Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương với nhiều đối tác trên toàn cầu, bao trùm nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và tiếp nối là RCEP. Đây là các FTA đã đưa nền kinh tế Việt Nam lên vị thế mới trên bản đồ thương mại quốc tế, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp khi được tăng cường hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh Đức Anh)
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng. (Ảnh Đức Anh)

Tuy nhiên, muốn được hưởng “trái ngọt” cùng những lợi ích, cam kết trong các FTA, đòi hỏi cần có một cộng đồng doanh nhân thế hệ mới với sự đổi mới trong tư duy, cách làm nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu thực tiễn đề ra.

Tận dụng tốt hơn cơ hội xuất khẩu

Theo báo cáo mới đây của Bộ Công thương, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt gần 372 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2021; có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD. Để có được kết quả trên nhờ sự đóng góp tích cực của 15 FTA đang có hiệu lực, là “liều thuốc” tiếp sức cho kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch.

Nhờ đó, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA đều đạt mức tăng trưởng hơn 20%/năm, thậm chí một số thị trường hơn 30%/năm, con số này cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung. Thí dụ, xuất khẩu sang thị trường EU năm 2022 đạt 47,5 tỷ USD, tăng hơn 20% so năm 2021 (xuất siêu ước đạt 31,8 tỷ USD, tăng 36,8% so năm 2021); xuất khẩu sang Anh năm 2022 cũng tăng 45% so năm 2021, mức xuất siêu hơn 5 tỷ USD.

Thế nhưng, theo một khảo sát năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại cho thấy, điểm đáng lo ngại khi “không biết về các lợi ích của FTA” luôn nằm trong tốp đầu các lý do khiến doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ FTA (chỉ đứng sau lý do “chưa có giao dịch với đối tác FTA”). Trong số các doanh nghiệp từng ít nhất được hưởng ưu đãi thuế quan theo các cam kết của FTA với 1 lô hàng, có tới hơn 34% doanh nghiệp cho biết là nhờ “may mắn” nên hàng hóa, quy trình sản xuất của họ đã đáp ứng các quy tắc xuất xứ FTA mà không phải do chủ động chuyển đổi.

Bên cạnh đó, còn nhiều “điểm nghẽn” trong tư duy, suy nghĩ về hội nhập kinh tế quốc tế đang khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó tiếp cận cơ hội tiềm năng mà FTA mang lại khi có tới 46,8% doanh nghiệp được hỏi đều lo ngại nhất về các biến động và bất ổn của thị trường, 46,4% cho biết còn hạn chế trong năng lực cạnh tranh, 40,1% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết.

TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, tỷ lệ tận dụng những ưu đãi thuế quan từ các FTA đang có xu hướng giảm, từ mức kỷ lục 39,7% năm 2017 xuống 32,7% năm 2021 và diễn tiến không ổn định với từng FTA. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam dường như chưa có chiến lược ổn định cho việc tận dụng các ưu đãi. Các lợi thế từ FTA, đặc biệt là các ưu đãi thuế quan sẽ tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới và đây là yếu tố tạo ra lợi thế cạnh tranh để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục giữ và mở rộng thị phần.

Vì vậy, Chính phủ cần sớm nghiên cứu xây dựng chiến lược mới về hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng pháp luật và thể chế hóa kịp thời các chủ trương mới của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế. Các cơ quan chuyên môn và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phải tăng cường theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới và khu vực; chủ động đánh giá tác động đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới.

Đổi mới tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế ảnh 1

Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh PHƯƠNG LÊ)

Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải nhận thức sâu sắc việc gia tăng hàm lượng giá trị sản xuất nội địa, có thêm nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan, từ đó mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa.

Nâng cao nhận thức phòng vệ thương mại

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Với việc trở thành điểm sáng về xuất khẩu, Việt Nam cũng có nguy cơ trở thành đối tượng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều với tính chất phức tạp gia tăng.

Tính đến hết tháng 11/2022, đã có 225 vụ việc liên quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như: gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép,… bị điều tra phòng vệ thương mại, ngay cả các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như mật ong, gạch men, giấy bọc thuốc lá,... cũng bị nhiều nước trên thế giới “để ý”.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa nhìn nhận, tuy số vụ việc liên quan phòng vệ thương mại ngày càng nhiều, nhất là đối với ngành thép Việt Nam, song không ít doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm và chỉ khi xảy ra những vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá với sản phẩm của mình thì mới tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Các doanh nghiệp phần lớn rất lúng túng, thiếu chủ động trong quá trình chuẩn bị tham gia các vụ kiện. Vấn đề khó khăn đang nằm ở nhận thức của doanh nghiệp, chỉ đến khi bị kiện, doanh nghiệp mới quan tâm trực tiếp. Đó còn chưa kể nguồn lực về tài chính, mức độ hiểu biết pháp luật để theo đuổi quy trình điều tra vụ việc của doanh nghiệp rất hạn chế,...

Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý có phương án đào tạo chủ doanh nghiệp xuất khẩu trau dồi kiến thức về xuất xứ hàng hóa và quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa tại các FTA; tiếp tục chú trọng phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng trong thương mại quốc tế, từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường thế giới.

Trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi doanh nhân thế hệ mới phải có tri thức toàn cầu, hiểu biết tập quán địa phương và nước sở tại, nỗ lực cải thiện năng lực quản trị, cạnh tranh và chất lượng hàng hóa, sản phẩm.