Đổi mới mô hình tăng trưởng ở Bình Dương

Tỉnh Bình Dương đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các trụ cột thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng tưởng mới.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất dây dẫn điện ô-tô tại Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam ở thành phố Dĩ An.
Sản xuất dây dẫn điện ô-tô tại Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam ở thành phố Dĩ An.

Tỉnh phấn đấu phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030, trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Triển khai thực hiện các trụ cột phát triển, tập trung đầu tư giao thông kết nối đi trước mở đường, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tạo lực phát triển, tỉnh Bình Dương đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn đón làn sóng đầu tư nước ngoài thế hệ mới.

Kết quả từ tư duy đổi mới, sáng tạo

Ngày 8/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trao Giấy phép xây dựng cho Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản) để khởi công xây dựng nhà máy giai đoạn sáu với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD. Ðầu tư vào Bình Dương từ năm 2008, Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam rất thành công và hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất và gia công sản xuất các sản phẩm mạch in dẻo (FPC), vật liệu điện tử chính xác, vật liệu điện, các sản phẩm liên quan đến chất bán dẫn, các loại linh kiện quang học, các sản phẩm mạch tích hợp.

Triển khai thực hiện các trụ cột phát triển, tập trung đầu tư giao thông kết nối đi trước mở đường, chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tạo lực phát triển, tỉnh Bình Dương đã tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn đón làn sóng đầu tư nước ngoài thế hệ mới.

Dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH SKM Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản) nhằm tiếp tục mở rộng chi nhánh nhà máy với vốn đầu tư tăng thêm 10 triệu USD. Là doanh nghiệp sản xuất linh kiện thiết bị máy móc đầu tư vào Bình Dương từ năm 2012, Công ty TNHH SKM Việt Nam rất yên tâm với môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng nên tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy tăng năng lực sản xuất...

Với các dự án mới của Nhật Bản được cấp phép xây dựng và đầu tư trên, từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút gần 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Phạm Trọng Nhân cho biết: Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau Thành phố Hồ Chí Minh) với 4.162 dự án, có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 40,2 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư FDI cả nước, quy mô trung bình dự án khoảng gần 9,7 triệu USD.

Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn nổi tiếng đã đầu tư vào Bình Dương như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Mỹ), Kumho (Hàn Quốc), Uni-President (Ðài Loan, Trung Quốc), Lego (Ðan Mạch)...

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị thế giới; song, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng nên tình hình kinh tế chín tháng của tỉnh đạt được kết quả tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng 13,4%; tổng thu ngân sách ước đạt 44.080 tỷ đồng; thu hút 61.726 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23 tỷ USD, xuất siêu hơn 6,9 tỷ USD.

Bên cạnh các chỉ số kinh tế, với các giải pháp phát triển đô thị, mới đây vào ngày 21/6, Tổ chức Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) lần thứ ba liên tiếp vinh danh Thành phố thông minh Bình Dương nằm trong Tốp 7 Cộng đồng Thông minh thế giới năm 2023. Với lĩnh vực thương mại dịch vụ, Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, là thành viên của Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WCTA), trong tháng 8/2023 đã ký Biên bản ghi nhớ tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với Trung tâm thương mại thế giới Mumbai (Ấn Ðộ) và Trung tâm thương mại thế giới Thẩm Dương (Trung Quốc) nhằm thúc đẩy khu vực trở thành điểm đến giao thương quốc tế.

Bà Crystal Edn, Giám đốc Dịch vụ thành viên Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng của tỉnh Bình Dương với mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ thông minh và gắn liền với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã, đang thúc đẩy phát triển ngành thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế phát triển.

Giải pháp phát triển bền vững

Tỉnh Bình Dương xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, tỉnh định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh-sinh thái. Ðồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

Với tinh thần này, tỉnh luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, đóng góp vào thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.

Ðổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thực hiện quyết liệt và có những thành công nhất định. Trong giai đoạn hiện tại đối mặt với nhiều thách thức, việc lấy kết quả để nâng cấp và xây dựng một mô hình phát triển mới đón đầu những yêu cầu mới của thời đại là rất quan trọng.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Hùng Dũng

Cụ thể hóa các giải pháp trên, đầu tháng 9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã công bố quyết định cho phép thành lập Trung tâm Ðổi mới sáng tạo Việt Nam-Singapore tại Bình Dương. Trung tâm được thành lập với sự hợp tác của Tổng công ty Becamex IDC và Tập đoàn Sembcorp (Singapore) trong việc đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp với hành trình chuyển đổi công nghệ 4.0. Ðây là mô hình mới, được định vị là nền tảng nhằm thu hút sự tham gia tích cực và hợp tác giữa các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo mô hình hợp tác ba nhà, tạo điều kiện để doanh nghiệp, viện, trường phát huy được tiềm năng, nâng cấp năng lực thông qua các hoạt động thương mại hóa, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Ðây còn là nơi giúp doanh nghiệp có thể tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, thích ứng với xu hướng phát triển xanh và bền vững của thế giới, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới.

Ðối với khu công nghiệp sinh thái, tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC cũng được chọn là đối tác chính cho dự án hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy phát triển khu công nghiệp sinh thái do Ngân hàng Thế giới (WB) khởi xướng. Tháng 6/2023, WB đã phối hợp với các đơn vị của tỉnh Bình Dương tổ chức công bố kết quả nghiên cứu tiền khả thi về tiềm năng phát triển của Khu công nghiệp sinh thái (EIP) tại Bình Dương.

Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của WB cho rằng: Sự hợp tác giữa các bên liên quan sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết: Sự hợp tác thực hiện nghiên cứu tiền khả thi cho các cơ hội triển khai khu công nghiệp sinh thái ở huyện Bàu Bàng sẽ mang lại nhiều đóng góp to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp cho tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung theo hướng xanh, thông minh, bền vững. Ðây cũng là bước nhằm cụ thể hóa giải pháp để chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu, xây dựng khu công nghiệp mới theo hướng khu công nghiệp thông minh-sinh thái.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết: Ðổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã thực hiện quyết liệt và có những thành công nhất định. Trong giai đoạn hiện tại đối mặt với nhiều thách thức, việc lấy kết quả để nâng cấp và xây dựng một mô hình phát triển mới đón đầu những yêu cầu mới của thời đại là rất quan trọng.

Với quan điểm đó, Bình Dương đã, đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao. Ðồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Tỉnh chú trọng thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững, đóng góp vào thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.