Trong một thời gian dài, sân khấu kịch Việt Nam dường như đã bị "đóng khung" vào phương pháp dàn dựng và biểu diễn của trường phái hiện thực tâm lý của K.S.Stanislavski (K.S.Xta-ni-láp-xki), trong mô hình không gian hộp của nhà hát (blackbox theatre) theo kiểu truyền thống Italia và gần như theo một hệ sáng tác kịch bản, dựa trên các nguyên tắc khắc họa tính cách nhân vật, kết cấu hành động kịch và xây dựng hệ thống xung đột của sân khấu cổ đại Hy Lạp. Cho đến thời điểm hiện tại, sân khấu nước ta đang rơi vào một cuộc khủng hoảng lớn với sự thiếu vắng những vở diễn có tầm vóc nhân bản và mang tính thời đại như ở giai đoạn trước. Đời sống sân khấu không còn sống động và dần chuyển hóa thành hai khu vực. Khu vực sân khấu kịch phía bắc với các nhà hát công lập gần như chỉ dựng vở theo chỉ tiêu kế hoạch và phục vụ các kỳ hội diễn hoàn toàn bằng kinh phí ngân sách nhà nước. Khu vực sân khấu phía nam hình thành các nhóm sân khấu xã hội hóa của các nghệ sĩ trẻ khu vực ngoài công lập, hoạt động bằng kinh phí tự thân. Bước đột phá duy nhất của sân khấu kịch Việt Nam trong giai đoạn chuyển hóa này là việc tổ chức các liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế tại Hà Nội, do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khởi xướng. Giá trị lớn của các liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế, dù chưa hoàn toàn hiệu quả một cách triệt để, nhưng đã là dấu hiệu tích cực đặt nền móng cho một giai đoạn mới của sân khấu kịch Việt Nam.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề cấp bách chung của nhân loại đang thay đổi toàn diện hiện thực thế giới và tương lai con người trong thế kỷ 21, trong đó có hoạt động sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật nói chung, đời sống sân khấu kịch nói riêng. Trong suốt thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21, sân khấu thế giới đã có cuộc chuyển mình mạnh mẽ với những tìm tòi sáng tạo vô cùng phong phú. Trong khi đó, sân khấu Việt Nam mới chỉ bắt đầu chú ý tới yếu tố thử nghiệm. Qua đó mới thấy sân khấu kịch nước ta đang chậm trễ, tụt hậu so với sân khấu thế giới. Nguyên nhân phần nào đến từ bối cảnh lịch sử khi nền sân khấu Việt Nam phải tập trung vào cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí chưa cao và chưa có đủ các điều kiện tiên quyết để xây dựng một nền sân khấu kịch tiên tiến. Bên cạnh đó là chế độ và chính sách tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động sân khấu chưa thực sự kích thích những tìm tòi và sáng tạo mới cùng những quan niệm cũ trì trệ đã tạo nên các rào cản vô hình cho các nhân tố mới phát triển. Điều quan trọng nhất vẫn là việc cần tìm ra các giải pháp hữu hiệu để khắc phục và đưa ra một tầm nhìn mới cho sân khấu kịch Việt Nam trong nhiều năm tới.
Hiện tại, phương pháp hiện thực tâm lý của K.S.Stanislavski và các học trò của ông vẫn được ứng dụng một cách chính thống tại một số trường sân khấu trên thế giới trong việc đào tạo đạo diễn và diễn viên cho công nghiệp làm phim tại châu Âu và châu Mỹ, bởi tính tự nhiên và chân thực là yêu cầu cốt lõi của loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, trên các sàn diễn sân khấu quốc tế hiện nay, phương pháp này không còn giữ vai trò độc tôn nữa. Trên mặt bằng tổng thể của sân khấu thế giới, một phong trào thử nghiệm và cách tân sân khấu đã diễn ra rộng khắp ở nhiều quốc gia, tạo nên sự định hình của rất nhiều phương pháp và hình thức sân khấu mới.
