Ðổi thay ở Làng đại học Thủ Ðức

NDO - Lâu nay, Làng đại học Thủ Ðức (phường Linh Trung, quận Thủ Ðức, TP Hồ Chí Minh) là nơi có nhiều mảng tối về tệ nạn xã hội; cảnh nhếch nhác trong đời sống sinh hoạt của sinh viên (SV). Nhưng nay, Làng đại học đang đổi thay với một diện mạo tích cực hơn.
Khu B2 khu nhà ở sinh viên Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa khánh thành đưa vào sử dụng.
Khu B2 khu nhà ở sinh viên Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh vừa khánh thành đưa vào sử dụng.

Về Làng đại học Thủ Ðức những ngày này nghe SV nói nhiều về khu B, khu nhà ở sinh viên Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ÐHQG TP Hồ Chí Minh) có quy mô lớn nhất cả nước vừa khánh thành đưa vào sử dụng bốn tòa nhà đầu tiên. Phần lớn SV ở đây đều có chung mong ước: Công trình sẽ mang đến một diện mạo mới, với nhiều đổi thay tích cực ở Làng đại học cũng như cho đời sống sinh hoạt của SV. Trương Bảo Ngọc, SV Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, phấn khởi: "Chúng em rất mừng vì giờ đây không chỉ được ở trong điều kiện khang trang mà còn yên tâm, không phải lo đến cảnh phập phù về chỗ ở đeo đẳng bấy lâu nay".

Khác với khu A được xây dựng do kinh phí của các địa phương dành cho con em trong tỉnh trọ học. Khu B khu nhà ở sinh viên ÐHQG TP Hồ Chí Minh là công trình được đầu tư từ nguồn trái phiếu của Chính phủ xây dựng trên diện tích gần 40 ha thuộc địa phận phường Linh Trung (quận Thủ Ðức) và xã Ðông Hòa (huyện Dĩ An, Bình Dương), gồm 19 tòa nhà từ 12 đến 16 tầng. Khi hoàn thiện tổng thể, khu B sẽ cung cấp khoảng 40 nghìn chỗ ở.

Khai giảng năm học 2012-2013, khu B đã khánh thành đưa vào sử dụng bốn tòa nhà, đáp ứng 5.500 chỗ ở cho SV. Ðây là những tòa nhà được thiết kế khá hiện đại và nhiều trang thiết bị như: cầu thang máy, hệ thống báo cháy, phòng học, tủ cá nhân, hệ thống nước sạch, thư viện điện tử, in-tơ-nét... Mỗi phòng rộng khoảng 30 m2 dành cho sáu đến tám SV sinh hoạt, với mức phí 120.000 đồng/SV/tháng. Cùng với đó là những dịch vụ tiện ích khép kín trong khu nhà như: căng-tin tiếp khách, nhà ăn, rạp chiếu phim, nhà sách, bưu điện, bệnh viện, xe buýt...

Số tòa nhà còn lại của khu B, dự tính tiếp tục hoàn thiện vào năm 2013; và cùng với khu A sẽ giải quyết được cơ bản nhu cầu chỗ ở của SV ÐHQG TP  Hồ Chí Minh và một số trường lân cận trong khu vực.

Giám đốc Trung tâm Quản lý khu nhà ở sinh viên ÐHQG TP Hồ Chí Minh Trần Thanh An cho biết: Khu B khu nhà ở sinh viên sẽ là công trình làm thay đổi Làng đại học, đưa khu vực này trở thành khu đô thị đại học hiện đại, bề thế. Nên ngay từ bây giờ, trung tâm đang áp dụng nhiều hình thức quản lý tiên tiến nhằm mang lại một môi trường sinh hoạt, học tập ổn định và thuận lợi cho SV.

Nhiều năm qua, Làng đại học Thủ Ðức được coi là vùng trũng của các tệ nạn xã hội và gắn với nhiều tên gọi phản cảm như: "làng loạn", "làng đỏ đen", "làng chơi"... Theo anh Thanh, cán bộ Trung tâm Quản lý khu nhà ở sinh viên ÐHQG TP  Hồ Chí Minh thì một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thiếu thốn, khó khăn về chỗ ở, buộc SV phải thuê nhà ngoại trú trong điều kiện nhếch nhác, lộn xộn...; và trở thành môi trường thuận lợi cho các tệ nạn bùng phát. Ðiều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sinh hoạt của SV ở đây.

Bởi vậy, khi khu B khu nhà ở sinh viên ÐHQG TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, giải quyết được số lượng và chất lượng chỗ ở cho SV, góp phần đẩy lùi các tệ nạn; tạo ra nếp sống mới ở Làng đại học.

Nam, SV Trường ÐH Thể dục - Thể thao, tâm sự: "Trước đây em thuê nhà ở ngoài, nay chuyển vào trọ trong khu B khu nhà ở sinh viên. Thú thực, mới lần đầu vào ở đây thấy hơi gò bó, khó chịu vì không được tiếp bạn trong phòng; ra, vào khu nhà thì bị quản lý bằng thẻ từ; 23 giờ khu nhà  đã đóng cửa... nhưng bây giờ em đã thấy quen và tập trung vào việc học hành được nhiều hơn".

Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh những SV dần thích nghi và phát huy được hiệu quả học tập trong môi trường tập thể thì hiện nay đang còn hàng nghìn SV khác vẫn đang thuê nhà trọ ở khu vực Làng đại học. Những SV này chưa muốn vào khu nhà ở sinh viên phần vì không muốn thay đổi thói quen sinh hoạt; phần vì ngần ngại khu nhà ở sinh viên mới nằm khu vực xa trung tâm thành phố, xa trường học, đi lại khó khăn. Ông Trần Thanh An khẳng định: Trung tâm sẽ sớm đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của xe buýt ở khu B. Còn đối với các nội quy, hình thức quản lý đưa ra, đều nhằm đến mục đích, khu nhà ở sinh viên không chỉ là chỗ ở mà còn là nơi rèn luyện của SV.