Đổi mới phương thức lãnh đạo ở Mê Linh

Thời gian qua, yêu cầu về đổi mới phương thức lãnh đạo luôn được Thành ủy Hà Nội đặt lên hàng đầu. Quyết tâm này của thành phố đã tạo được sự lan tỏa đến các cấp, các ngành, trong đó huyện Mê Linh đang có nhiều chuyển biến tích cực với vai trò rõ nét của cấp ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng chức năng huyện Mê Linh tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Thạch Đà. (Ảnh THANH TUYỀN)
Lực lượng chức năng huyện Mê Linh tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Thạch Đà. (Ảnh THANH TUYỀN)

Ngày 10/5/2022, tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, người dân phản ánh một gia đình ở thôn Do Thượng đổ bê-tông hơn 90m², dựng hàng rào, hàn khung sắt, lợp bạt trên đất nông nghiệp. Sau khi xác minh thông tin, lực lượng chức năng xã đã lập biên bản và tiến hành phá dỡ toàn bộ phần vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu.

Cấp ủy cùng vào cuộc

Ngoài trường hợp nêu trên, trong tháng 5/2022, UBND xã Tiền Phong còn giải quyết dứt điểm năm vụ vi phạm khác, như: Xây lán trên đất nông nghiệp tại thôn Yên Nhân; xây nhà xưởng trên đất quy hoạch khu đô thị Hà Phong; xây chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp tại thôn Do Thượng… Đây là kết quả có được nhờ sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo từ những vụ việc cụ thể tại huyện Mê Linh.

Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm, ngay sau khi Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành hai chỉ thị về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, huyện Mê Linh xác định đây không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý các lĩnh vực này. Chính vì thế, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết định “nâng cấp” hai chỉ thị này thành hai nghị quyết chuyên đề của huyện.

Đó là Nghị quyết số 12 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn huyện” và Nghị quyết số 13 về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Mê Linh”, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cùng người đứng đầu một cách cụ thể.

Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn và công bố rộng rãi để người dân cùng tham gia. “Do cán bộ huyện không có nhiều thời gian xuống cơ sở để nắm được hết những việc ở thôn, ở xóm, cho nên đường dây nóng sẽ giúp huyện có thêm nhiều kênh để nắm thông tin hơn, trong đó có một số điện thoại được nối thẳng đến Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy để cần thiết sẽ vừa xử lý vi phạm, vừa xử lý trách nhiệm cán bộ ngay”, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm nói.

Ngoài ra, huyện còn thành lập nhóm trên Zalo gồm tất cả cán bộ chủ chốt của huyện và các xã, thị trấn, nếu “có việc” sẽ đưa lên ngay và tự khắc các đơn vị, địa phương liên quan phải vào cuộc ngay. Mới thành lập từ đầu tháng 4/2022 nhưng đến nay, đường dây nóng của huyện đã tiếp nhận 40 lượt công dân gọi đến với 48 nội dung phản ánh.

Cơ quan chức năng đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 30 nội dung, 6 nội dung cơ bản xong và 12 nội dung đang tiếp tục xác minh giải quyết. Qua đường dây nóng, nhiều vụ việc đã tồn tại từ rất lâu, gây bức xúc trong dư luận đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, như vi phạm hành lang đường giao thông ngã ba thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh; vi phạm về xây dựng và kinh doanh trên đất nông nghiệp, đất cây xanh tại tổ dân phố số 1 thị trấn Chi Đông; vi phạm trật tự xây dựng khu vực công ty Anh Sáng, xã Văn Khê...

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Không chỉ ở lĩnh vực quản lý đô thị, trật tự xây dựng, công tác xử lý các dự án chậm triển khai trên địa bàn cũng được chú trọng đẩy mạnh, bởi huyện xác định nếu chậm ngày nào là lãng phí nguồn lực rất lớn ngày đấy. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm cho biết, nếu “đúng vai” thì đây là việc của UBND huyện. Tuy nhiên, Thường trực và Ban Thường vụ Huyện ủy họp bàn và thấy rằng cần có tiếng nói thống nhất giữa cấp ủy với chính quyền để tạo sự đồng thuận, cũng như khi đề xuất với các sở, ngành sẽ có “sức nặng” hơn.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức các buổi làm việc với từng chủ đầu tư dự án đô thị chậm triển khai trên địa bàn để tháo gỡ vướng mắc, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, có văn bản cam kết với thành phố và huyện có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hoàng Anh Tuấn, huyện cũng chủ động hơn trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp. Lãnh đạo huyện yêu cầu những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của huyện thì các phòng, ban phải vào cuộc giải quyết ngay. Có những việc phải xin ý kiến thành phố về thủ tục, đích thân Bí thư hay Chủ tịch huyện sẽ sát cánh, không để doanh nghiệp phải “tự bơi” sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt ấy, một số dự án trên địa bàn đã có khởi sắc, như khởi công tổ hợp nhà ở tại khu đô thị mới Thanh Lâm-Đại Thịnh 2 của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án mở rộng khu nhà ở Minh Giang-Đầm Và. Còn tại dự án khu nhà ở Minh Đức chỉ có 13 hộ dân còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng từ năm 2013, nhưng qua tuyên truyền, vận động đã có 11 hộ nhận tiền, chỉ phải cưỡng chế hai hộ và đến nay đã bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư.

Những kết quả này đã bước đầu nhận được sự ủng hộ cao của người dân, doanh nghiệp và giúp cho Mê Linh tự tin hơn với những mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.