Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân các khu công nghiệp

Những "khoảng trống" văn hóa, tinh thần của người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX, KCN) đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1780/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020". Từ chủ trương đến thực tế, cần sự trả lời thỏa đáng.

Công nhân Công ty CP đầu tư và phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (Sóc Trăng) thi đấu kéo co tại ngày hội công nhân.
Công nhân Công ty CP đầu tư và phát triển Đô thị Dầu khí Cửu Long (Sóc Trăng) thi đấu kéo co tại ngày hội công nhân.

Thiếu thốn về vật chất, văn hóa nghèo nàn "Chị ơi, bọn em ít học, chả biết thiết chế văn hóa là gì. Bọn em chỉ ước có tiền mua ti-vi để xem, hay đài cát-xét nghe nhạc lúc rảnh rỗi. Nhưng có rồi mà suốt ngày làm tăng ca, thì ti-vi, đài cũng không cần thiết nữa.

Giá mà thi thoảng, bọn em được nghỉ, đi xem ca nhạc, tham gia thi đấu, cổ vũ thể thao thì vui quá. Nhưng chắc là phải chờ công đoàn kiến nghị cho".

Cô công nhân Nguyễn Thị Thu, làm việc tại Công ty may Embosa (Hàn Quốc) nói trong căn phòng trọ chật hẹp ở khu 6, phường Cẩm Thượng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Chúng tôi dạo quanh một vòng khu trọ có hơn chục phòng cho thuê.

Duy nhất phòng trọ của đôi vợ chồng "cựu" công nhân lập gia đình đã bảy năm là có chiếc ti-vi Sony đời cũ. Vài nữ công nhân đi làm về sớm, sau bữa cơm tối túm năm, tụm ba ở khoảng sân nhỏ nói chuyện phiếm. Còn lại, phần lớn nhốt mình trong bốn bức tường phòng trọ cùng những chiếc điện thoại di động. Người nhắn tin, gọi điện, người chơi game. Chúng tôi tuyệt nhiên không tìm thấy tờ tạp chí, báo hay cuốn sách nào ở nơi này.

Theo một khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, có gần 90% số công nhân sống trong những khu nhà trọ dân lập, thiếu cả những trang, thiết bị sinh hoạt đơn giản nhất. Phần lớn công nhân tại các KCN, KCX đang sống trong môi trường ba không: không ti-vi, không sách báo, không in-tơ-nét... Bên cạnh đó, áp lực của công việc và làm thêm giờ, nhiều công nhân cả tháng trời không biết đến ti-vi, sách, báo. Điều đó có nghĩa, người lao động (NLĐ) không chỉ lo "đói" trong khẩu phần ăn hằng ngày để có đủ sức làm việc, mà còn "đói" cả về văn hóa. Thú vui đơn giản của những nữ công nhân sau giờ làm việc nặng nhọc, vất vả thường là ra chợ đêm, chợ cóc mua sắm quần áo, vật dụng sinh hoạt rẻ tiền. Nam công nhân tụ tập từng nhóm chơi bài, đánh cờ. "Ngày đầu nhận lương, rủ nhau đi nhậu, quán cà-phê, hát ka-ra-ô-kê. Tuy nhiên, thú vui ấy cũng hiếm hoi vì với mức lương vài triệu mỗi tháng, bọn em cũng chỉ cầm cự đến giữa tháng là phải ra quán ăn cơm chịu rồi" - Nguyễn Văn Hưng, 19 tuổi, công nhân Công ty PouYen Việt Nam (KCN Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh), trọ tại phường Bình Tân cho biết.

Có xuống những khu nhà trọ ngột ngạt, tồi tàn chung quanh các KCN, KCX từ nam ra bắc, mới có thể cảm nhận sự "lệ thuộc" của không ít nam, nữ công nhân vào những hình thức giải trí rẻ tiền. Đây là môi trường dễ đẩy họ vào sự sa ngã của lối sống không lành mạnh hay các tệ nạn như: cờ bạc, bia ôm, cà-phê đèn mờ - mại dâm trá hình. Tình trạng phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội, trộm cắp, mua bán dâm luôn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nữ công nhân làm mẹ đơn thân hay phải nạo phá thai - hệ quả của việc "sống thử" trong các khu nhà trọ, ngày càng nhiều. Tất cả những hệ lụy ấy nếu không có biện pháp giải quyết kịp thời, lâu ngày sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội.

