Đổi mới đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội

Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ, tạo động lực, chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân trong một buổi học.
Sinh viên Trường đại học Kinh tế quốc dân trong một buổi học.

Vì vậy, số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động tận dụng được lợi thế trong việc huy động nguồn lực từ xã hội, đa dạng hóa nguồn thu phục vụ cho phát triển nhà trường thông qua các dịch vụ đào tạo, chương trình đào tạo chất lượng cao và có tính hội nhập.

Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, kết thúc năm học 2023-2024, quy mô đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của các cơ sở giáo dục đại học có xu hướng tăng đều trở lại ở tất cả các khối ngành so với năm học trước. Riêng quy mô đào tạo đại học chính quy có xu hướng tăng nhẹ với tổng số hơn 1,94 triệu sinh viên. Trong đó lĩnh vực toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm và thủy sản, thú y tăng mạnh cho thấy các cơ sở đào tạo đã quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững, nhất là với các ngành kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Ðáng chú ý, trong đào tạo, việc tự chủ trong chuyên môn, học thuật tiếp tục được đẩy mạnh, số lượng ngành đào tạo được mở mới tiếp tục tăng trong năm vừa qua, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của đất nước và của từng địa phương.

Công tác bảo đảm chất lượng cũng được chú trọng, số lượng giảng viên tăng lên không ngừng, năm 2022 có hơn 86.000 giảng viên, trong đó có hơn 27.000 giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thì năm 2024, cả nước có hơn 91.000 giảng viên, trong đó có hơn 30.000 giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Năm học 2023-2024 đã có thêm 592 chương trình đào tạo và 12 cơ sở đào tạo được kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài. Với kết quả kiểm định năm 2023-2024 đạt được đưa toàn hệ thống giáo dục đại học có 204/239 cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định chất lượng.

Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế có xu hướng tăng bền vững. Thống kê của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho thấy, năm 2022, trong số 18.441 bài báo Scopus của cả nước thì riêng 67 cơ sở giáo dục đại học công bố nhiều nhất đã có 15.186 bài (chiếm 82,35%); bảy tháng đầu năm 2024, trong số 12.567 bài báo Scopus của cả nước thì 67 cơ sở giáo dục đại học công bố nhiều nhất có 10.613 bài báo (chiếm 84,45%).

Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ được Bộ Giáo dục và Ðào tạo duy trì thường xuyên. Tất cả các đề tài được phê duyệt có sản phẩm công bố quốc tế ISI, Scopus, ACI và công bố trong nước trên các tạp chí khoa học trong danh mục tính điểm công trình của Hội đồng Giáo sư nhà nước...

Nhiều cơ sở đào tạo thực hiện tốt việc đào tạo, nghiên cứu khoa học hiệu quả. Ðiển hình như tại Ðại học Ðà Nẵng, để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, từ năm 2015 đã thành lập "Quỹ phát triển khoa học công nghệ" triển khai kinh phí cho các đề tài cấp Ðại học Ðà Nẵng; hỗ trợ giảng viên trẻ và thưởng cho giảng viên là tác giả các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Theo PGS, TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Ðại học Ðà Nẵng, những năm gần đây, mỗi năm Ðại học Ðà Nẵng có từ 60 đến 70 giảng viên tốt nghiệp tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ với tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm gần 47% số giảng viên của đơn vị.

Mặc dù chất lượng đào tạo đã được nâng lên đáng kể nhưng thực tế cho thấy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn; trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.

Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học cần đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong toàn hệ thống; chuẩn bị tốt các tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của giáo dục đại học.

Giám đốc Ðại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, quy mô tuyển sinh, đào tạo đại học của hầu hết các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đang gia tăng khá nhanh trong thời gian gần đây. Ðiều này phản ánh nhu cầu học tập ở bậc đại học ngày càng tăng của thế hệ trẻ, gắn với yêu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần có giải pháp đầu tư, cải tiến, đổi mới phải mạnh mẽ để bảo đảm duy trì và nâng cao chất lượng nhân lực; trong đó, đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng bài giảng, giáo trình; đổi mới phương thức giảng dạy, đầu tư hạ tầng chuyển đổi số và các phòng thí nghiệm đào tạo, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo…

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Minh Sơn, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, các trường đại học cần tạo điều kiện tối đa cho giảng viên bằng những giải pháp hỗ trợ. Ðặc biệt, trong hợp tác quốc tế, cần có hợp tác chiến lược với một số cơ sở giáo dục nước ngoài, thuận tiện hơn trong việc cử giảng viên đi học, nhất là những giảng viên trẻ. Việc phát triển giảng viên, không chỉ là vấn đề thu hút, cạnh tranh trong nước, mà còn phải phát triển, thu hút người Việt Nam có trình độ cao ở nước ngoài về làm việc, nhất là trong những lĩnh vực mà đất nước cần, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm như trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao, công nghệ bán dẫn...