Được khởi xướng vào cuối thế kỷ 19 tại châu Âu bởi Alfred Jarry (An-phrét Gia-ri), "sân khấu thử nghiệm" (Experimental Theatre hay Avant - Garde Theatre) ra đời với sự chối bỏ các nguyên tắc truyền thống cũ, thử nghiệm các hình thức khác nhau trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình thể, xây dựng các khái niệm mới trong việc xử lý không gian, thời gian và mối quan hệ với khán giả, tiếp cận các vấn đề xã hội, thủ pháp dàn dựng và các tác động vật lý vào kỹ thuật biểu diễn, thay cho các tác động tâm lý thuần túy như trước đây. Cũng từ đây, sân khấu thế giới trong thế kỷ 20 đã chứng kiến sự ra đời của những nhà hát thử nghiệm lừng danh với những tên tuổi chói sáng, tạo nên diện mạo và đời sống hoàn toàn mới cho loại hình nghệ thuật đặc thù này. Chính họ là những người đã bước ra từ truyền thống sân khấu cũ và bảo thủ, để tạo nên những hình thức và nội dung rất mới cho nghệ thuật sân khấu của nhân loại. Những tìm tòi sáng tạo độc đáo đó không chỉ xuất phát từ việc nghiên cứu, khảo nghiệm, khám phá lại và đổi thay các nguyên lý nội tại của nghệ thuật sân khấu, mà còn bao gồm cả việc mở rộng thử nghiệm, với việc kết hợp thú vị giữa truyền thống sân khấu phương Đông và phương Tây, như Bertolt Brecht (Béc-tôn Brếch) và Peter Brook (Pi-tơ Brúc) đã làm.
Sân khấu thế giới hôm nay không còn bị "nhốt kín" trong khối hộp của nhà hát kiểu truyền thống Italia. Nghệ sĩ sáng tạo cũng ít tự "đóng khung" mình trong một phương pháp dàn dựng và khán giả không còn "thụ động" trong thưởng thức các vở diễn. Các nhà lý luận phê bình đã bớt dần việc "áp đặt" những quan niệm và truyền thống lý luận cũ kỹ khi đánh giá các thử nghiệm cách tân mới lạ. Một đời sống sáng tạo và thưởng thức sân khấu với "kết cấu" mở đang được tổ chức và vận hành ở những nơi có nền sân khấu phát triển. Nghệ sĩ sân khấu có thể sáng tạo bất cứ nội dung gì, tại bất cứ nơi đâu, theo bất cứ hình thức và phương pháp kỹ thuật nào, bằng bất cứ nguồn kinh phí nào mà họ tìm được, miễn tác phẩm đủ "thuyết phục" và hấp dẫn khán giả, không làm tổn thương đến chính trị, tôn giáo, văn hóa và những giá trị nhân bản cốt lõi của loài người. Chính khán giả, trong thời đại mới, là động lực cho những thử nghiệm cách tân để tạo nên một đời sống sân khấu sống động, phong phú và đa dạng.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm hình thành nền sân khấu kịch Việt Nam hiện đại, nghệ thuật sân khấu kịch nước ta cần tiến hành cách tân, đổi mới toàn diện trên tất cả các phạm vi có liên quan tới sự ra đời của một vở diễn sân khấu. Đó là một yêu cầu sống còn nếu chúng ta không muốn nền nghệ thuật sân khấu kịch Việt Nam hoạt động một cách mờ nhạt, giậm chân tại chỗ hoặc sống lay lắt theo kế hoạch, như một công cụ văn hóa thuần túy. Cần có một tầm nhìn chiến lược lâu dài cho nhiều năm tới với những mục tiêu cụ thể: xác định lại hệ thống quản lý, tổ chức và vận hành đời sống sân khấu trên phạm vi cả nước; mở rộng cơ sở và chương trình đào tạo với việc giới thiệu và ứng dụng vào thực tiễn các trường phái sân khấu nổi tiếng trên thế giới; đẩy mạnh giao lưu hợp tác và hội nhập với sân khấu quốc tế cả ở trong nước và nước ngoài; quy hoạch lại toàn bộ hệ thống nhà hát và cơ sở hạ tầng dành riêng cho sân khấu. Trong đó, ứng dụng sâu rộng nghệ thuật sân khấu vào học đường như một hệ phương pháp giáo dục công dân, nâng cao dân trí về văn hóa sân khấu và đầu tư bền vững cho những thế hệ khán giả tương lai. Một trong những điều cốt lõi là cần tạo điều kiện tốt nhất và có cơ chế động viên các nghệ sĩ sân khấu và tác giả trẻ để họ thử nghiệm, ứng dụng những sáng tạo mới; khuyến khích và ưu tiên chất lượng quảng bá, truyền thông, công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu, nhằm tạo nên một đời sống sân khấu sôi động, phong phú và có tính phản biện cao, từng bước đưa chất lượng và đẳng cấp của các tác phẩm sân khấu lên những tầm vóc mới.