bào Kinh cùng các dân tộc anh em, với giáo mác, phối hợp tù chính trị đánh chiếm nha kiểm lý, đồn Ba Tơ, chòi canh Suối Loa. Trong sáng 12-3-1945, cờ cách mạng tung bay ở huyện Ba Tơ. Chính quyền cách mạng được thành lập và đội du kích cứu quốc Ba Tơ ra đời có 28 đồng chí với 24 khẩu súng do các đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn trực tiếp chỉ huy. Đây là đội quân tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu V, một bộ phận quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Đội du kích Ba Tơ chính là hạt nhân của phong trào cách mạng Quảng Ngãi trong thời gian này. Những chiến sĩ của đội du kích ngày ấy nhiều người đã trưởng thành và trở thành tướng lĩnh trong quân đội như: Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Trần Quý Hai, Võ Thứ...
Trở lại huyện miền núi Ba Tơ anh hùng, chúng tôi nghe đồng bào kể lại những câu chuyện về Trung tướng Phạm Kiệt. Nhiều già làng còn nhớ như in: Sáng 11-3-1945, nhân dân tập trung mít-tinh rất đông. Cả núi rừng như thức giấc bởi tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng tù và vang khắp núi rừng báo hiệu ngày vui. Ông Phạm Kiệt và các lãnh đạo đội du kích Ba Tơ tuyên bố: “Du kích Ba Tơ đã đánh đuổi quân thù, chính quyền từ nay thuộc về nhân dân”. Ghi nhớ công lao của người lãnh đạo du kích Ba Tơ, ở Quảng Ngãi hiện có ba ngôi trường ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh và Sơn Hà mang tên Phạm Kiệt. Ngôi nhà lưu niệm của Trung tướng Phạm Kiệt trưng bày hàng trăm tấm ảnh và hiện vật, giờ đã trở thành nơi tham quan của người dân, qua đó hiện lên những khoảnh khắc bình dị trong đời vị tướng chỉ huy tài tình có tấm lòng nhân hậu.
Trở lại cái nôi của đội du kích Ba Tơ trong cơn mưa chiều muộn giữa tháng 8 này, chúng tôi được biết thêm về chiến khu Cao Muôn, nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, đoàn kết Kinh - Thượng. Rồi bãi Hang Én, chiến khu Nước Sung, di tích chiến thắng Đá Bàn, Giá Vụt và nhà lưu niệm đồng chí Trần Quý Hai và Trần Toại. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Huỳnh Thương phấn khởi cho hay: Ngoài giữ gìn và trân trọng những di tích lịch sử - một trong những điểm son tô thắm lịch sử dân tộc, Đảng bộ và nhân dân trong huyện luôn quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Huyện đã và đang hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào sản xuất lúa nước, đầu tư trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng keo. Đây là những mô hình sản xuất có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống người dân và giảm nhanh hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Huyện miền núi Ba Tơ đang đổi thay nhiều mặt. Giờ đây, từ trung tâm huyện lỵ, theo các con đường bê-tông, thảm nhựa về các xã của huyện là hình ảnh bạt ngàn mầu xanh của mía, keo lai... Những cánh đồng nằm dưới các sườn đồi lúa chín vàng rực báo hiệu một vụ mùa bội thu. Trải dài cùng những cung đường là những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Hrê được xây mới khang trang nhưng vẫn lưu giữ nét đẹp truyền thống. Trước đây, rừng che bộ đội để làm nên những chiến thắng thì hôm nay, những cánh rừng này lại nuôi sống đồng bào các dân tộc ở Ba Tơ.
Trung tâm huyện lỵ Ba Tơ - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ trước đây, nay là một đô thị sầm uất. Ở cửa ngõ phía đông vào thị trấn Ba Tơ, đường giao thông được mở rộng. Phía tây nam, cầu sông Liên đã nối nhịp đôi bờ vững chãi. Khu vực quảng trường, nghĩa trang liệt sĩ được tu sửa, nâng cấp. Nhiều tuyến đường nội thị được mở rộng, hai bên bờ suối Tài Năng được kè kiên cố, tạo điểm nhấn cho thị trấn vùng cao. Những đêm thu trên vùng cao tiết trời lành lạnh, đi dạo quanh một vòng thị trấn Ba Tơ, chúng tôi cảm nhận sự yên bình cuộc sống nơi đây. Thị trấn vùng cao nơi đội du kích Ba Tơ ra đời ngày ấy đang ngày càng giàu và đẹp hơn.