Khắc phục “bệnh hình thức” trong thi đua, khen thưởng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI (kỳ họp thứ tư) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004. Luật đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013, là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.
Sau 17 năm thực hiện, Luật Thi đua, khen thưởng đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Song bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân. Luật có đối tượng điều chỉnh rộng, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng. Một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa cụ thể, khó áp dụng với một số đối tượng, lĩnh vực. Tỷ lệ khen thưởng cấp nhà nước chưa cân đối, tập trung chủ yếu vào khen niên hạn, khen công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhận định, việc xây dựng, phát động, triển khai, tổ chức, kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua là vấn đề lớn, nhưng trên thực tế còn mang tính chất đối phó, hình thức.
Mặc dù hình thức thi đua rất phong phú, nhưng nếu nhìn vào nội dung thi đua, có thể thấy mức độ đóng góp, sự lan tỏa của các kết quả thi đua còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, khi xét khen thưởng cần bám vào phong trào thi đua, tức là thành tích, kết quả của thi đua đến đâu thì khen thưởng đến đó.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, trên thực tế, vẫn có nhiều đồng chí trong các dịp lễ tôn vinh thi đua được nhận nhiều loại bằng khen ở các cấp độ khác nhau, cho thấy sự chồng chéo. Do vậy, nên cần có quy định cá nhân hay tập thể trong một thời hạn xét thi đua, khen thưởng cần tích hợp các thành tích thi đua về mọi phương diện, và cuối cùng là chỉ được nhận một hình thức thi đua khen thưởng ở mức cao nhất.
Đưa công tác thi đua, khen thưởng đi vào thực chất
Trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu rõ, việc trình Quốc hội dự án Luật là cần thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; khắc phục những tồn tại, hạn chế của luật hiện hành và quá trình tổ chức thực hiện, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 98 điều. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 18 điều nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 34-CT/TW “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; đồng thời bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng và phân cấp cho bộ, ban, ngành, tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn một số danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, sửa đổi trong dự án luật tập trung vào bốn chính sách lớn, bao gồm hoàn thiện hệ thống thi đua; hoàn thiện hệ thống khen thưởng, hoàn thiện chế định, thẩm quyền và phân cấp triệt để trong công tác thi đua, khen thưởng; và hoàn thiện thủ tục hành chính sao cho tinh gọn.
Bộ trưởng đánh giá, đây là một dự án luật sửa đổi một cách toàn diện, bao trùm cả hệ thống chính trị và các đối tượng, cân đối hợp lý hài hòa giữa khu vực công và tư, đồng thời bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn.
Trong đó, đổi mới hình thức khen thưởng là rất quan trọng để hướng về cơ sở, bao phủ được cả các đối tượng ngoài nhà nước, tập trung vào các đối tượng trực tiếp lao động, sản xuất, chiến đấu, học tập…
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Ban soạn thảo đã cố gắng hạn chế đến mức tối đa để giảm bớt hình thức về thi đua và khen thưởng, tránh khen thưởng chỉ tập trung vào đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, mà hướng đến các đối tượng khác trong khu vực tư nhân, các tầng lớp nhân dân, những người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân hay doanh nhân…
Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội và Chỉ thị 34 của Bộ Chính trị về thực sự đổi mới thi đua, khen thưởng, mối quan hệ giữa thi đua với khen thưởng cần được bảo đảm nhưng vẫn phải điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu quan trọng, đó là thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó, tức có thành tích thì phải có hình thức khen thưởng phù hợp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Đồng tình với nội dung sửa đổi trong dự thảo luật, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần cân nhắc, xem xét để bổ sung các quy định trong hồ sơ về thủ tục, hướng dẫn trong việc thực hiện khen thưởng theo thủ tục đơn giản. Điều này là rất cần thiết để có tính khả thi và khả năng tổ chức thực hiện ngay sau khi dự luật được thông qua.
Ngoài ra, đại biểu Trần Tuấn Anh đề nghị, nên xem xét sử dụng kết quả đánh giá, phân loại cán bộ công chức, viên chức để coi như một cơ sở chính thức trong quá trình xem xét, đánh giá thi đua, khen thưởng và hình thức khen thưởng. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn liên quan đến sáng kiến rất cần cân nhắc, và nên được coi như là một yếu tố gia tăng trong xét thi đua, khen thưởng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.
Ủy ban cũng tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo trong một số hình thức khen thưởng đã bổ sung đối tượng là tập thể nhỏ và người lao động trực tiếp; doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài… phù hợp với thực tiễn ngày càng đa dạng trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; cùng với đó là lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về pháp luật; cụ thể hóa các nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số trong các quy định về tiêu chuẩn danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong dự thảo Luật.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền trong quý IV/2021 để làm căn cứ cho việc hoàn thiện quy định của dự thảo Luật.