Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang

Huyện Châu Thành (Tiền Giang) hiện có tất cả 22 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thị trấn Tân Hiệp đạt chuẩn đô thị văn minh; thu nhập bình quân gần 67 triệu đồng/người/năm, tăng gấp nhiều lần so lúc bắt đầu xây dựng huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,10%.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ và người dân xã Nhị Bình, huyện Châu Thành trao đổi công tác tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ và người dân xã Nhị Bình, huyện Châu Thành trao đổi công tác tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Qua ghi nhận thực tế ở huyện cho thấy yếu tố quan trọng để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, trong đó chú trọng việc nêu cao trách nhiệm và nêu gương.

Cố diện tích tự nhiên hơn 23.250ha, huyện Châu Thành chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp, với các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gồm lúa, cây ăn trái và rau, màu. Làm thế nào để phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương trong xây dựng nông thôn mới là trăn trở của các đồng chí lãnh đạo các cấp và là vấn đề được bàn sâu trong nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Huyện ủy.

Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải nhằm phát huy được vai trò chủ thể, tính chủ động, tích cực của người dân, tạo nền tảng động lực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, trong đó trọng tâm là đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị trong việc huy động nguồn lực, sức sáng tạo trong dân.

Đồng chí Lê Văn Phú, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, Huyện ủy phân công rõ ràng trách nhiệm, địa bàn phụ trách cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành trong việc cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu các đơn vị về trách nhiệm kiểm tra, giám sát, cũng như tăng cường hoạt động đối thoại ở cơ sở, tích cực, chủ động đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.

Đến xã Nhị Bình, chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của người dân trước những kết quả xây dựng nông thôn mới. Rõ hơn cả là từ năm 2022, ngay sau khi được tỉnh tái công nhận xã nông thôn mới, cả xã chung sức, đồng lòng trong từng phần việc hướng đến đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới hay nông thôn mới nâng cao, điều quan trọng và trước hết là phải gắn với nâng cao thu nhập của người dân.

Bí thư Đảng ủy xã Nhị Bình Phan Văn Thái

Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Thái chia sẻ: Xây dựng nông thôn mới hay nông thôn mới nâng cao, điều quan trọng và trước hết là phải gắn với nâng cao thu nhập của người dân. Nhị Bình là xã thuần nông, chuyển đổi cách làm ăn, phát triển kinh tế vườn có giá trị kinh tế cao vẫn là việc khó, bởi tập quán sản xuất cũ vốn thấm sâu trong nhận thức của người dân, điều kiện hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế và khâu liên kết trong sản xuất vẫn còn là khái niệm mà nhiều người chưa biết vận dụng.

Để khắc phục những vấn đề này, Đảng ủy xã Nhị Bình chỉ đạo các chi bộ khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao, phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên phụ trách khu dân cư, nhóm gia đình, tổ liên gia, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban công tác Mặt trận làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong toàn ấp. Tại ấp Nam, với tinh thần đảng viên nêu gương đi đầu, Bí thư chi bộ và cấp ủy đã vào cuộc tích cực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư, nhờ đó ấp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra.

Thí dụ, về phát triển giao thông, các tuyến đường Lê Văn Bê, Cao Văn Kỳ,... dài từ 400 đến hơn 750m, mở rộng gần 4m đều có sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.

Nhiều đảng viên của chi bộ như các đồng chí Lê Văn Ẩn, Đỗ Văn Ba, Nguyễn Thị Ngọc Mai đã vận động gia đình hiến hàng trăm mét vuông đất, chặt bỏ nhiều cây dừa, đồng thời còn tham gia hỗ trợ người dân lùi hàng rào, cổng ngõ để đường mới rộng và đẹp hơn. Năm 2023, Chi bộ ấp Nam được chọn làm điểm xây dựng mô hình “Chi bộ bốn tốt”.

Ở Nhị Bình bây giờ, cùng với phát triển kinh tế vườn, kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ dân còn đa dạng hóa các loại hình kinh doanh dịch vụ.

Bác Nguyễn Văn Nị ở ấp Tây cho biết, được nhiều đảng viên của ấp động viên, hướng dẫn, mời tham gia các lớp tập huấn, bác mạnh dạn chuyển đổi và mua thêm 4 công đất vườn để tiếp tục trồng nhãn, dừa xiêm xanh. Sau vài vụ thu hoạch, gia đình tích lũy được kinh nghiệm và vốn để phát triển kinh tế vườn, còn mở thêm cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng. Cùng làm với gia đình bác Nị hiện có 18 lao động, với thu nhập 8 triệu đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Ghi nhận thực tiễn tại xã Nhị Bình và nhiều xã khác cho thấy, việc nâng cao đời sống của người dân luôn được huyện Châu Thành xác định là mục tiêu quan trọng. Huyện đã và đang phát huy khá hiệu quả tiềm năng và lợi thế của địa phương, kết hợp phát triển kinh tế nông nghiệp với phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ...

Huyện đang xây dựng vùng nguyên liệu tập trung các sản phẩm chủ lực, tạo thuận lợi để xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản trên địa bàn. Trong đó, từng bước hình thành chuỗi giá trị trên cây rau, màu ở các xã Nhị Bình, Tam Hiệp, Tân Lý Đông... (đầu mối là các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp); chú trọng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển cây ăn trái chủ lực như sapô, sầu riêng, bưởi da xanh...

Toàn huyện hiện có 26 HTX đang hoạt động hiệu quả. Điển hình có HTX Nông nghiệp cá cảnh Miền Tây ở ấp Long Thới, xã Long An. HTX này có hơn 100 thành viên liên kết sản xuất, mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng triệu con cá cảnh các loại, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 70 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,4%.

Theo Chủ tịch UBND xã Long An Huỳnh Thị Hồng Cúc, kinh tế phát triển, nhân dân các ấp phấn khởi tự nguyện hiến đất, ngày công lao động, góp tiền với tổng trị giá nhiều tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó, các tuyến đường liên xã, ấp, xóm được cứng hóa, sáng-xanh- sạch-đẹp. Bên cạnh kinh tế hợp tác, ở huyện Châu Thành còn có 22 Tổ khuyến nông thường xuyên hỗ trợ, tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng. Đến nay, huyện có 19 sản phẩm OCOP 4 sao, 20 sản phẩm OCOP 3 sao. Toàn huyện hiện có 525 công ty hoạt động, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Từ những nỗ lực và kết quả trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, đồng chí Nguyễn Văn Phú, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành chia sẻ kinh nghiệm: Điều quan trọng là chính quyền các cấp luôn tích cực định hướng, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách.

Cùng với đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Huyện ủy coi trọng đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát,... trên cơ sở phân công, phân nhiệm rõ ràng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý dành nhiều thời gian xuống cơ sở nắm bắt tình hình, đôn đốc, hướng dẫn địa phương thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân và doanh nghiệp.