Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương. Hội nghị được truyền tới điểm cầu các địa phương trên cả nước.
Hội nghị nhằm đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp nhằm phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, khai thác tối đa trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương phấn đấu là tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, cùng với các hội ngành thành viên giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết rộng rãi và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội ngành thành viên và hội viên hoạt động trong các hội; là nhân tố quan trọng đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển đất nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Những năm qua, VUSTA đẩy mạnh triển khai hoạt động tôn vinh trí thức, khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam, phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ khi các tỉnh/thành phố trên cả nước được chủ động tổ chức và chung tay xây dựng Sách vàng sáng tạo hằng năm. Theo đó, đã có 7.677 công trình, giải pháp kỹ thuật với 1.490 công trình đạt giải; tham gia triển lãm sáng tạo khoa học và công nghệ ở các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... để giới thiệu, thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ, theo đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam được giải khu vực và quốc tế.
Nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Giai đoạn 2015-2020, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội, góp ý khách quan và kịp thời nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, dự án đầu tư trọng điểm tác động đến phát triển kinh tế-xã hội. Truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ: VUSTA đã hỗ trợ hơn 100 lượt hội thành viên thực hiện hoạt động phổ biến kiến thức. 5 năm qua, đã tổ chức hơn 40.000 hội thảo, tọa đàm, lớp tập huấn, phổ biến kiến thức cho hơn 13 triệu lượt người. Nhà xuất bản Tri thức xuất bản/tái bản mỗi năm khoảng 150 đầu sách tương đương với 450.000 bản. Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện thành công 38 nhiệm vụ cấp quốc gia, 300 cấp bộ/tỉnh và 2.000 cấp cơ sở trên cơ sở xã hội hóa một cách mạnh mẽ theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Tại hội nghị, Viện Công nghệ GFS - Thành viên của VUSTA trình bày đề tài về “Sản xuất cấu kiện tiền chế trong lĩnh vực xây dựng”. Đây là đề tài mang tính thời sự và khoa học, đang là nhu cầu bức thiết về bảo vệ môi trường và nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân lao động trong cả nước.
Hiện nay, Viện Công nghệ GFS thuộc Tập đoàn GFS đã sở hữu hơn 40 phát minh sáng chế và liên tục tích hợp các thành tựu khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Với tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng nói chung và công nghệ tiền chế nói riêng, có thể tiết giảm giá thành từ 10-20% chi phí xây dựng. Đây là một đề tài lớn, được Tập đoàn GFS triển khai trên cơ sở hợp tác chặt chẽ, hài hòa với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là phù hợp sức mua, sức thuê của người lao động.
Viện Công nghệ GFS đã và đang hợp tác với VUSTA và các Hội, Viện thành viên của VUSTA; Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Hội Kết cấu và Công nghệ Xây dựng Việt Nam; Hội Kiến trúc sư Việt Nam, các trường đại học trong và ngoài nước, các tổ chức, doanh nghiệp khoa học công nghệ… đồng thời cập nhật thường xuyên với các tổ chức khoa học kỹ thuật xây dựng quốc tế để đưa sản phẩm có sức cạnh tranh cao, khắc phục các hạn chế còn tồn tại, đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Theo TS Lê Xuân Thảo, Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Phó Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, dưới sự chỉ đạo của VUSTA, Quỹ VIFOTEC, các Liên hiệp hội địa phương, các bộ, ngành đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, 17 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuận toàn quốc, 17 lần Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Các nhà khoa học, nhà sáng tạo đã ứng dụng thành công, hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng...
Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến to lớn của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, của nhiều thế hệ các nhà khoa học nước nhà, của VUSTA; khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến sự phát triển khoa học và công nghệ và đội ngũ trí thức trong tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt của đời sống xã hội, yêu cầu phải có hành động để quản lý sự thay đổi. Chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động gắn với bối cảnh thế giới hiện nay, gắn với phát triển khoa học và đội ngũ trí thức.
Thủ tướng yêu cầu, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi, với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp Hội và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt chính trị, động viên các hội viên triển khai hiệu quả 7 nội dung hoạt động được xác định trong Điều lệ theo Quyết định 1795/QĐ-TTg ngày 21/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Lấy nhiều thí dụ về các vấn đề khoa học đặt ra từ thực tiễn phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, xuất phát từ thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép. Thủ tướng cho rằng, việc triển khai nhiệm vụ này phải dựa trên căn cứ khoa học, nhưng việc chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch tới cấp cơ sở, tới người dân phải rất giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Thủ tướng gợi mở một số đề tài, nội dung lớn mà các nhà khoa học, các trí thức cần tập trung nghiên cứu thời gian tới, như tiếp tục tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam, việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vấn đề chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số...; các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, già hóa dân số…; các vấn đề cấp bách, bất ngờ như Covid-19 (nghiên cứu vaccine, thuốc điều trị, phát triển công nghiệp dược)…
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đi cùng với cơ chế, chính sách và sự đầu tư để khuyến khích, tạo môi trường cho các nhà khoa học cống hiến…; tăng cường hợp tác công - tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới, sáng tạo…; các địa phương cũng phải quan tâm hơn nữa tới phát triển khoa học và công nghệ, cầu thị lắng nghe các ý kiến phản biện của các nhà khoa học, kể cả ý kiến trái chiều.