Vì sao công nhân bị "đói" văn hóa?

Nhằm rút ngắn và xóa dần những khoảng trống văn hóa của NLĐ, các địa phương tập trung nhiều KCN lớn đã chú trọng nhiều hơn đến đời sống tinh thần cho công nhân. Các doanh nghiệp (DN) từng bước xây dựng cơ sở sinh hoạt văn hóa, CLB công nhân, nhà văn hóa công nhân ở các khu lưu trú trong KCN. Ban quản lý, công đoàn các KCN, KCX có xu hướng "gom" NLĐ vào các nhà lưu trú, nhà ở tập thể nhằm quan tâm, chăm lo đến đời sống tinh thần cho NLĐ bằng nhiều hình thức hỗ trợ như cung cấp báo chí, ti-vi. Một số nhà lưu trú còn kết nối cả in-tơ-nét. Tuy nhiên, số lượng các KCN có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân chưa nhiều. Theo kết quả khảo sát của LĐLĐ các địa phương, gần 90% số công nhân ở các KCN khi được hỏi cho rằng, các hoạt động văn hóa - thể thao thường diễn ra tại địa bàn cư trú, không phải NLĐ nào cũng có điều kiện tham gia. Do vậy, cho dù địa phương thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thì NLĐ cũng chỉ tham gia với tư cách là "khách mời", một năm đôi, ba lần vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Những năm gần đây, việc chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần cho công nhân tại các KCN, KCX luôn được công đoàn quan tâm. Tuy nhiên, với nhiều khó khăn khách quan, cùng điều kiện cơ sở vật chất phục vụ văn hóa còn yếu và thiếu, thật khó để đáp ứng tốt nhất nhu cầu giải trí - văn hóa sau giờ làm của công nhân. Phần lớn cán bộ công đoàn đều cho rằng, các thiết chế văn hóa phục vụ NLĐ, nhất là tại các KCN, KCX còn nửa vời, chưa tới nơi, tới chốn. Chủ tịch Công đoàn các KCN, KCX Hà Nội Đinh Quốc Toản cho biết, trong tám KCN, KCX tại Hà Nội chưa có nhà văn hóa, mới chỉ có ba điểm sinh hoạt văn hóa. Những điểm văn hóa ít ỏi này nếu có đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí cho gần 140 nghìn CNLĐ thì cũng như muối bỏ biển. Chưa kể, hình thức sinh hoạt chưa phong phú, thiếu hấp dẫn. Số lượng sách, báo, tạp chí phù hợp độ tuổi thanh niên còn hạn chế về số lượng. Một số KCN tại TP Hồ Chí Minh, nơi tập trung 15 KCN, KCX với hơn 275 nghìn công nhân, có tới 70% lao động nhập cư đã quan tâm, xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao. Có thể kể tới KCN, KCX Tân Thuận, Linh Trung, Tân Tạo và Vĩnh Lộc. Điển hình như Trung tâm Văn hóa - Thể thao công nhân viên - KCX Tân Thuận được xây dựng với kết cấu hiện đại: hầm để xe, phòng học tiếng Anh, máy vi tính, hồ bơi, phòng chơi bóng bàn, với mục tiêu biến nơi này thành địa chỉ văn hóa, địa điểm học tập, vui chơi, giải trí cho nhân viên, công nhân. Thế nhưng, số công nhân đến vui chơi, học tập quá ít. Hỏi ra, là do giá các dịch vụ còn cao, chưa phù hợp với thu nhập của công nhân.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Láng, địa bàn tỉnh có hơn 300 DN có vốn đầu tư nước ngoài nhưng mới chỉ có ba DN có điểm sinh hoạt văn hóa. Đồng chí Nguyễn Thị Láng thẳng thắn cho biết: "Đừng đổ lỗi cho đội ngũ cán bộ công đoàn yếu kém, hay kinh phí eo hẹp. Với kinh nghiệm của cán bộ công đoàn lâu năm, theo tôi, chỉ khoảng 10 triệu đồng cộng với sự năng nổ, nhiệt tình, lăn xả của cán bộ công đoàn, cũng có thể tổ chức một sân chơi cho NLĐ như cổ vũ bóng đá, bóng chuyền, hay văn hóa - văn nghệ "cây nhà, lá vườn". Vấn đề vướng mắc ở đây là thiếu địa điểm và thời gian tổ chức. DN thường chỉ quan tâm tới lợi nhuận, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ít muốn dành thời gian cho các hoạt động ngoài sản xuất". Chính vì vậy, công đoàn dù có muốn tạo điều kiện cho NLĐ được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao cũng phải chờ "thời cơ" như những ngày lễ, Tết, Ngày Quốc tế lao động, gần đây là Tháng Công nhân, để "đàm phán", đề xuất với chủ DN. Đó là chưa kể các KCN đang rất thiếu các địa điểm sinh hoạt văn hóa, không thể hô hào NLĐ đi quá xa để tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa. Bởi vậy, các hoạt động văn hóa - thể thao do DN, hay công đoàn đứng ra tổ chức thường mang tính "mùa vụ".

Nhiều cuộc còn đơn điệu, trùng lặp, không tạo được sự mới mẻ nên không hút được NLĐ. Bên cạnh đó, bản thân NLĐ cũng đang tự triệt tiêu nhu cầu hưởng thụ văn hóa, ít quan tâm các thông tin thường nhật của đời sống xã hội. Nhiều nam, nữ công nhân xa nhà, ở nhà trọ, thiếu sự quản lý của gia đình, đoàn thể, dễ dàng học đòi, buông thả, bị sa ngã, góp phần làm gia tăng các tệ nạn xã hội...

Cần những giải pháp thiết thực Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1780/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN đến năm 2015, định hướng đến năm 2020", mục tiêu phấn đấu năm 2015 có 70% số công nhân và người sử dụng lao động ở các KCN được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa.

Đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân các khu công nghiệp ảnh 1

Công nhân đọc báo, tạp chí trong tủ sách do Đoàn Thanh niên xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thành lập tại khu trọ Hồng Lĩnh.

100% tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có KCN hoàn thành phê duyệt quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân... Đến năm 2020, hơn 70% số công nhân ở các KCN được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 80% số "DN đạt chuẩn văn hóa" theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án Đầu tư xây dựng công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội cho công nhân, NLĐ làm việc tại các KCN tập trung. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, việc đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội đáp ứng khoảng 20% số công nhân lao động tại các KCN có nhu cầu và 50% số công nhân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Bộ Xây dựng cũng đề xuất lựa chọn 14 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm đầu tư các công trình văn hóa, cơ sở phúc lợi xã hội ở KCN, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh và Phú Thọ.

Chủ trương đã rõ, tuy nhiên, tính đến nay, đã gần hai năm kể từ khi Đề án được phê duyệt, dường như việc triển khai mới chỉ ở bước khởi động.

Trong khi đó, các KCN, KCX vẫn tiếp tục mọc lên, thu hút ngày càng nhiều lực lượng lao động trẻ. Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất thì việc củng cố, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cho NLĐ, góp phần mở mang dân trí, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, phát triển nhân cách cho đội ngũ công nhân trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước cũng hết sức quan trọng cần được các cấp, ngành, chính quyền và công đoàn quan tâm quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Để dần lấp đầy những khoảng trống văn hóa, các ngành chức năng, địa phương, các ban quản lý KCN cần cụ thể hóa các chủ trương, đề án, xúc tiến xây dựng các thiết chế văn hóa, cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa của công nhân.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu và yếu của hệ thống các thiết chế văn hóa hiện nay, ngoài việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống trường học, bệnh viện, trạm y tế, thư viện, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, thể thao dành cho công nhân cần tạo cơ chế thuận lợi, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế, xã hội cùng tham gia trong việc tạo sân chơi, nơi giải trí lành mạnh cho công nhân.

Các ban quản lý KCN, KCX cần sớm đưa vào lộ trình phát triển các vấn đề quy hoạch, nhằm có một chỉnh thể văn hóa hoàn chỉnh, cũng như tính pháp lý để yêu cầu DN cùng chung tay xây dựng một chỉnh thể văn hóa đa dạng, giàu tính tương tác, thu hút công nhân.