Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Bà mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Rành có tám người con trai và hai người cháu đã hy sinh vì Tổ quốc. Tính chung toàn xã Phước Hiệp có 571 liệt sĩ, 1.471 gia đình có công với cách mạng và 98 bà mẹ được tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.
Sau khi Má Tám Rành đi xa, từ tháng 4-2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm tại ấp Trại Ðèn, xã Phước Hiệp. Chào mừng Ðại hội đại biểu Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10, nhiệm kỳ 2016-2021, mới đây, Hội LHPN thành phố phối hợp UBND huyện Củ Chi đã khánh thành giai đoạn 2 công trình mở rộng Nhà tưởng niệm Bà mẹ VNAH, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Rành. Ðây là công trình có ý nghĩa to lớn, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những cống hiến, hy sinh của Má Tám Rành và gia đình. Ðây cũng là một địa chỉ lịch sử, văn hóa góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng.
Cũng như nhiều xã, ấp khác ở Củ Chi, những ngày đầu sau giải phóng, đất đai, ruộng vườn gần như bị hoang hóa, đầy những hố bom, không sản xuất được. Trường lớp không đủ, học trò của xã phải học ba ca mỗi ngày. Số hộ nghèo chiếm đến 40% tổng số hộ dân toàn xã. Ðồng chí Nguyễn Văn Nhường (Hai Nhường), nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp những năm 90 (thế kỷ 20) nhớ lại: Nhiệm vụ hàng đầu của xã lúc ấy là phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Khi nguồn điện lưới quốc gia đã phủ kín địa bàn; nguồn nước kênh Ðông đưa về tưới mát và ngọt hóa hàng nghìn ha đất nông nghiệp ở xã cùng với hàng loạt chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, tiến bộ khoa học kỹ thuật… đã tiếp thêm động lực để nông dân Phước Hiệp bám ruộng sản xuất, thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, giải quyết công ăn việc làm, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá.
Từ chỗ chỉ sản xuất lúa và đậu phộng (lạc) là chủ yếu, đến nay, Phước Hiệp đã phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng, bò sữa. Toàn xã Phước Hiệp hiện có đàn bò sữa gần 1.250 con, trong đó, hơn 540 con đang cho sữa; diện tích trồng hoa lan 14 ha; trồng bưởi da xanh 100 ha và đàn heo duy trì ở mức 6.000 con.
Ðể bảo đảm đầu ra cho nông sản, Phước Hiệp đã thành lập ba tổ hợp tác trồng các loại cây như bắp, lúa, ớt và một câu lạc bộ nông dân tham gia bảo vệ môi trường. Trên địa bàn xã đã xuất hiện những mô hình làm ăn hiệu quả như trồng bưởi da xanh tại ấp Trung Viết; nuôi cá trê bột lai tại ấp Trại Ðèn và mô hình nuôi cá lóc thương phẩm, chế biến thành khô xuất khẩu. Nổi bật là HTX Tương Lai đang sử dụng 13,5 ha mặt nước nuôi các loại cá kiểng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và sản xuất cá giống.
Bình quân mỗi ha đất nông nghiệp ở Phước Hiệp mang về thu nhập cho bà con nông dân hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhờ vậy, số hộ nghèo theo tiêu chí mới ở Phước Hiệp giảm dần, hộ khá giàu ngày càng tăng; hầu hết nhà ở của nhân dân ở địa phương đã được xây dựng kiên cố...
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con Phước Hiệp đã tích cực lao động, hiến đất, phá bỏ vật kiến trúc trị giá hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới. Các tuyến đường giao thông trọng yếu của xã đã được nhựa hóa, tạo điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng kéo theo nhiều dịch vụ khác cũng phát triển…
Từ nguồn ngân sách và sự giúp đỡ của các đơn vị, xã Phước Hiệp đã xây mới 39 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa
22 căn nhà tình nghĩa bị xuống cấp. Hiện tại, hầu hết gia đình chính sách ở xã đã có nơi ở, nơi thờ tự liệt sĩ khang trang và có cuộc sống ngang bằng với mức sống cộng đồng dân cư.
Trạm Y tế của xã mang tên Má Tám Rành với đầy đủ trang thiết bị y tế và đội ngũ y, bác sĩ tăng cường về trạm đã làm tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà con nhân dân. Ðến nay, 70% số hộ dân ở xã tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Toàn xã hiện có một trường trung học cơ sở, một trường tiểu học và một trường mầm non cùng các phân hiệu, bảo đảm đủ chỗ học cho hầu hết số trẻ trong độ tuổi ra lớp ở các bậc học…
Phước Hiệp có được diện mạo nông thôn mới như hôm nay, ngoài sự lao động cật lực của bà con, còn có sự chia sẻ, động viên rất lớn của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài huyện Củ Chi. Toàn xã đang tiếp tục nỗ lực xây dựng quê hương trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống người dân trong xã.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà còn thơm mùi nước sơn với đầy đủ tiện nghi, lão nông Nguyễn Văn Lần (Ba Lần), 75 tuổi, ngụ ấp Mũi Côn Tiểu tâm sự: "Nhà tôi có ngày hôm nay là nhờ con bò sữa hết đó…".
Gia đình nhiều nông dân khác ở Phước Hiệp giờ đã có cuộc sống khấm khá, con cái được học hành tử tế. Ðó là cách thiết thực nhất mà người dân Phước Hiệp thể hiện sự tri ân đối với Má Tám Rành và các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của quê hương, đất nước…