Đổi mới giảng dạy để hội nhập tốt

Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Đây được xem là tiền đề quan trọng để ngành giáo dục thành phố trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, Quận 1.
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, Quận 1.

Phương pháp dạy học là yếu tố quan trọng và quyết định chất lượng đào tạo. Phương pháp dạy học khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để giáo viên và học sinh phát huy hết khả năng trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức, phát triển tư duy, cũng như tạo nên sự hứng thú, sáng tạo của học sinh trong việc học tập.

Tự chủ trong việc lập kế hoạch giáo dục

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa, đặc biệt là bản chất việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá trong việc dạy và học, hằng năm, ngay đầu năm học, đơn vị ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các bậc học và các văn bản hướng dẫn tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh.

Việc làm này để định hướng các cơ sở giáo dục tập trung thực hiện việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục.

Qua đó, giúp nhà trường chủ động xây dựng các hoạt động dạy và học phù hợp tình trạng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhất là năng lực của học sinh đang học tại trường.

Ngoài ra, việc tự chủ lập kế hoạch giáo dục của trường cũng giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên để thực hiện chương trình; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Với đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực, ngành giáo dục thành phố tập trung thực hiện vào năm đặc trưng.

Thứ nhất, dạy học thông qua tổ chức các hoạt động học tập, giúp học sinh tự khám phá những điều chưa biết chứ không thụ động tiếp thu những tri thức được sắp đặt sẵn.

Giáo viên là người tổ chức và hướng dẫn học sinh tiến hành các hoạt động học tập, phát hiện kiến thức mới, vận dụng kiến thức đã biết để giải quyết các tình huống học tập hoặc tình huống thực tiễn...

Thứ hai, chú trọng rèn luyện cho học sinh biết khai thác sách giáo khoa và các tài liệu học tập, biết cách hệ thống những kiến thức đã có, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới.

Qua đó, định hướng cho học sinh cách tư duy như phân tích, tổng hợp, khái quát hóa, tìm ra những điểm tương đồng… để dần hình thành, phát triển tiềm năng sáng tạo.

Thứ ba, tăng cường phối hợp học tập cá thể với học tập hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp giữa giáo viên-học sinh và học sinh-giáo viên nhằm vận dụng sự hiểu biết, kinh nghiệm của từng cá nhân, của tập thể trong giải quyết các nhiệm vụ học tập chung.

Thứ tư, chú trọng đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập. Chú trọng phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau của học sinh với nhiều hình thức như theo lời giải, đáp án mẫu, theo hướng dẫn, hoặc tự xác định tiêu chí để có thể tự đánh giá.

Cuối cùng là thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn, chú trọng thực hiện dạy học thông qua các khóa học được tổ chức trên hệ thống LMS (Hệ thống quản lý học trực tuyến) để phát huy khả năng tự học, đọc, nghiên cứu bài học của học sinh theo hướng dẫn của giáo viên.

Phát triển phẩm chất và năng lực người học

Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, ngành giáo dục thành phố cũng đẩy mạnh đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá để có thể đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn chú trọng hướng dẫn các cơ sở giáo dục, các tổ bộ môn, các giáo viên thông qua những buổi tập huấn chuyên môn đầu năm học.

Trong đó, việc kiểm tra, đánh giá bám sát kế hoạch bài dạy và mục tiêu của nội dung chương trình của môn học; bảo đảm tính vừa sức và phân hóa học sinh; bảo đảm tỷ lệ các mức độ của kiến thức kỹ năng: ghi nhớ-nhận biết-thông hiểu-vận dụng-sáng tạo.

Đồng thời, chú trọng đánh giá toàn diện về các mặt: kiến thức, kỹ năng, thái độ, tình cảm, kết quả vận dụng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của học sinh. Giáo viên phải lập kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ; thống nhất hình thức kiểm tra với phương châm kết hợp hai hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan.

Giáo viên cũng có thể đánh giá thông qua việc học sinh thực hiện các bài tập nhóm, thuyết trình, bài báo cáo, dự án… nhằm giúp học sinh phát huy tính sáng tạo trong học tập.

Để nâng cao hiệu quả việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy phải là quá trình hoạt động tự giác của bản thân giáo viên và phù hợp yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

Đổi mới phương pháp dạy học là quá trình lâu dài, gian khổ đối với mỗi giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải từ bỏ một số thói quen giảng dạy theo kiểu truyền thống, mà thay vào đó giáo viên giữ vai trò thiết kế, tổ chức, hướng dẫn các hoạt động độc lập để học sinh tự chiếm lĩnh nội dung học tập.

Giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn học sinh phương pháp học, biết cách tự học, tiếp nhận kiến thức và rèn luyện kỹ năng, tự đánh giá kết quả học tập, đồng thời biết cách tiếp nhận thông tin phản hồi từ đánh giá nhận xét của học sinh về phương pháp giáo dục của mình.

Các trường phải quan tâm và đầu tư nguồn lực để bồi dưỡng giáo viên, cũng như xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán theo từng bộ môn. Đội ngũ này phải là những người có đủ năng lực, uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực để hướng dẫn giáo viên trong trường triển khai các phương pháp đổi mới giảng dạy, cũng như các phương pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh.