Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đưa ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới. Trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương và lãnh đạo 52 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự hội nghị trực tuyến.
Hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức
Trong năm qua, Ủy ban Dân tộc thực hiện các nhiệm vụ công tác dân tộc trong bối cảnh có nhiều thách thức và khó khăn hơn so dự báo: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thiên tai, gây thiệt hại lớn tại các tỉnh miền núi phía bắc và các tỉnh miền trung, Tây Nguyên; tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán vẫn tiếp diễn ở đồng bằng sông Cửu Long…
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Ủy ban Dân tộc đã nỗ lực với quyết tâm cao nhất thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân tộc năm 2021, bảo đảm an sinh xã hội, tạo chuyển biến tích cực đúng hướng trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong số, 7 chương trình, đề án, chính sách dân tộc được giao, hết năm 2021, UBDT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 đề án; 2 đề án đã trình chờ phê duyệt; 1 đề án đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp để có căn cứ trình Chính phủ.
Năm 2021 cũng là năm thứ hai dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ủy ban Dân tộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bằng các thứ tiếng dân tộc; kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai các gói cứu trợ của Nhà nước đến những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ kịp thời đối với lao động là người dân tộc từ vùng dịch trở về địa phương; hỗ trợ trực tiếp cho gia đình hộ nghèo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số bị mắc Covid-19 có đời sống khó khăn...
Với 52 tỉnh, thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc cũng luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Trong đó, năm 2021, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Ban Dân tộc và cơ quan dân tộc các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chuyển bị các điều kiện liên quan để thực hiện chương trình. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình, các địa phương đã tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn đầu tư công theo quy định.
Cùng với việc thực hiện các Chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, một số địa phương còn ban hành các chính sách đặc thù riêng của địa phương dành cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Hỗ trợ khám, chữa bệnh; hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội; đãi ngộ với các y, bác sĩ làm việc tại các trạm y tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo tồn tiếng nói, chữ viết; hỗ trợ lãi suất; bảo hiểm y tế… Nhờ đó, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục ổn định, đời sống người dân cơ bản được đảm bảo, an ninh-trật tự được giữ vững.
Tập trung triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia
Trên cơ sở kết quả đạt được trong năm 2021, để chương trình công tác năm 2022 và những năm tiếp theo đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, năm 2022, Uỷ ban Dân tộc sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc.
Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Tập trung xây dựng các đề án, chính sách dân tộc trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, tham luận với hội nghị, nhiều địa phương đã chủ động nêu ra những đề xuất, kiến nghị. Trong đó, với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn năm 2021 và vốn trung hạn để các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình kế hoạch 2021 sang niên độ tài chính 2022.
Nhấn mạnh vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định: Trong mỗi giai đoạn lịch sử, chính sách dân tộc của Việt Nam luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước. Với hệ thống các chính sách ngày càng phủ kín các lĩnh vực, địa bàn, có tính toàn diện, bám sát thực tiễn… đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện.
Thời gian tới, để công tác dân tộc và chính sách dân tộc tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước... Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị, cần lưu ý tới một số nhiệm vụ trọng tâm như: Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; cải cách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác dân tộc các cấp. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế về công tác dân tộc nhằm thu hút nguồn vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện công tác đối ngoại nhân dân, giao lưu cộng đồng các dân tộc thiểu số với các nước trong khu vực….
Nghiên cứu, đề xuất tiếp tục đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới, trong đó chú trọng các chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ để tạo sinh kế bền vững và nâng cao trình độ, tay nghề, nhận thức, tinh thần tự lực tự cường, thoát nghèo vượt khó cho đồng bào các dân tộc; từng bước thay thế các chính sách “cho không” bằng các chính sách hỗ trợ tín dụng, công cụ, phương tiện sản xuất.
Trước khối lượng lớn công việc đặt ra trong việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… thường xuyên phối hợp với Ủy ban Dân tộc, tham mưu, xử ý, kiến nghị lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có văn bản giải quyết những đề xuất, kiến nghị mà Ủy ban Dân tộc và các địa phương nêu ra tại hội nghị.