Thông tin kinh tế

Đổi mới quyết liệt công tác quản lý thu tại Cục Thuế Vĩnh Phúc

Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong công tác quản lý thu, tích cực hỗ trợ người nộp thuế. Những đổi mới trong hoạt động quản lý thuế được nhiều tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh đánh giá cao.
0:00 / 0:00
0:00
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc nhận bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong thu thuế năm 2021.
Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc nhận bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong thu thuế năm 2021.

Kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.300 tỷ đồng, bằng 73,4% so dự toán và bằng 100,7% so cùng kỳ. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt 15.426 tỷ đồng, bằng 66,6% dự toán và bằng 107,6% so cùng kỳ.

Cải cách thủ tục hành chính thuế

Kết quả thu NSNN cho thấy, kinh tế-xã hội của Vĩnh Phúc đang phục hồi sau đại dịch và đạt nhiều kết quả tích cực; tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sáng sủa hơn.

Để bảo đảm thu NSNN, ngành thuế Vĩnh Phúc tập trung phân tích, đánh giá các yếu tố tác động đến số thu năm 2022 theo từng khoản thu, sắc thuế, trên từng địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp hợp lý trong công tác quản lý thu.

Cục Thuế tỉnh giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu năm 2022 và giao chỉ tiêu nhiệm vụ thu NSNN hằng quý cho các đơn vị trực thuộc. Các Chi cục Thuế phân bổ nhiệm vụ thu đến từng cán bộ, từng địa bàn cụ thể.

Ngành thuế cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp, giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế với hình thức đa dạng, bao gồm hỗ trợ trực tuyến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.

Đầu năm 2022 đến nay, Cục Thuế tỉnh giải đáp hơn 160 vướng mắc về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế; giải đáp trực tiếp hơn 11.600 lượt người nộp thuế tại Bộ phận một cửa, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị tập huấn về các chính sách thuế mới như sử dụng hóa đơn điện tử.

Thực hiện phương châm “Lấy doanh nghiệp, người nộp thuế làm trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách”, ngành thuế Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu quản lý thuế, đặc biệt là các giao dịch điện tử.

Dịch vụ thuế điện tử (eTax) là minh chứng rõ ràng nhất trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến người dân và doanh nghiệp. Mọi câu hỏi, vướng mắc của người nộp thuế sẽ được chuyển tới 479 kênh thông tin hỗ trợ để giải đáp kịp thời. Người dân có thể tra cứu tiền thuế cần nộp, trong đó có thuế thu nhập cá nhân trên ứng dụng eTax Mobile.

Đến tháng 7/2022, tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ và cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn tại Vĩnh Phúc đã chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên đôn đốc ngành thuế công khai, minh bạch thủ tục hành chính thuế, cắt giảm, đơn giản hóa các loại thủ tục. Những năm gần đây, ngành thuế Vĩnh Phúc luôn đứng trong tốp đầu khối sở, ban, ngành và địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI).

Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh, chủ đầu tư điểm thông quan tại thành phố Phúc Yên nhận xét, gần đây cơ quan thuế tại Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhiều hơn, nhất là từ khi áp dụng dịch vụ thuế điện tử.

Cải cách thủ tục hành chính không chỉ làm cho ngành thuế tốt hơn mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới hoạt động. Doanh nghiệp mong muốn được ngành thuế Vĩnh Phúc thường xuyên phổ biến, cập nhật thông tin sớm hơn cho doanh nghiệp, nhất là những thay đổi về chính sách, quy định, mức thuế.

Ông Bình khẳng định, công ty luôn tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, đổi mới hoạt động để cung cấp dịch vụ logistics chất lượng cao cho khách hàng.

Đổi mới quyết liệt công tác quản lý thu tại Cục Thuế Vĩnh Phúc ảnh 1

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên tư vấn về pháp luật thuế cho người nộp thuế.

Cưỡng chế nợ không có vùng cấm

Để công tác quản lý nợ đạt hiệu quả, Cục Thuế tỉnh triển khai nhiều biện pháp phù hợp với từng đối tượng nộp thuế. Bên cạnh các biện pháp thông thường như gọi điện thoại, gửi thông báo nợ hằng tháng, đăng công khai danh sách người nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đối chiếu điều chỉnh các khoản tiền thuế và tiền chậm nộp tránh tình trạng nợ ảo; rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế. Trong 7 tháng đầu năm, ngành thuế đã ban hành 945 lượt Quyết định cưỡng chế với số tiền hơn 870 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc tập trung thanh tra, kiểm tra những ngành nghề có rủi ro cao về thuế, các đơn vị hoàn thuế lớn, lỗ liên tục, đơn vị có dấu hiệu chuyển giá, chuyển nhượng vốn, gian lận trong thương mại điện tử, hoạt động trong các ngành nghề rủi ro cao như dăm gỗ, khoáng sản...

Năm 2021, toàn ngành hoàn thành 700 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 108% so kế hoạch Tổng cục Thuế giao. Kết quả tổng truy thu, xử lý vi phạm đạt được sau thanh tra, kiểm tra là hơn 88,3 tỷ đồng.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn ngành hoàn thành 332 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu, xử lý vi phạm hơn 58,2 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền thuế truy thu là hơn 41 tỷ đồng.

Thực tế công tác quản lý nợ tại Vĩnh Phúc cho thấy, do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, doanh thu đạt thấp, hoạt động cầm chừng hoặc phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp nợ tiền thuế lớn đang gặp khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Mặc dù cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng doanh nghiệp vẫn không có khả năng nộp tiền thuế nợ vào NSNN.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp cố tình chây ì nợ thuế song các biện pháp cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính hiện nay chưa đủ tính răn đe.

Ông Phạm Thanh Tú, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Vĩnh Yên chia sẻ, quản lý nợ là hoạt động vất vả và mất nhiều thời gian nhất. Không ít trường hợp, cán bộ thuế cùng đại diện chính quyền cấp xã tìm đến tận địa chỉ đăng ký thuế nhưng người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Biện pháp mạnh như cưỡng chế tài sản không thực hiện được vì tài sản của người nợ thuế đã bị thế chấp ngân hàng. Việc thu nợ thuế rất khó khăn, do nhiều doanh nghiệp chây ì, phớt lờ thông báo nợ thuế. Biện pháp mạnh nhất là kê biên tài sản thì phải có sự tham gia của nhiều cơ quan và phát sinh nhiều chi phí.

Để công tác thu hồi nợ thuế đạt kết quả, ông Lê Văn Phúc, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đầu năm đến nay, cơ quan thuế Vĩnh Phúc đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng, ngừng sử dụng hóa đơn, công khai thông tin người nộp thuế nợ lớn, chây ì trên phương tiện thông tin đại chúng. Từ đó, nhận thức của người nộp thuế có chuyển biến tốt hơn.

Tới đây Cục Thuế sẽ tăng cường hoạt động cưỡng chế, truy thu thuế với quan điểm cưỡng chế không có vùng cấm để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ.