Đổi thay ở vùng cao An Lão

Nhắc đến An Lão (tỉnh Bình Định), chắc hẳn nhiều người sẽ hình dung đến một huyện nghèo, kinh tế kém phát triển. Tuy nhiên, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, vùng đất này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Một số hạng mục công trình trên địa bàn huyện An Lão đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Một số hạng mục công trình trên địa bàn huyện An Lão đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

An Lão là huyện miền núi có diện tích tự nhiên 69.202 ha, dân số khoảng 31.000 người gồm ba dân tộc chính: Kinh, Hrê và Ba Na. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn với 57 thôn, trong đó 40 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thôn bản khởi sắc

Trước đây, đời sống người dân trong huyện còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào canh nông. Tuy nhiên, trong những năm qua, nơi đây đã có sự đổi thay tích cực khi hạ tầng điện, đường, trường, trạm đã được đầu tư đầy đủ, những căn nhà mới xây khang trang, bề thế bên cạnh căn nhà sàn truyền thống được chủ nhà lưu giữ.

Anh Phạm Minh Tâm, Phó Trường phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão cho biết, huyện có 3.334 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Hrê với 12.196 nhân khẩu. Nhờ Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân trong những năm gần đây được nâng cao rõ rệt.

"Thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão hiện đạt 24 triệu đồng/người/năm. Không chỉ đời sống vật chất được cải thiện, đời sống tinh thần của bà con cũng có những đổi thay tích cực", anh Tâm nói.

Về thôn 8, xã An Trung, chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã cho hay, bà con ở đây chăn nuôi, trồng rừng rất giỏi. Họ thực hiện nhiều mô hình kinh tế như nuôi heo đen, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi bò lai, nuôi ong lấy mật, trồng rừng kinh tế… để mong thoát nghèo.

Những mô hình này đã và đang được triển khai nhân rộng ngày càng nhiều, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Từ hiệu quả kinh tế mà các mô hình mang lại, nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa khang trang, làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn mới ở địa phương. Quan trọng hơn, đó chính là đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi các tập quán canh tác lạc hậu, giúp đời sống của người dân ngày càng khá hơn.

Những năm gần đây, ngoài tích cực giảm nghèo về vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, chính quyền địa phương còn tập trung đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, xã hội để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con; từng bước hình thành mô hình câu lạc bộ phát huy văn hóa của hai dân tộc Ba Na và Hrê.

Đến nay đã có 40 thôn, bản của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đang được hỗ trợ, triển khai mô hình này, về lâu dài, mô hình sẽ đóng góp tích cực vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn.

Quyết tâm thoát nghèo

Năm 2022, huyện An Lão được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt danh mục hỗ trợ đầu tư 20 công trình phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội với tổng kinh phí gần 62 tỷ đồng và duy tu bảo dưỡng hai công trình với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Trong quá trình triển khai tiểu dự án cải thiện dinh dưỡng, Sở Y tế Bình Định cũng đặt trọng tâm vào đối tượng trẻ em, phụ nữ mang thai và cho con bú sinh sống trên địa bàn huyện An Lão. Trong năm 2023, huyện An Lão được đầu tư xây dựng hai chiếc cầu kết nối khu vực vùng với tổng kinh phí 98 tỷ đồng để bà con thuận tiện đi lại, kết nối giao thương.

Những năm tới, huyện An Lão sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã bố trí cụ thể từng danh mục và thực hiện các hoạt động duy tu bảo dưỡng theo quy định… nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững mà tỉnh đã đặt ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, địa phương đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo như: Giúp hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; hỗ trợ bảo hiểm y tế; miễn giảm học phí, học bổng, chi phí sinh hoạt và học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; giúp xây dựng, cải tạo nhà ở… Đáng chú ý, huyện ưu tiên cấp đất sản xuất cho gần 1.700 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề với mức hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, An Lão tiếp tục triển khai các mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững, như các dự án phát triển đàn bò lai, trâu, heo đen, gà đồi; nghiên cứu đề xuất với tỉnh có cơ chế đặc thù để phát triển gần 1.000 ha trồng dược liệu dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

"Hiện nay, ngoài vấn đề vật chất, đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão cũng còn thiếu thốn về tinh thần. Thí dụ như ở vùng sâu, vùng xa, nhiều thôn, bản còn thiếu hoặc chưa được xây dựng hoàn thiện các công trình phúc lợi công cộng như công viên, sân chơi cho các cháu thiếu nhi; nhiều hộ chưa có điện thoại thông minh gây cản trở cho công tác chuyển đổi số trên địa bàn. Do đó, trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để cố gắng xóa dần khoảng cách với các địa phương khác", đồng chí Đỗ Tùng Lâm chia sẻ.