Đổi mới để hội nhập nền giáo dục tiên tiến quốc tế

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản trị… để hội nhập sâu rộng với nền giáo dục tiên tiến quốc tế. Đến nay, đơn vị này từng bước ghi tên mình đậm nét trên bản đồ giáo dục châu Á và thế giới, trở thành một hệ thống đại học nghiên cứu tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tri thức…
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Những năm qua, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh luôn là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về công bố khoa học, nhất là công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hai danh mục cơ sở dữ liệu lớn của thế giới là Web of Science (của Clarivate) và Scopus (của Elsevier). Năm 2022, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố 2.822 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị trong, ngoài nước. Trong đó, số bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục cơ sở dữ liệu Scopus là 1.913 bài, là đơn vị có số bài báo công bố dẫn đầu cả nước trong danh mục này.

Năm 2022, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng được cấp hai bằng sáng chế tại Hoa Kỳ; nhiều giảng viên và sinh viên đoạt các giải thưởng danh giá trong hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Tiêu biểu là Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Doãn Sơn nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Hà Thị Thanh Hương nhận giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022” của chương trình L’Oreal-UNESCO; nhiều sinh viên cũng vinh dự đạt hạng nhất cuộc thi lập trình IEEEextreme, vô địch cuộc thi lập trình robot diễn ra tại Singapore...

Hiện, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế, với 110 chương trình đào tạo; giữ vững tốp 801-1.000 trường đại học tốt nhất thế giới (QS World), đạt vị trí 167 các trường đại học xuất sắc châu Á (QS Asia). Trong đó, ngành Kỹ thuật dầu khí không chỉ đứng đầu Việt Nam mà còn đạt tốp 51-100 thế giới (QS Subject). Về uy tín học thuật, đơn vị này tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Việt Nam ở tiêu chí Danh tiếng với đồng cấp học thuật và Danh tiếng với nhà tuyển dụng. Đây là hai tiêu chí Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiệm cận tốp 100 khu vực châu Á và không ngừng cải thiện qua từng năm.

Cụ thể, Danh tiếng với đồng cấp học thuật có vị trí xếp hạng 89, Danh tiếng với nhà tuyển dụng đứng vị trí 117. Kết quả này cho thấy, hoạt động kết nối giữa đơn vị này với các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp ngày càng được quan tâm. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh hoạt động ký kết và triển khai hợp tác với nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng... Trong đó, trọng tâm là công tác tư vấn, phản biện về quy hoạch, nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Điển hình là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai bốn đề án khoa học thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế tám ngành học và đại học chia sẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2035 do UBND Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng; triển khai Đề án khoa học Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh-Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Về hợp tác quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang là cơ quan chủ quản của nhiều dự án quốc tế lớn với tổng kinh phí hơn 132 triệu USD. Đây là nguồn lực quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ cho Khu đô thị Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiêu biểu là dự án Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam-Tiểu dự án Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 100 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới; dự án Tăng cường giáo dục đại học lĩnh vực nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí hơn 9 triệu USD do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ; dự án Xây dựng kế hoạch và thiết lập chuỗi lúa gạo (SRP) nông hộ nhỏ bền vững ở đồng bằng sông Cửu Long với kinh phí khoảng 4,3 triệu AUD do Chính phủ Australia tài trợ...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cần phấn đấu nhiều hơn nữa, phải liên tục đổi mới để thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và quốc tế hóa giáo dục. Trong năm 2023, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ trọng tâm là triển khai Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2025 và thực hiện rà soát, đánh giá giữa kỳ.

Trong đó, chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn lực tài chính nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tập trung xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á; đồng thời, tiếp tục đổi mới cấu trúc quản trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả, từng bước hoàn thiện mô hình tự chủ đại học; thực hiện chuyển đổi số, phát triển hệ thống học liệu số dùng chung trong giảng dạy và học tập…