Phóng viên (PV): Đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục là một trong những chủ đề được thảo luận tại Đại hội XIII của Đảng về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Xin đồng chí chia sẻ sự quan tâm về vấn đề Đại hội đặt ra?
Đồng chí Lê Đức Thọ: Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã đánh giá khái quát những thành tựu đồng thời chỉ rõ những hạn chế trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Báo cáo chính trị đã khẳng định rõ vai trò của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sự tiếp tục khẳng định như trên cũng đặt ra yêu cầu và trách nhiệm của các DNNN trong việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn mới.
Tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung nêu tại Dự thảo Báo cáo chính trị về chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế với một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại DNNN, tập trung vào lĩnh vực then chốt; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.
Trong những năm qua, quá trình cơ cấu lại DNNN đã được đẩy mạnh; các DNNN có nhiều đổi mới, cơ bản thực hiện rõ vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế nhiều thành phần; góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy vậy, nhiều DNNN thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị chưa có kết quả rõ nét; hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp... Những điểm nghẽn này đã cản trở sức phát triển, khiến các DNNN chưa phát huy được hết tiềm năng.
PV: Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức, với vai trò là lãnh đạo DNNN lớn, và kinh nghiệm thực tiễn của ngân hàng thương mại chủ lực, hàng đầu trong hệ thống ngân hàng, theo đồng chí, giải pháp nào để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN?
Đồng chí Lê Đức Thọ: Có thể nói VietinBank là một điển hình về thực hiện thành công các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ trong việc cải cách, đổi mới, cổ phần hóa DNNN trong quá trình mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế của Việt Nam. VietinBank đã thành công cổ phần hóa và có cổ đông chiến lược nước ngoài BTMU (hiện nay là MUFG), giúp VietinBank cải thiện năng lực tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh. VietinBank đã thực hiện thành công Phương án Cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, với việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động theo hướng nâng cao tiêu chuẩn hoạt động, chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, phương thức kinh doanh, kết quả kinh doanh tiếp tục cải thiện rất lớn về hiệu quả, cơ cấu thu nhập chuyển dịch theo hướng bền vững, khẳng định vị thế là ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực, trụ cột của hệ thống kinh tế, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức, theo tôi, một số các giải pháp có thể hỗ trợ cho các DNNN tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động như sau:
Tái cấu trúc toàn diện hoạt động theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh gắn với hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực tài chính, nâng cao tiêu chuẩn hoạt động. Thu hút các cổ đông chiến lược, giúp DNNN tăng vốn và nâng cao năng lực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế.
Xác định rõ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt cho DNNN nâng cao năng suất lao động và thực hiện có kết quả tái cấu trúc và nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra sự phát triển bền vững. Các DNNN cần chú trọng đầu tư cho công nghệ một cách bài bản về hạ tầng công nghệ, giải pháp phát triển công nghệ hiện đại song song với các biện pháp bảo đảm an toàn bảo mật thông tin.
Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đây là yếu tố quyết định trong triển khai hoạt động đổi mới, tái cấu trúc cũng như thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các DNNN cần quan tâm đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực quản trị và đội ngũ cán bộ chủ chốt gắn với đẩy mạnh triển khai văn hóa doanh nghiệp.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Tiểu Phương
(Thực hiện)